Khoa học - Lịch sử 2014-01-26 14:13:06

10 trận bao vây đẫm máu nhất trong lịch sử


30.000 lính Ottoman tử trận khi vây một pháo đài với gần 3.000 quân, còn trong số 50.000 người ở thành Kiev, chỉ khoảng 2.000 người sống sót khi họ chống quân Mông Cổ.

Trận chiến cuối cùng của Suleiman Đại đế (năm 1566)
Đế chế La Mã Thần thánh hay Thánh chế La Mã là tên của một đế quốc từng tồn tại ở châu Âu từ năm 962 tới năm 1806. Vào thời kỳ thịnh vượng trong thế kỷ 12, lãnh thổ Thánh chế La Mã bao gồm Đức, Áo, Thụy Sĩ, miền đông Pháp, Bỉ, Hà Lan, miền tây Ba Lan, Czech, Italy. Tuy nhiên, vào thế kỷ 16, Thánh chế La Mã trở thành đối tượng chinh phục của vua Suleiman đệ nhất (hay Suleiman Đại đế), một trong những vị hoàng đế lỗi lạc nhất của đế quốc Ottoman (Thổ Nhĩ Kỳ ngày nay) nói riêng và châu Âu nói chung.
Khoảng 33.000 người đã chết trong cuộc vây hãm pháo đài Szigetvár vào năm 1566. Ảnh: Listverse
Szigetvár là một pháo đài ở rìa phía đông của Thánh chế La Mã. Nó cũng là nơi mà vua Suleiman Đại đế chỉ đạo trận đánh cuối cùng trong đời ông. Khi cuộc chiến xảy ra, Suleiman đã hơn 70 tuổi. Với lực lượng dưới 3.000 người, Nikola Zrinski, người đứng đầu Croatia và cũng là chỉ huy của pháo đài, không chấp nhận yêu cầu đầu hàng của Suleiman Đại đế. Thậm chí ông còn tuyên bố rằng pháo đài sẽ là chốt chặn cuối cùng của Thánh chế La Mã trước quân Ottoman. Nếu tính về quân số, lực lượng của Suleiman gấp 50 lần binh lực của Zrinski.
Ngày 6/8/1566, cuộc vây hãm pháo đài Szigetvár bắt đầu. Vua Suleiman tung toàn bộ lực lượng, song vấp phải sự kháng cự mãnh liệt của đối phương. Sau một tháng, chỉ 300 lính Croatia cùng gia đình họ sống sót. Suleiman hứa rằng Zrinski sẽ làm người lãnh đạo Croatia nếu ông đầu hàng, nhưng ông từ chối. “Dù tôi thua, nhưng người đời sẽ không trỏ ngón tay vào mặt các con tôi để nhục mạ cha chúng”, ông lập luận.
Nhận thấy cuộc chiến sắp kết thúc, Zrinski ra lệnh cho binh sĩ giết vợ, con để họ không phải chịu đựng những hình phạt khủng khiếp nếu rơi vào tay quân Ottoman. Những người lính tuân theo mệnh lệnh. Sau đó, họ chiến đấu tới khi người cuối cùng gục ngã. Quân Ottoman tàn sát dã man những người còn sống trong pháo đài. Tuy nhiên, Suleiman Đại đế cũng phải trả giá đắt cho chiến thắng, bởi ông đã chết vì bệnh kiết lị 4 ngày trước khi đội quân của ông kết thúc trận chiến. Ngoài ra, tổn thất của quân Ottoman lên tới gần 30.000 người nên họ không thể tiếp tục tiến lên và phải trở về nước. Mặc dù pháo đài Szigetvár thất thủ, người Croatia vẫn coi trận đánh là một trong những sự kiện hào hùng trong lịch sử Cơ đốc giáo, bởi nó giúp châu Âu tránh khỏi ảnh hưởng của đạo Hồi.
Trận chiến Nuremberg (năm 1632)
Chiến tranh Ba mươi năm là cuộc chiến giữa người Tin lành và người Công giáo trên một khu vực thuộc nước Đức ngày nay. Nó bắt đầu từ năm 1618 và kết thúc vào năm 1648. Phần lớn cường quốc tại lục địa châu Âu thời bấy giờ đều tham chiến.
Trong thế kỷ 17, Nuremberg là một trong những thành phố vĩ đại nhất của người theo đạo Tin lành. Nhưng nó cũng là nơi mà một trong những cuộc vây hãm thảm khốc nhất trong Chiến tranh Ba mươi năm diễn ra. Hồi đó quân đội Thụy Điển, dưới sự chỉ huy của Gustav Adolf, rút vào thành Nuremberg để thoát khỏi sự truy đuổi của quân đội Đế chế La Mã Thần thánh. Adolf có gần 150.000 lính, nhiều hơn 30.000 người so với Albrecht von Wallenstein, vị tướng của đối phương. Tuy nhiên, ông lại không mang đủ lương thực tới Nuremberg. Dù quân số nhỏ hơn, Wallenstein vẫn ra lệnh vây thành.
Khoảng 40.000 tới 50.000 người đã chết trong trận chiến Nuremberg vào năm 1632.
Điều may mắn của Adolf là Wallenstein cũng không có nhiều lương thực và thuốc men. Quân sĩ của cả hai bên đều hứng chịu tình trạng đói và bệnh tật, đặc biệt là bệnh sốt phát ban. Trong cuộc vây hãm gần 80 ngày, Adolf đã cố gắng phá vòng vây bằng một trận đánh quyết định, nhưng thất bại. Ông đào tẩu khỏi thành phố sau khi nhận ra rằng toàn bộ lực lượng của ông sẽ chết vì đói. Khi trận chiến kết thúc, khoảng 40.000 tới 50.000 lính của hai bên tử trận, song phần lớn họ chết vì bệnh tật, chứ không phải vì vũ khí của đối phương.
Thành Kiev chống quân Mông Cổ (năm 1240)
Kiev, một trong những thành phố cổ nhất tại châu Âu và thủ đô của Ukraina, từng phải chống lại sự vây hãm của đội quân viễn chinh hùng mạnh của Mông Cổ trong thế kỷ 13. Trước khi cuộc chiến diễn ra, Hãn Bạt Đô, cháu nội của vua Thành Cát Tư Hãn, đã phái sứ thần tới Kiev để yêu cầu thành phố đầu hàng. Voivode Dmytro, người lãnh đạo cuộc chiến chống Mông Cổ, đã ra lệnh giết các sứ thần. Việc đó khiến Hãn Bạt Đô tức giận. Vào ngày 28/11/1240, quân Mông Cổ bắt đầu bao vây Kiev. Chiến dịch công thành của họ bắt đầu bằng những đợt bắn đá.
Một bức tranh về cuộc chiến tại Kiev vào năm 1240. Ảnh: Listverse
Ngày 5/12, những bức tường thành sụp đổ. Hãn Bạt Đô và quân của ông tràn vào thành, giết tất cả những người mà họ gặp. Rất nhiều dân thường đã chạy tới Nhà thờ Tithes, công trình ra đời từ 300 năm trước đó, để ẩn náu. Song nhà thờ sụp khiến nhiều người chết. Trong số 50.000 dân tại thành Kiev, chỉ khoảng 2.000 người sống sót. Dmytro là một người trong số họ. Tới ngày 6/12, quân Mông Cổ hoàn thành việc tàn phá thành phố và rời khỏi đây. Mức độ tàn phá của quân Mông Cổ khủng khiếp đến nỗi Tổng giám mục Giovanni da Plano Carpini, người đến Kiev 6 năm sau đó, mô tả: “Kiev từng là một thành phố lớn và đông dân, nhưng giờ đây nó chẳng còn là gì cả”.


Quân Tây Ban Nha vây đối thủ hơn 3 năm
Chiến tranh Tám mươi năm hay Chiến tranh giành độc lập Hà Lan (1568-1648) là cuộc nổi dậy của 17 tỉnh để chống lại vua Felipe đệ nhị của Tây Ban Nha.
Ostend, nằm trên lãnh thổ Bỉ ngày nay, là nơi mà một trong những trận vây hãm lâu nhất trong lịch sử nhân loại từng diễn ra. Nó cũng là trận chiến đẫm máu nhất trong Chiến tranh Tám mươi năm. Do lực lượng nổi dậy của 17 tỉnh vừa gia cố thành Ostend, nó trở thành nơi lý tưởng để phòng thủ. Lực lượng trong thành vào khoảng gần 50.000 người - bao gồm cả quân Hà Lan và lính Anh. Tướng Francis Vere, người chỉ huy thành Ostend, cảm thấy rằng họ có thể đập tan quân Tây Ban Nha bên ngoài thành do hoàng tử Albrecht chỉ huy.
Hơn 65.000 người đã mất mạng bởi cuộc chiến tại Ostend. Ảnh: Listverse
Cuộc vây thành bắt đầu vào ngày 5/7/1601, với sự tham gia của khoảng 80.000 lính Tây Ban Nha. Phần lớn họ là bộ binh. Trong trận chiến, cả hai phe đều sử dụng những mưu hiểm hòng hạ gục đối phương. Albrecht gần như đã thành công trong việc thuyết phục một nội gián trong thành Ostend kích động quân Hà Lan chống lại tướng Vere, nhưng kế hoạch bại lộ vào phút chót. Vere cũng từng muốn đàm phán với Albrecht để chấm dứt tình trạng đổ máu, nhưng cuối cùng ông rút lui do phía Tây Ban Nha nghi ngờ ý định của ông.
Cuối cùng, quân Hà Lan và Anh đầu hàng quân Tây Ban Nha vào ngày 20/9/1604. Hoàng tử Albrecht cùng cô vợ Isabella tiến vào thành trong tư thế của người chiến thắng. Tuy nhiên, khi chứng kiến cảnh hoang tàn của Ostend, Isabella đã khóc.
 

[size=7]10 trận bao vây đẫm máu nhất trong lịch sử (kỳ 1)[/size]
30.000 lính Ottoman tử trận khi vây một pháo đài với gần 3.000 quân, còn trong số 50.000 người ở thành Kiev, chỉ khoảng 2.000 người sống sót khi họ chống quân Mông Cổ.

Vó ngựa Mông Cổ nghiền nát Baghdad
Vào năm 1258, vó ngựa Mông Cổ đã tiến về phía Baghdad - trung tâm của thế giới Ả rập thời đó. Người dẫn đầu đội quân này là Húc Liệt Ngột, một cháu nội của Thành Cát Tư Hãn. Húc Liệt Ngột coi Hồi giáo là mối đe dọa lớn nhất đối với đế chế Mông Cổ. Vì thế, ông quyết tâm phá hủy một trong những thành phố lớn nhất và nổi tiếng nhất của người Hồi giáo. Hơn 100.000 quân Mông Cổ bao vây Baghdad sau khi vua Al-Musta’sim không chấp nhận yêu cầu đầu hàng của Húc Liệt Ngột. Những người Hồi giáo dòng Shiite vốn có thù với Al-Musta’sim nên họ hỗ trợ quân Mông Cổ. Chiến dịch công thành bắt đầu vào ngày 29/1/1258 và thành Baghdad thất thủ vào  ngày 10/2 cùng năm.
Hơn 200.000 người thiệt mạng vì cuộc chiến Baghdad vào năm 1258. Ảnh: Listverse
Ngay sau khi quân Mông Cổ tiến vào thành, họ giết tất cả những người Ả rập mà họ gặp, trừ những người Cơ đốc. Húc Liệt Ngột (hoặc vợ ông) ra lệnh cho quân lính đưa những người Cơ đốc tới một nhà thờ. Lính Mông Cổ cuộn vua Musta’sim vào một tấm thảm rồi để ngựa giẫm lên cơ thể vị vua cho tới khi ông chết. Ngôi nhà Tri thức, một trong những trung tâm học thuật nổi tiếng nhất trong thế giới Hồi giáo thời bấy giờ, trở thành mục tiêu mà quân Mông Cổ tàn phá. Lính Mông Cổ vứt mọi quyển sách trong thành xuống sông Tigris. Nhiều nhân chứng kể lại rằng số lượng sách dưới sông Tigris lớn đến nỗi ngựa Mông Cổ có thể bước qua sông một cách dễ dàng.
Quân Nga chống Anh, Pháp, Thổ tại Sevastopol
Sevastopol là một trong hai thành phố cảng trực thuộc trung ương của Ukraina ngày nay. Nó nằm phía tây nam bán đảo Crimean thuộc Biển Đen.
Chiến tranh Crimean là một cuộc chiến bắt đầu từ năm 1853 và kết thúc vào năm 1856. Trong cuộc chiến đó, quân Anh, Pháp và Thổ chống lại quân Nga. Cuộc bao vây Sevastopol – diễn ra từ năm 1854 tới năm 1855 – là một trong những cuộc chiến tranh hầm hào đầu tiên trong lịch sử. Nó là cuộc chiến sinh tồn đối với cả quân Nga lẫn liên minh Anh - Pháp - Thổ. Sau khi các tướng Nga nhận ra rằng họ không thể đánh bại đối phương trên trận địa trống trải, họ ra lệnh cho quân lính đào hào, hầm để phòng thủ. Ban đầu quân Nga hứng chịu tổn thất từ các đợt tấn công của liên quân, nhưng sau đó họ đào đường ngầm và chiến hào mỗi đêm để củng cố trận địa.
Mùa đông lạnh kỷ lục và sự khốc liệt của cuộc chiến Sevastopol khiến hơn 200.000 người chết. Ảnh: Listverse
Trong lúc cuộc chiến đang diễn ra ở thế giằng co, kẻ thù chung của cả hai bên đã xuất hiện. Đó là mùa đông khắc nghiệt. Nhiệt độ giảm xuống mức thấp kỷ lục khiến lính của hai bên chết dần vì bệnh tả và kiết lị. Quân Pháp hứng chịu tổn thất lớn nhất, bởi số lượng binh sĩ chết vì bệnh chiếm tới gần một nửa tổng số người tử trận của Pháp. Sau khi bảo vệ thành công Sevastopol, người Nga vẫn phải rút lui. Vì thế, quân liên minh dù thua nhưng vẫn tiến vào pháo đài hôm 9/9 cùng năm. Cái giá của cuộc bao vây là hơn 200.000 sinh mạng của cả hai bên. Chẳng bao lâu sau chiến tranh Crimean cũng kết thúc.
Chiến dịch bao vây thủ đô của đế chế Aztecs
Aztecs từng là một nền văn minh trên lãnh thổ thuộc Mexico ngày nay. Đế chế Aztecs bắt đầu từ năm 1248 và kết thúc vào năm 1521, sau khi thực dân Tây Ban Nha đánh bại quân đội Aztecs.
Trận bao vây Tenochtitlán, thủ đô của đế chế Aztecs, vào năm 1521 là trận chiến quyết định giữa quân Aztecs và quân Tây Ban Nha. Những thổ dân châu Mỹ chiếm phần lớn lực lượng của Tây Ban Nha. Họ chiến đấu cho Tây Ban Nha vì căm phẫn sự áp bức của đế chế Aztecs đối với họ. Hernan Cortes, vị tướng của Tây Ban Nha, chỉ huy 200.000 quân trong trận bao vây Tenochtitlán. Trong khi đó, gần 300.000 chiến binh Aztecs bảo vệ thủ đô. Dù thua kém về quân số, lực lượng Tây Ban Nha lại sở hữu những vũ khí hiện đại hơn. Lợi thế về vũ khí giúp họ đảo ngược tình thế trong giai đoạn sau của cuộc chiến.
Hơn 200.000 người, trong đó khoảng một nửa là dân thường, đã chết trong chiến dịch bao vây thủ đô của đế chế Aztecs vào năm 1521. Ảnh: Listverse
Ban đầu lợi thế nghiêng về quân Aztecs. Nhưng bệnh đậu mùa đã tấn công lính Aztecs, khiến khả năng chiến đấu của họ giảm mạnh. Nhận thấy kiểu chiếm từng nhà không phải là chiến thuật hay, Cortes ra lệnh nã đại bác vào thành phố, hủy diệt mọi tòa nhà tới khi quân Aztecs đầu hàng. Chiến dịch bao vây diễn ra trong vỏn vẹn 3 tháng, nhưng nó gây nên tổn thất cực lớn về nhân mạng. Hơn 200.000 người của cả hai bên đã mất mạng. Các tài liệu cho thấy dân thường trong thành phố chiếm tới khoảng một nửa số người chết trong trận chiến.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)