Trong bức thư nội bộ được gửi vào đầu ngày 8.8, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alibaba - Daniel Zhang Yong cho biết ông "bị sốc, tức giận và xấu hổ" trước vụ việc này và yêu cầu một cuộc điều tra kỹ lưỡng, đồng thời cam kết hợp tác với cảnh sát.
Bức thư của Daniel Zhang Yong, mà một số báo cáo phương tiện truyền thông Trung Quốc trích dẫn, đã được xác nhận bởi đại diện Alibaba.
Lực lượng cảnh sát ở thành phố Tế Nam, thủ phủ của tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc cho biết họ đang “điều tra và tìm kiếm bằng chứng” về vụ việc.
Nữ nhân viên Alibaba cáo buộc rằng vụ lạm dụng tình dục và cưỡng hiếp đã xảy ra tại Tế Nam vào ngày 27.7. Cảnh sát hứa sẽ công bố mọi thông tin về cuộc điều tra một cách kịp thời.
Hôm 7.8, nữ nhân viên giấu tên đã đăng lên tài khoản mạng xã hội về những gì đã xảy ra, cáo buộc rằng một lãnh đạo của Taoxianda - dịch vụ giao thực phẩm tươi sống thuộc doanh nghiệp Taobao Marketplace của Alibaba - đã ép cô đi cùng anh ta trong một bữa tối vì công việc với khách hàng ở Tế Nam vào ngày 27.7.
Nữ nhân viên nói rằng đã bất tỉnh sau khi bị ép uống đồ uống trong bữa tối, dẫn đến việc một khách hàng không rõ danh tính lạm dụng tình dục cô trong nhà hàng.
Nhân viên cáo buộc rằng người giám sát Taoxianda đã đưa cô trở lại một khách sạn không xác định vì cô đang trong tình trạng say xỉn. Người này dường như đã nhận được thẻ phòng từ quầy lễ tân, vào phòng của nữ nhân viên bốn lần trong đêm đó, theo tài khoản mạng xã hội của cô.
Khi tỉnh dậy vào ngày 28.7, nhân viên này kể rằng cô thấy mình khỏa thân và sau đó gọi cảnh sát. Người giám sát của cô đã bị cảnh sát Tế Nam tạm giữ để thẩm vấn, nhưng được thả sau 24 giờ, theo lời kể của nữ nhân viên.
Nhân viên này cho biết cô đã báo cáo vụ việc với các quản lý cấp cao tại Alibaba, công ty sở hữu tờ South China Morning Post. Tuy nhiên, khiếu nại của cô không dẫn đến việc kẻ bị cáo buộc hiếp dâm mất việc.
Tự giải quyết vấn đề, nhân viên này cho biết đã đến nhà ăn của công ty có trụ sở tại thành phố Hàng Châu vào ngày 6.8 và sử dụng loa để tiết lộ với đồng nghiệp về vụ tấn công tình dục mà cô phải chịu đựng. Theo tài khoản mạng xã hội của nữ nhân viên, cô đã bị bộ phận an ninh nội bộ của công ty ngăn không cho hoàn thành việc tiết lộ công khai vụ việc.
Điều đó đã khiến cô phải công bố những gì xảy ra qua mạng xã hội vào ngày 7.8 và câu chuyện ngay lập tức lan truyền nhanh.
Daniel Zhang Yong, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Alibaba Group Holding
Trong bức thư nội bộ của mình, Daniel Zhang Yong cho biết ông rất tiếc về sự thờ ơ và thiếu phản ứng từ các lãnh đạo của công ty.
Công ty đã đình chỉ nhiệm vụ của lãnh đạo liên quan đến vụ việc, theo một tuyên bố được gửi cho South China Morning Post vào ngày 8.8. Alibaba cho biết đã thành lập đội đặc nhiệm để xem xét các cáo buộc và làm việc với cuộc điều tra chính thức của cảnh sát Tế Nam.
Hôm 8.8, ông chủ của khách hàng bị cáo buộc lạm dụng tình dục cô gái cũng đưa ra tuyên bố rằng họ đang hợp tác với cuộc điều tra của cảnh sát địa phương. Nam nhân viên bị cáo buộc quấy rối tình dục đã bị đình chỉ nhiệm vụ.
Vụ việc này đánh dấu cuộc khủng hoảng quan hệ công chúng mới nhất với Alibaba, vài tháng sau khi công ty bị Cơ quan Quản lý Nhà nước về Quy chế Thị trường phạt 18,2 tỉ nhân dân tệ (2,8 tỉ USD) vì vi phạm các quy tắc chống độc quyền và lạm dụng vị trí thống lĩnh thị trường. Xem chi tiết tại đây.
Hình phạt này là hành động cứng rắn nhất của Trung Quốc cho đến nay trong chiến dịch thắt chặt giám sát với các gã khổng lồ trên internet nước này.
Cơ quan giám sát thị trường của Trung Quốc đã bắt đầu điều tra Alibaba vào tháng 12.2020 vì những vi phạm tiềm ẩn về chống độc quyền, bao gồm cả việc ngăn cản các thương gia bán hàng hóa của họ trên các nền tảng mua sắm khác.
Hôm 9.4, cơ quan quản lý cho biết cuộc điều tra của họ đã kết luận rằng Alibaba đã cản trở cạnh tranh trong lĩnh vực bán lẻ trực tuyến ở Trung Quốc, ảnh hưởng đến sự đổi mới trong nền kinh tế internet và làm tổn hại lợi ích của người tiêu dùng.
Khoản tiền phạt với Alibaba, một trong những công ty tư nhân có giá trị nhất Trung Quốc, vượt quá mức phạt chống độc quyền 975 triệu USD mà Chính phủ Trung Quốc từng áp dụng với Qualcomm, gã khổng lồ chip của Mỹ, vào năm 2015. Dù vậy, nó khó có thể để lại dấu vết đáng kể cho vận mệnh của Alibaba.
Cơ quan quản lý cho biết khoản tiền phạt này đại diện cho 4% doanh số bán hàng nội địa của Alibaba vào năm 2019. Tập đoàn này đã báo cáo lợi nhuận hơn 12 tỉ USD chỉ trong 3 tháng cuối năm 2020.
Alibaba cho biết sẽ chấp nhận hình phạt "một cách chân thành" và sẽ củng cố hệ thống nội bộ "để thực hiện tốt hơn các trách nhiệm xã hội của mình".
- [*]