Nhưng kể cả khi những ngày lễ tết của chị em phụ nữ hay những dịp dành cho những kẻ yêu nhau tha hồ thể hiện tình cảm với đối phương thì Mai cũng chẳng bao giờ thấy Kiệt tặng cho cô món quà gì, cho dù chỉ là một bó hoa. Nghĩ đến bạn bè xung quanh đứa nào cũng được người yêu chăm sóc, tặng cho vật này quà nọ, cô cũng không khỏi chạnh lòng.
Tuy nhiên khi nghĩ đến lời Kiệt tâm sự: “Em chịu khó thiệt thòi một chút, anh dành dụm sau này cũng là của chúng mình cả…” thì Mai lại thấy vui vì người yêu mình biết lo xa, biết suy nghĩ cho tương lai hai đứa.
Mai có ngờ đâu sau khi kết hôn, những đức tính mà Mai cho là quý báu của Kiệt giờ đây lại trở thành nỗi ám ảnh cực độ của cô. Cô nhận ra không phải Kiệt là người biết lo xa, tính toán mà thực sự anh quá keo kiệt và bủn xỉn.
Thời gian đầu Kiệt đưa tiền lương cho Mai giữ để chi tiêu. Nhưng cứ đến cuối ngày là anh lại hỏi cô hôm nay chi tiêu những gì? Sao lại mua cái này? Sao không mua cái kia có phải rẻ hơn không? Anh lấy một quyển sổ tay bỏ túi ghi chép hết những thứ chi tiêu trong ngày. Kể cả quả cà, mớ rau… rồi cộng trừ tính toán và lại trách vợ sao mà chi tiêu hoang phí.
Lúc đầu Mai thấy chồng tính toán thì cũng chỉ tặc lưỡi cho qua. Nhưng càng về sau, anh vẫn thấy Kiệt can thiệp vào cách chi tiêu của mình và trách móc làm như cô là kẻ “phá gia chi tử”. Cô bực mình đưa luôn lương của mình cho Kiệt tay hòm chìa khóa. Dường như không màng đến sự giận dỗi của vợ, Kiệt tủm tỉm cười vẻ mãn nguyện khi được làm chủ kinh tế gia đình.
Thế là mỗi buổi chiều đi làm về, hôm nào Mai cũng thấy có bó rau già câng, thịt thà đâu chả thấy, chỉ có điệp khúc lạc rang, đậu phụ. Bữa nào được cải thiện thì thịt thà không ôi, cá cũng bắt đầu bốc mùi.
Hỏi ra mới biết đức lang quân đi chợ chiều: "Em chả biết gì, đi chợ thì phải đi buổi chiều. Lúc đấy người ta ế rồi kiểu gì cũng phá giá để thanh lý nhanh còn về. Mua lúc đấy nó mới rẻ. Đàn bà phụ nữ mà còn không biết những cái ấy, thảo nào tiền nong chả bao giờ dư ra đồng nào…”.
Mai chán nản chẳng muốn cải thiện đức tính "quý báu" của chồng mình nữa (Ảnh minh họa).
Nghe chồng lý giải rành rẽ từng lời, Mai chỉ biết ôm đầu bó tay mà chưa nghĩ ra cách nào “trị” được bản tính keo kiệt của chồng mình. Bởi có nói ra thì kiểu gì Kiệt cũng lại đưa cái lí lẽ “cùn” mà bao biện: “Mình phải tích góp cho tương lai...”.
Hai vợ chồng ở riêng nên thi thoảng ông bà nội ngoại thương con nhớ cháu lại tay nải lên thăm. Mai biết tính chồng chi li, bủn xỉn nên cô giành phần đi chợ để mua đồ ngon nấu cho bố mẹ ăn.
Vừa xách đồ về đến nhà thì đã thấy mặt chồng hằm hằm, kéo phắt cô ra góc bếp rồi cau mặt: “Em mua cái gì mà lắm thế này? Bố mẹ lên chơi chứ có phải nhà có cỗ bàn gì đâu mà tiêu như thế? Em tiêu thế này thì cuối tháng lấy gì mà ăn? Vác rá đi ăn xin à?” làm Mai lộn tiết.
Cô đặt phịch túi đồ lên bàn vừa chế biến vừa “quạt” lại chồng: "Em không hiểu anh nghĩ cái quái gì nữa? Bố mẹ lên thăm con một năm được mấy lần mà anh phải tính toán như thế?”. Rồi mặc kệ thái độ hậm hực của Kiệt, Mai niềm nở đón tiếp bố mẹ.
Cả nhà vừa ngồi vào mâm, cuộc trò chuyện đang rôm rả thì anh con rể làm cho một câu khiến cả nhà choáng váng: “Thôi, chuyện trò gì nữa em. Ăn nhanh lên mà đi tăng ca kiếm tiền bù vào bữa hôm nay thôi, ăn tiêu thế này thì núi tiền cũng hết!”.
Bố mẹ vợ thấy anh con rể phát biểu quá "hay" nên hai cụ “dừng hình” chả dám động đũa. Hai cụ cứ nhìn con rể rồi lại nhìn con mình, xong lại quay sang nhìn nhau. Chỉ có Mai là "tím tái" mặt mũi.
Cô cố bặm môi để không phát ra tiếng khóc, miệng mời, tay gắp thức ăn cho bố mẹ nhưng chả ai nuốt nổi nữa. Bữa cơm đủ sơn hào hải vị mà cứ như thể nuốt phải thuốc độc vì lòng ai cũng nghẹn đắng.
Sau hôm ấy, tiền của cô, cô tiêu, tiền của chồng cô thì anh tuỳ ý sử dụng, chả ai quản lí đến ai nữa. Rồi giường ai nấy ngủ, việc ai nấy làm, không ai quan tâm đến ai.
Thực tế thì Mai và chồng đã có một cuộc tranh luận khá gay gắt về thái độ của Kiệt trong bữa ăn. Nhưng anh ta vẫn lôi cái lý “cùn” mà anh ta cho là kim chỉ nam của đời mình ra để bảo vệ lấy hành vi đáng xấu hổ kia: “Anh làm thế vì anh nghĩ cho tương lai, còn con cái, bao nhiêu thứ phải lo…”.
Mai chán nản chẳng muốn cải thiện đức tính "quý báu" của chồng mình nữa. Thôi thì đến đâu thì đến, không thể chịu được nhau nữa thì cũng phải đường ai nấy bước vậy.
Các cụ bảo: "Giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời” cấm có sai. Có nói gì đi nữa thì Mai cũng không thể thay đổi Kiệt với bản tính keo kiệt, bủn xỉn đã ngấm sâu vào máu anh. Mai chợt nghĩ đến cái tên Kiệt mà thấy nực cười: "Đúng là sinh ra đã có đức tính 'quý báu'!".