Tham khảo: sách ‘Introduction to psychology – Gateways to mind and behavior’ của Dennis Coon, John O.Mitterer.
1. Thôi miên là gì?“Cơ thể bạn đang trở nên nặng nề. Bạn khó mà giữ đôi mắt mình mở to. Bạn rất mệt, bạn không thể di chuyển. Thả lỏng. Thả lỏng. Nhắm mắt lại và thả lỏng.”
Đó là câu đầu tiên một nhà thôi miên có thể nói.
Thôi miên bắt đầu được quan tâm từ những năm 1700, bác sĩ người Úc Franz Mesmer, tên của ông đem đến cho chúng ta thuật ngữ ‘mesmerize’ ( hypnotize: thôi miên). Mesmer tin là ông có thể chữa bệnh bằng những cục nam châm. ‘Những cách chữa trị’ kỳ lạ của ông có liên quan đến thôi miên vì chúng thực sự dựa trên sức mạnh của ám thị chứ không phải từ tính ( Waterfield, 2002). Tuy nhiên, những lý thuyết ‘từ tính động vật’ của ông bị bác bỏ và ông bị xem là kẻ lừa gạt.
Thuật ngữ thôi miên ( hypnosis ) sau này được đặt ra bởi một bác sĩ phẫu thuật người Anh James Braid. Từ Hi Lạp ‘Hypnos’ có nghĩa là ‘ngủ’, và Braid sử dụng nó để mô tả trạng thái thôi miên. Ngày nay, chúng ta biết rằng thôi miên KHÔNG phải là ngủ. Sự nhầm lẫn về vấn đề này vẫn duy trì vì một số nhà thôi miên đưa ra ám thị, ‘Ngủ, ngủ’.
Các lý thuyết về thôi miên.
2. Nếu thôi miên không phải là ngủ thì nó là cái gì? Thôi miên thường được định nghĩa như 1 trạng thái thay đổi của ý thức, được đặc trưng bởi sự chú ý kỹ lưỡng và gia tăng sự cởi mở đối với ám thị ( Kallio & Revonsuo, 2003; Kosslyn et al., 2000).
Định nghĩa này giả định rằng thôi miên là 1 trạng thái riêng biệt của ý thức.
‘State theory’ về thôi miên được đề xuất bởi Ernost Hilgard ( 1904-2001) cho rằng thôi miên gây ra 1 trạng thái phân tách, chia cắt trong nhận thức. Để minh hoạ điều này, ông yêu cầu những đối tượng bị thôi miên nhúng một tay vào bồn nước đá gây đau đớn. Những đối tượng được nhà thôi miên nói rằng không cảm thấy đau thì nói là họ không cảm thấy gì cả. Cùng những đối tượng đó sau đó được hỏi nếu có bất kỳ phần nào của tâm trí họ cảm thấy đau. Với 1 tay được tự do, nhiều người viết, “Nó gây đau đớn”, hoặc “Dừng lại, bạn đang làm tôi đau.” Trong khi đó, họ tiếp tục hành động như thể không có đau đớn ( Hilgard, 1977,1994 ). Vì vậy, một phần của người bị thôi miên nói là không đau và hành động như thể không có đau đớn. Phần khác, được Hilgard gọi là ‘người quan sát ẩn náu’ ( hidden observer ) nhận thức được sự đau đớn nhưng vẫn tránh mặt. Người quan sát ẩn náu là một phần bị tách ra của nhận thức của người bị thôi miên và im lặng quan sát các sự kiện.
Ngược lại, ‘Nonstate theorists’ cho rằng thôi miên không phải là 1 trạng thái riêng biệt. Thay vào đó, nó chỉ đơn thuần là 1 sự trộn lẫn của sự tuân theo, sự thư giãn, tưởng tượng và đóng vai ( Kirsch, 2005). Ví dụ, nhiều nhà lý thuyết tin là tất cả các sự thôi miên thực sự là sự tự thôi miên ( self- hypnosis ), tự ám thị ( autosuggestion ). Theo quan điểm này, 1 nhà thôi miên chỉ đơn thuần là giúp người khác đi theo một loạt những ám thị. Những ám thị đó lần lượt thay đổi những cảm giác, những nhận thức, những suy nghĩ, những cảm xúc và những hành vi ( Lynn & Kirsch, 2006).
Các lý thuyết trên đều cho rằng thôi miên có thể được giải thích bằng những nguyên tắc thông thường. Thôi miên không phải là thần bí hoặc ‘ma thuật’.
Sự thực của thôi miên
3. Thôi miên được thực hiện như thế nào? Các nhà thôi miên sử dụng nhiều phương pháp khác nhau. Tuy nhiên, tất cả các kỹ thuật đều khuyến khích 1 người: (1) tập trung chú ý vào những điều đang được nói, (2) thả lỏng và cảm thấy mệt mỏi, (3) ‘mặc kệ nó’ và chấp nhận những ám thị dễ dàng, (4) sử dụng tưởng tượng sinh động ( Druckman & Bjork, 1994).
Về cơ bản, bạn phải hợp tác để trở nên bị thôi miên.
4. Người bị thôi miên cảm thấy như thế nào? Bạn có thể ngạc nhiên trước một số hành động của bạn trong suốt buổi thôi miên. Bạn cũng có thể có những cảm giác nhẹ nhàng, lơ lửng, tụt xuống, chìm xuống, sự mất cảm giác hoặc tách rời khỏi cơ thể bạn. Những trải nghiệm cá nhân rất khác nhau.
Một yếu tố then chốt trong thôi miên là ‘ basic suggestion effect’ ( một khuynh hướng của những người bị thôi miên thực hiện những hành động bị ám thị như thể họ không tự nguyện). Người bị thôi miên cảm thấy những hành động và những kinh nghiệm của họ là vô ý thức ( automatic ) – nó dường như xuất hiện mà không cần nỗ lực.
5. Tôi có thể bị thôi miên để làm trái ý mình không? Trái ngược với kiểu thôi miên được mô tả sinh động qua phim ảnh, nhìn chung, người bị thôi miên vẫn giữ được sự kiểm soát đối với hành động của họ và nhận thức được điều gì đang xảy ra. Ví dụ, hầu hết mọi người sẽ không hành động theo những lời chỉ dẫn thôi miên mà họ xem là vô đạo đức hoặc ghê tởm. Ví dụ như làm hại ai đó hoặc cởi quần áo nơi công cộng ( Lynn & Kirsch, 1995).
Tính dễ bị thôi miên ( Hypnotic susceptibility )
6. Tất cả mọi người đều có thể bị thôi miên không? Khoảng 8 trong số 10 người có thể bị thôi miên, nhưng chỉ có 4 trong số 10 người sẽ là những đối tượng tốt để thôi miên. Những người giàu trí tưởng tượng và có thiên hướng tưởng tượng thường có đáp ứng cao đối với thôi miên ( Kallio & Revonsuo, 2003). Nhưng những người thiếu những đặc điểm trên cũng có thể bị thôi miên. Nếu bạn sẵn sàng để bị thôi miên thì bạn có thể bị thôi miên. Thôi miên phụ thuộc nhiều vào những nỗ lực và khả năng của người bị thôi miên hơn là những kỹ năng của nhà thôi miên. Nhưng chắc chắn rằng những phản ứng của người bị thôi miên không đơn thuần là giả vờ.
Tính dễ bị thôi miên ám chỉ tính dễ dàng mà một người có thể trở nên bị thôi miên. Tính dễ bị thôi miên được đo lường bằng cách đưa ra một loạt những ám thị và đếm số lần 1 người phản ứng. Một bài test thôi miên điển hình là ‘Stanford hypnotic susceptibility scale’. Trong bài test, những ám thị khác nhau được thực hiện và phản ứng của con người được ghi lại. Ví dụ, bạn có thể được nói rằng cánh tay trái của bạn trở nên ngày càng cứng và nó sẽ không uốn cong được. Nếu bạn không thể uốn cong cánh tay của mình trong suốt 10 giây tiếp theo, bạn đã cho thấy tính dễ bị thôi miên ( xem bảng trang 196).
Những hiệu quả của thôi miên
7. Những gì có thể và không thể đạt được bằng thôi miên? Nhiều khả năng đã được kiểm tra trong thôi miên, đi đến những kết luận sau ( Burgess & Kirsch, 1999; Chaves, 2000):
1. Những hành động của sức mạnh phi thường: thôi miên không có nhiều hiệu quả lên sức mạnh thể chất hơn là những chỉ dẫn nhằm khuyến khích 1 người nỗ lực hết sức của anh ấy.
2. Trí nhớ. Có một số bằng chứng cho thấy thôi miên có thể tăng cường trí nhớ ( Wagstaff et al .,2004). Tuy nhiên, nó cũng thường xuyên làm gia tăng những kí ức sai. Vì lý do này, nhiều bang ở Mỹ hiện nay cấm những người ra làm chứng ở toà nếu họ được thôi miên để cải thiện trí nhớ về 1 tội phạm mà họ đã chứng kiến.
Liệu cảnh sát có nên sử dụng thôi miên để nâng cao trí nhớ của các nhân chứng? Nhìn chung các bằng chứng nói rằng KHÔNG.
3. Giảm đau. Thôi miên có thể làm giảm đau ( Keefe, Abernethy & Campbell, 2005). Nó có thể đặc biệt hữu ích khi những thuốc giảm đau không có hiệu quả.
4. Sự thoái lui về quá khứ ( age regression ). Khi được đưa cho những ám thị đúng, một số người bị thôi miên có vẻ như ‘thoái lùi’ về thời thơ ấu. Tuy nhiên, hầu hết các nhà lý thuyết bây giờ tin rằng các đối tượng ‘thoái lùi’ chỉ đang đóng một vai bị ám thị.
5. Những thay đổi về cảm giác. Khi được đưa ra những chỉ dẫn đúng, một số người có thể ngửi một bình khí ammonia ( nhỏ ) có mùi khai và đáp ứng lại như thể nó là một bình nước hoa tuyệt vời. Thôi miên cũng có thể làm thay đổi màu sắc thị giác, nhạy cảm của thính giác, ý thức về thòi gian, nhận biết về ảo giác và rất nhiều những đáp ứng cảm giác khác.
Kết luậnThôi miên là một công cụ quý giá. Nó có thể giúp con người thư giãn, cảm thấy ít đau hơn và có những tiến bộ tốt hơn trong trị liệu ( Chapman, 2006). Nhìn chung, thôi miên thành công hơn trong việc thay đổi những kinh nghiệm mang tính chủ quan hơn là trong việc sửa đổi những hành vi như hút thuốc hoặc ăn quá nhiều.