Vét trong túi áo chỉ còn vỏn vẹn 10.000 đồng, anh Thành đưa trả chủ quán, rồi lặng lẽ kiếm góc khuất bóng đèn, ngả lưng lên chiếc ghế bố. Xung quanh anh, chừng 20 người khác đã ngáy.
12h đêm, lỡ thời gian không thể về nhà trọ, anh Thành (42 tuổi, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), làm nghề phụ hồ, ra bến xe buýt Bến Thành ngả người trên ghế chờ khách để qua đêm. Ngay lập tức, bác xe ôm cạnh đó gọi: "Có giấy tờ gì không? Ngủ ở đây đêm công an qua 'hốt' bây giờ. Muốn ngủ đưa 15 nghìn, tui chở tới quận 4 có chỗ ngủ trên vỉa hè giá chỉ 10 nghìn đồng thôi". Bán tin bán nghi nhưng anh Thành cũng theo bác xe ôm lao vút trong màn đêm.
Chỗ ngủ đó nằm trên đường Hoàng Diệu (quận 4, TP HCM). Chủ của một trong 3 ngôi nhà mặt tiền đã tận dụng khoảng diện tích vỉa hè chừng 50 m2 để bán nước và bán chỗ cho khách qua đêm. Hai hàng ghế san sát được đặt song song, cách nhau bởi một cái bàn. Cạnh đó là tủ hàng bán cà phê, đồ giải khát.
Vừa thấy anh Thành bước vào, người chủ tên Cường chạy ra hỏi ngay: "Ngủ qua đêm hả anh? Ghế đó, kiếm một chỗ mà ngủ, bóp tiền, đồ đạc nhớ cất kỹ, ở đây không kiêm nhiệm vụ giữ đồ". Thấy khách gật đầu, anh chủ tiệm ra giá: "10 nghìn, nếu uống cà phê thì tính thêm tiền". Vét trong túi áo chỉ còn vỏn vẹn đủ tiền mua chỗ, anh Thành đưa trả chủ quán, rồi lặng lẽ kiếm một nơi khuất bóng đèn, gác chân lên bàn ngả lưng, tận hưởng giấc ngủ trên vỉa hè.
Bên cạnh anh, hơn 20 người khác cũng đã ngáy ò ò, mặc cho phía dưới lòng đường, cách họ chừng một mét, xe chạy ầm ầm. Lâu lâu lại có người trở mình, bị đánh thức bởi những tiếng còi, tiếng rú ga inh ỏi của đám thanh niên "đi bão" trong đêm.
Một góc của vỉa hè, nơi chủ tận dụng để bán chỗ ngủ qua đêm cho khách, nhiều người đang chìm trong giấc ngủ say. Ảnh: Tá Lâm.
Gần 1h đêm, một đôi thanh niên chừng 25 tuổi bước vào. Cô gái tóc nhuộm vàng, mặc chiếc áo hai dây, váy ngắn cũn cỡn, miệng rít thuốc phì phèo, liên tục nhả khói, nói nhỏ với chàng trai: "Không có tiền thì chấp nhận ngủ tạm chỗ vỉa hè này. Muộn tí nữa thì có mà ra đường ngủ". Anh chàng đi cùng đồng tình ngồi xuống gọi một ly cà phê đen rồi ngả đầu vào người cô gái.
Một lúc sau, thêm một người đàn ông hơn 40 tuổi, tóc tai bù xù, ăn mặc luộm thuộm rón rén đi vào phía trong góc sợ đánh thức người bên cạnh. Dường như là khách quen, anh bước ngay lại một ghế trống, đưa chiếc nón chụp lên mặt để che đi ánh sáng của những chiếc đèn.
Bị người khác quấy rầy, nhưng anh vui vẻ cho biết tên là Hậu, người Bình Định, hiện làm nghề bốc vác ở chợ Cô Giang (quận 1, TP HCM) đã được gần 5 năm nay. Cứ đến khoảng 1h, anh đi quãng đường dài hơn 3 km qua đây để mua chỗ ngủ. Ngả lưng được đến 5h đồng hồ, anh phải dậy trở lại với công việc thường ngày.
Mệt mỏi ngả đầu lên ghế, anh chia sẻ: "Một ngày quần quật thuận lợi lắm cũng chỉ được 40.000 đồng. Trừ tiền ăn, tiền sinh hoạt hàng ngày tính ra một tháng cũng chỉ kiếm được hơn 300.000 đồng gửi về cho hai đứa con năm nay lên cấp 3 đóng học phí, lấy đâu ra tiền mà thuê nhà ở Sài Gòn. Mẹ nó ở nhà cũng khổ lắm. Tui ứa nước mắt tằn tiện tiết kiệm gửi về cho mẹ con nó. Được đồng nào hay đồng ấy".
Vừa nói, mắt người đàn ông đỏ hoe kể về cái nghèo cái khổ của người miền Trung: "Tết năm mô tui cũng về quê thăm mẹ con nó. Năm ngoái về, đứa con gái năm nay lên lớp 11 đòi tiền nộp học phí vì nhà trường yêu cầu trong tháng tới nếu không nộp đủ sẽ bị đuổi học. Tui chỉ biết ngoảnh mặt đi chỗ khác".
Anh cho biết thêm, trước anh hay ngủ dưới gầm cầu, có khi ngủ luôn vỉa hè Đại lộ Đông Tây, gần bến Chương Dương. Nhưng gần đây, công an hay đi kiểm tra, nên anh phải đi xa thế này để kiếm chỗ trú thân qua đêm. Tuy đây là quán nước nhưng hầu hết khách đều là dân không chốn nương thân, hầu hết đều đến sáng mới về.
Ghi nhận của VnExpress, khách vào thuê ngủ đủ các thành phần, già có trẻ có. Nhiều nhất vẫn là người lao động nghèo chạy xe ôm, anh bán rong, thợ hồ… xung quanh bến Chương Dương và chợ đầu mối Bình Điền (quận 1, TP HCM). Với mức thu 10.000 đồng một người, tính ra, một đêm chủ quán cũng thu được từ những người thuê chỗ ngủ này từ 300.000 đến 500.000 đồng, chưa tính tiền thu được từ việc bán nước.
"Lúc mới lên đây không có tiền thuê nhà trọ nên tui cũng ngủ đường, ngủ chợ. Một lần đi theo ông bạn cùng bán vé số thì biết chỗ ngủ này. Cũng được gần năm nay ngủ ở đây rồi, tính ra tiết kiệm được khối tiền ấy chứ", ông Hòa, quê Cần Thơ, gần 60 tuổi, lên Sài Gòn làm nghề bán vé số cho biết.