- Cục chớp điện tử (Electronic Flasher) - Cách khắc phục tình trạng không hoạt động đối với LED signal.
- Chế độ Hazard - Cách đấu dây cho chế độ Hazard.
- Thảo luận của tất cả biker về những vấn đề có liên quan đến 2 chủ đề trên.
I./ Chớp xi-nhan điện tử (Electronic Flasher) - Cách khắc phục tình trạng không hoạt động đối với LED Signal.
Theo như một số topic có hướng dẫn về Hazard thì có một số biker gặp tình trạng sau: khi thay bóng signal zin theo xe bằng LED thì LED không hoạt động với Flasher zin theo xe. Thay Flasher điện tử vào thì LED cũng không lên hay có lên thì cũng sáng - mờ chứ không sáng - tắt như tiêu chuẩn. Chỉ có cách là mua Flasher của Attila Victoria 3 (loại xài LED signal) hoặc mặc nối tiếp với bóng LED một con trở sứ ~ 5W.
Mình đã mua thử một cục Flasher điện tử, Việt Nam sản xuất, giá cỡ 12k (không có còi chíp). Nó như thế này:
Và đây là cấu tạo bên trong:
Sau đó, mình đã test mạch này với các bóng LED thì kết quả lả LED chỉ sáng - mờ chứ không tắt hẳn, thậm chí mờ hoàn toàn chứ không chớp tắt - giống tình trạng của một số biker đã gặp.
Mình đã tiến hành vẽ lại sơ đồ nguyên lý mạch này, sau đó mô phỏng trên máy tính. Và sau một thời gian tìm hiểu, cộng với sự giúp đỡ của forum dientuvietnam.net, mình đã có cách giải quyết vấn đề trên.
Hướng giải quyết: chúng ta chỉ cần mắc song song một điện trở ~ 1K với nguyên cụm LED. Lấy ví dụ cho dễ hiểu: nếu làm LED signal thì chúng ta sẽ có 4 cụm: trái trước, phải trước, trái sau, phải sau. Chúng ta sẽ mắc 1 con trở 1K loại thường song song với mỗi cụm LED này.
Sau đây là sơ đồ nguyên lý mạch Flasher điện tử do mình vẽ lại theo nguyên bản (dành cho bạn nào rành về điện tử và thích tự mình làm một Flasher điện tử).
Các linh kiện đã được ghi rõ trên mạch. Không quá khó đối với dân điện tử.
- 1 transistor PNP A1015 (3k/ 10 con)
- 1 Transistor công suất NPN TIP122 (~5k/con không kèm tản nhiệt)
- 3 điện trở 1/4W với các giá trị tương ứng 4.7K, 680Ohm, 1K (3k/100con mỗi loại)
- 2 tụ hóa 220uF và 22uF (dùng tụ 16V, 25V, 50V đều được) (5k/ 10 con mỗi loại)
- 1 diode 1N4007 (5k/ 10 con)
Còn đối với các bạn không rành điện tử, mình khuyên nên mua bên ngoài cục Flasher điện tử kiểu này. Vì chúng ta đã giải quyết được vấn đề chớp tắt rồi, và nó cũng không liên quan gì đến mạch nên cũng không nhất thiết phải tự làm mạch. Và giá thành cũng không có mắc hơn bao nhiêu so với mạch tự làm.
Lưu ý:
- Mạch nguyên bản thì tần số chớp của mạch theo mình là chậm (chậm hơn Flasher zin theo xe mình - Dream Thái). Do đó, nếu bạn nào cần chớp nhanh hơn thì thay 2 cái tụ trong mạch bằng 2 tụ khác. Cụ thể là trong mạch sử dụng 2 tụ: 220uF và 22uF. Tụ lớn dùng để điều chỉnh thời gian tắt. Tăng giá trị các tụ thì thời gian sáng - tắt sẽ tăng và ngược lại.
- Nếu muốn chớp nhanh tương đương như xe hơi, có thể thay tụ 220uF bằng 2 tụ 100uF và 47uF ghép song song nhau (cho ra tụ 147uF - vì giữa tụ 100uF và 220uF không còn tụ nào khác nên đành làm vậy); thay tụ 22uF bằng tụ 33uF. Bạn cũng có thể thay bằng các tụ khác để có được tần số chớp theo ý muốn.
- Tần số chớp - tắt theo tiêu chuẩn của Turn Signal (đèn chuyển hướng) là 80 (-20/ +40) lần/ phút. Nghĩa là từ 60 lần/ phút đến 120 lần/ phút.
- Do Flasher này chủ yếu dùng cho bóng dây tóc nên con TIP122 chịu được dòng rất cao (5A) và công suất mà con này kéo được cỡ 65W (đủ sức kéo cả 4 bóng signal dây tóc cùng với 2 bóng trên táp-lô đồng hồ). Khi chạy Hazard với bóng dây tóc thì con Transistor này rất nóng. Mình nghĩ nếu bạn nào sử dụng bóng dây tóc cho chế độ Hazard thì nên gắn thêm một tấm nhôm tản nhiệt cho con TIP122 này (~ 5k/ tấm)
- Về vấn cục chớp của Attila Victoria (dòng xài Signal LED) thì giá khá mắc, và dòng xe này cũng không còn sản xuất nữa nên phụ tùng sẽ khan hiếm. Mình chưa có được cục chớp này trong tay nên cũng chưa đưa ra so sánh với chớp điện tử Việt nam.
II./ Chế độ Hazard - Cách đấu dây cho chế độ Hazard.
Đã có nhiều hướng dẫn chỉ cách đấu dây cho chế độ Hazard nên mình chỉ bổ sung thêm một cách. Cách này có cái hay là nếu bạn đã có một bộ remote điều khiển từ xa (gồm remote và mạch chấp hành), bạn có thể kích chế độ Hazard từ xa thông qua remote. Ở đây, mình chỉ hướng dẫn cách đấu dây cho chế độ Hazard bình thường (mở công tắc Hazard). Bạn nào đã có mạch điều khiển từ xa rồi (gồm remote và mạch chấp hành) và muốn đấu dây để kích Hazard từ xa thì pm mình, mình sẽ hướng dẫn đấu dây từ mạch chấp hành vào mạch Hazard này.
Cần chuẩn bị:
- 1 relay kiếng 12V 8chân (loại 5A hay 10A đều được. 5A thì chân relay là loại nhỏ, 10A thì chân lớn)
Relay kiếng loại 10A
- Một số đầu cốt để nối dây cắm vào chân relay (ở đây mình dùng relay 10A, chân lớn nên sẽ dùng đầu cốt loại lớn. Nếu dùng relay 5A thì tìm mua đầu cốt cho thích hợp)
- Một số dây điện để nối mạch.
- Công tắc Hazard. Có thể dùng công tắc 3 chân 2 vị trí (~3k/ cái). Chân giữa của công tắc sẽ nối với dương bình sau công tắc ổ khóa (Honda: dây màu đen; Yamaha: dây màu nâu). Một trong hai chân còn lại nối vào relay 8 chân (có hình minh họa bên dưới).
Sau đây là cách đấu dây mạch Hazard bình thường (dùng công tắc để tắt - mở):
Chú thích:
- Chân 1: Nối với dây xám (Honda) hay dây nâu sọc trắng (Yamaha) được tháo ra khỏi cục Flasher.
- Chân 5: Nối với chân L của Flasher.
- Chân 4 và 6: Nối với chân (+) của Signal trái và phải.
- Chân 7 nối mass sườn hoặc âm bình.
- Chân 8: Nối với công tắc Hazard (công tắc Hazard có 2 chân: 1 chân nối với dương bình sau công tắc ổ khóa, 1 chân nối với chân số 8 này).
Cục chớp
- Chân B: nối với dương bình sau công tắc (Honda: dây đen; Yamaha: dây nâu)
- Chân L: nối với dây lửa (+) của công tắc Signal (Honda: dây xám; Yamaha: dây nâu sọc trắng)
Hình thực tế:
Mặt dưới relay và các bên sau khi đã đấu dây.
Sơ đồ dây.
Nguyên lý hoạt động:
- Khi công tắc Hazard chưa mở, [1][5] đóng, mạch Signal vẫn hoạt động bình thường do [1][5] là mối nối giữa chân ra của Flasher (chân L) vối chân (+) của công tắc Signal (dây màu xám - Honda; dây nâu sọc trắng - Yamaha). [4][6] hở nên signal mỗi bên vẫn chớp tắt độc lập với nhau.
- Khi công tắc Hazard bật, [1][5] hở (nên không sử dụng chế độ Signal được - Hazard ưu tiên hơn), [3][5] đóng, [4][6] đóng. Lúc này, Flasher sẽ chuyển mạch và chớp tắt cùng lúc cho cả 2 bên Signal.
Lưu ý:
- Nên để relay này gần cục Flasher cho dễ nối dây cũng như cố định (dùng dây gút nhựa thắt relay này chung với Flasher luôn cho tiện)
- Ở đây mình dùng relay kiếng để có thể đáp ứng tốt cho mạch Hazard dùng bóng dây tóc. Vì khi dùng bóng dây tóc thì relay phải ngắt và chịu dòng lớn (~ 4A - Relay này chịu được dòng 10A)
- Do relay kiếng này thường dùng trong công nghiệp (được gọi là Power Relay) nên công suất của relay khi hoạt động cũng khá lớn (~0.9W). Relay này của OMRON, sản xuất tại Malaysia, giá ~ 13K/ con (có OMRON sản xuất tại CHina nữa nhé, phân biệt bằng dòng chữ MADE IN MALAYSIA trên thân relay và trên cặp dây dẫn của relay Malaysia thì có chấm hàn còn China thì không).
- Theo quan điểm riêng của mình thì chế độ Hazard lúc nào cũng ưu tiên hơn so với chế độ chuyển làn đường (Turn Signal Mode). Nên khi mở Hazard, dù bạn có mở công tắc Signal đi nữa thì chỉ có mạch Hazard hoạt động mà thôi. Chế độ Signal chỉ hoạt động được khi chế độ Hazard đã tắt. Và trong lúc bạn đang mở Signal mà cùng lúc mở Hazard thì Hazard sẽ ưu tiên hoạt động còn signal sẽ bị vô hiệu hóa.
Và sau đây là clip test cả 2 phần trên:
Ghi chú:
- Mình test chế độ Signal và Hazard trên Breadboard với sơ đồ đi dây giống hoàn toàn trên xe máy nên các bạn có thể yên tâm về việc mạch này có tương thích với hệ thống điện đi trên xe hay không.
- Trên Breadboard có tất cả 4 cụm LED, mỗi cụm gồm 5 LED Piranha (Super Flux) màu vàng mắc nối tiếp nhau và 5 LED này mắc song song với 1 trở 1K. Dãy LED bên trái tượng trưng cho Signal trái, dãy LED bên phải tượng trưng cho Signal phải.
- Test theo tuần tự: Signal phải Signal trái Hazard Signal phải-Hazard-Signal phải Signal trái-Hazard-Signal trái
Bài viết này chủ yếu là để chia sẻ thêm kinh nghiệm cho biker trên forum. Biker nào thấy còn những thiếu sót thì góp ý thêm để bài viết được hoàn thiện hơn. Biker nào có những khó khăn gì về các vấn đề trên thì cũng nên post câu hỏi vào topic này để được mọi người tư vấn.