[size=2]Thoạt nghe, vũ khí vũ trụ có vẻ giống như tiểu thuyết khoa học nhưng với việc Không quân Mỹ vừa thử nghiệm thành công tàu con thoi X-37B đầy huyền bí thì loại vũ khí này đang tiến rất gần đến hiện thực.
[/size]1. Điều khiển tiểu hành tinh trên quỹ đạo
Liệu một tiểu hành tinh quay quanh quỹ đạo có thể bị điều khiển để tấn công một mục tiêu trên Trái Đất? Nhưng dường như đây không phải là cách tác chiến hiệu quả. RAND, một tổ chức tư vấn chính sách cho rằng nỗ lực nhằm đặt được mục tiêu này phải lớn hơn rất nhiều so với những gì đã từng áp dụng để chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên trong Dự án Manhattan thời Thế chiến thứ Hai.
2. Các vũ khí tầm cao
Các vũ khí tầm cao sử dụng năng lượng điện từ có thể phá hủy và làm tê liệt các thiết bị điện, điện tử, tạo ra phóng xạ điện từ (xung điện từ hay EMP) làm cho cường độ dòng điện tăng đột ngột. Các phóng xạ dạng này thường đi kèm với các vụ nổ hạt nhân nhưng các nhà khoa học cũng sản xuất được những vũ khí EMP phi hạt nhân. Việc phát triển các bom xung điện từ (e-bomb) nhỏ chính là mối đe dọa rất đáng lo ngại cho các máy bay.
3. Tàu vũ trụ X-37B
Thiết bị thử nghiệm trên quỹ đạo (OTV) X-37B là một tàu con thoi dạng nhỏ do Không quân Mỹ phát triển. Ngày 16/6/2012, sau hơn 15 tháng bay trên quỹ đạo Trái Đất thực hiện một nhiệm vụ bí mật, X-37B đã hạ cánh an toàn xuống căn cứ không quân Vandenberg, bang California. Giới phân tích cho rằng X-37B có thể là tiền thân của một loại vũ khí vũ trụ, có khả năng thả bom hoặc vô hiệu hóa vệ tinh đối phương khi bay vòng quanh Trái Đất.
4. ICBM
Triển khai bom hạt nhân ngoài không gian có vẻ như là một mục tiêu nghiễm nhiên của giới quân sự. Thực vậy, cuối những năm 1950, Không quân Mỹ từng có kế hoạch cho kích nổ một quả bom nguyên tử trên Mặt Trăng. Dự án này có tên gọi Project A 119. Theo kịch bản khi đó, một tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) mang theo một đầu đạn hạt nhân sẽ bay lên tới Mặt Trăng. Thế nhưng, may mắn là dự án này đã chưa bao giờ được thực hiện.
5. MOL
Theo kế hoạch Chương trình phòng thí nghiệm có người lái trên quỹ đạo (MOL) của Không quân Mỹ năm 1965, hai nhà du hành sẽ bay vào không gian bằng tên lửa đẩy Titan 3 trên tàu vũ trụ tương tự như tàu Gemini của NASA, sau đó sẽ thực hiện các sứ mệnh do thám từ quỹ đạo bằng cách sử dụng các kính viễn vọng có độ phân giải siêu cao. Tuy nhiên, năm 1969 dự án này bị hủy vì các vệ tinh do thám không người lái đã chứng minh là một lựa chọn tốt hơn.
6. Trạm vũ trụ Almaz của Liên Xô
Vũ khí trên vũ trụ không phải là điều gì đó lạ thường. Trạm vũ trụ Almaz của Liên Xô cũ những năm 1960 và 1970 là một ví dụ. Trạm vũ trụ quân sự này được biết đã mang theo một khẩu pháo để phá hủy các vệ tinh hoặc tàu vũ trụ đang bay lên. Thậm chí, có thông tin cho rằng trạm này đã thử nghiệm bắn hạ một tàu vũ trụ (tất nhiên không có ai trên đó) để chứng minh tính khả thi của nó. Các vũ khí thông thường khác đặt trên vũ trụ có thể bao gồm cả các gói phá hủy đáng kinh ngạc như đạn tần số phát thanh hay đạn vi sóng cường độ cao.
7. Vệ tinh vũ trụ
Các công nghệ vệ tinh nhỏ và vệ tinh nano phát triển nội địa đang được khá nhiều quốc gia sử dụng khiến người ta không khỏi lo ngại tới việc chúng sẽ được dùng cho những mục đích quân sự. Trong một báo cáo của Bộ Quốc phòng Mỹ, các quan chức quân sự nước này từng đề cập tới thông tin trên một tờ báo ở Hồng Kông hồi tháng 1/2001 rằng Trung Quốc đã phát triển và thử nghiệm một hệ thống ASAT sử dụng “vệ tinh nhỏ ký sinh”. Nghĩa là thiết bị này có thể đóng vai trò như một vệ tinh nhỏ được thiết kế nhằm bám vào để phá hủy hay gây thiệt hại cho các vệ tinh khác.
8. THEL
Các loại vũ khí định hướng năng lượng sử dụng laser, vi sóng cường độ cao và các chùm hạt là những dự án đang được Mỹ phát triển với các tên gọi như: Laser trên không; Hệ thống từ chối chủ động và Laser năng lượng cao chiến thuật (THEL). Tuy nhiên, trước khi những vũ khí này có thể “gây choáng” hoặc “tiêu diệt” được như bộ định pha trong tiểu thuyết khoa học viễn tưởng Star Trek, các kỹ sư còn rất nhiều việc phải làm để vũ khí hóa nhiều dạng năng lượng đang nghiên cứu.
9. MAHEM
Liệu một thiết bị sử dụng nam châm điện để bắn đi một dòng kim loại nóng chảy ở siêu tốc độ tấn công các mục tiêu đối phương có là quá xa vời? Cơ quan đặc trách nghiên cứu các dự án quốc phòng tiên tiến (DARPA) của Mỹ đang phát triển một loại thiết bị như vậy với tên gọi là “đầu đạn nổ thủy động lực Magneto” (MAHEM). Đây là một vũ khí sử dụng kim loại nóng chảy để tấn công các mục tiêu thiết giáp mà DARPA dự tính có độ chính xác, hiệu quả và khả năng điều khiển cao hơn rất nhiều đầu đạn nổ thông thường.
10. Tên lửa
Trung Quốc đã chứng minh được khả năng phá hủy các vệ tinh nhân tạo bay trên quỹ đạo Trái Đất qua việc sử dụng một thiết bị chống vệ tinh (ASAT) để bắn hạ một trong các vệ tinh thời tiết của chính nước này. Tương tự, năm 2008 Mỹ cũng từng bắn hạ một vệ tinh tình báo không còn sử dụng bằng một tên lửa xuất phát từ trên biển. Ấn Độ cũng tuyên bố nước này muốn phát triển các khả năng tương tự. Ở đây, vấn đề đặt ra là khối lượng lớn các mảnh vỡ do hệ quả từ việc phá hủy những vật thể này vẫn lơ lửng trên quỹ đạo sẽ là hiểm họa đối với các tàu vũ trụ có người lái trong tương lai.