Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân: Sẽ không phải là lựa chọn theo hệ thống xếp hạng các trường ĐH tốt nhất vì quan điểm, tiêu chí xếp hạng của các hệ này khác nhau. |
Một trong những mục tiêu mà dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020 đặt ra là đến năm 2020 có ít nhất 5 trường đại học Việt Nam được xếp hạng trong số 50 trường ĐH hàng đầu của khu vực ASEAN và 2 trường được xếp hạng trong số 200 ĐH hàng đầu của thế giới.
Ngoài ra, đến năm 2015, Việt Nam sẽ hoàn thành cơ bản việc xây dựng 4 trường ĐH Việt Nam đạt đẳng cấp quốc tế.
Tuy nhiên, tại cuộc họp lấy ý kiến Tổng biên tập các báo, đài về dự thảo Chiến lược phát triển giáo dục Việt Nam 2009-2020, PTT kiêm Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân khẳng định, Bộ vẫn chưa lựa chọn bảng sắp xếp đẳng cấp các trường ĐH nào để áp dụng vào Việt Nam. Nhưng Bộ trưởng cho biết, sẽ không lựa chọn theo cái tốt nhất vì quan điểm, tiêu chí xếp hạng của các hệ này khác nhau.
Ứng cử viên dự kiến chọn để đặt mục tiêu lọt vào bảng xếp hạng quốc tế vẫn là những trường ĐH đẳng cấp quốc tế mà Bộ GD&ĐT đang xây mới hoàn toàn. Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Thiện Nhân, những trường ĐH quốc tế này là những trường được thành lập trên sự hợp tác của chính phủ 2 nước, đội ngũ giáo viên chủ yếu là người nước ngoài và dạy bằng tiếng nước ngoài.
Hiện nay, có nhiều nước đang đặt vấn đề xây dựng trường đẳng cấp quốc tế như vậy tại Việt Nam, trong đó có Đức (hiện đã có trường ĐH Việt Đức), Pháp, Nga, Trung Quốc…
Ông Nhân khẳng định, mỗi trường sẽ là một mô hình khác nhau nhưng vẫn là trường công lập, Nhà nước có tài trợ kinh phí. Do vậy, người học, ngoài việc được hỗ trợ vay vốn để học, nếu học giỏi còn được nhiều học bổng có giá trị.
Hiền Lê