[Kênh14] - Không ít những xì tin nhanh nhạy và có khả năng viết lách đang thử sức với công việc "hái ra tiền" - cộng tác viên báo. Nhưng nếu bạn muốn theo đuổi công việc này lâu dài, hãy tránh xa "ba điểm trừ" này nhé.
Nghề hot, dễ "hái" tiền
Chuyện về những cô cậu tuổi teen, trong 3 tháng hè "múa bút" đã đủ tiền tậu em Lap xinh xinh, đổi điện thoại đời mới, hoặc rủng rỉnh đi du lịch không còn quá mới lạ trong giới teen. Nhớ ngày xưa, để được làm cộng tác viên cho các tờ báo "người nhớn" thật khó khăn, bài gửi lên chẳng biết khi nào được dùng. Giờ đây, với sự phát triển của truyền thông và sự ra đời của vô số báo mạng, trang tin, cơ hội để teen thử sức với nghề báo đã dễ dàng hơn rất nhiều.
Không phải ngẫu nhiên mà rất nhiều nhà tuyển dụng đã lựa chọn cộng tác viên tuổi teen thay vì sinh viên các khoa, trường chuyên ngành báo chí. Lý do là, teen mình vừa năng động, vừa chịu khó cập nhật thông tin và truyền tải nó một cách chân thực. Đọc bài của teen, người lớn mới có cơ hội tìm hiểu teen đang nghĩ gì và cần gì.
Một trưởng ban phụ trách nội dung của báo K kể, trong đợt tuyển nhân sự, chị ấy đã loại "thẳng cánh" một sinh viên năm 4, CV toàn điểm cộng, đầy những vị trí "này nọ" cao ngất, mỗi tội khi giao việc thì cho ra sản phẩm… không thể tệ hơn, cứ như chép từ sách ra. Thay vào đó là một teen lớp 11, chưa từng có kinh nghiệm lại liên tục có bài được lên trang và trả nhuận bút cao.
Nghề báo đang ngày càng trở nên hot trong giới trẻ. Và cộng tác viên trở thành công việc partime hấp dẫn, vừa tha hồ update tin hot, vừa được thử làm nhà báo, lại rất dễ "hái" ra tiền nếu bạn chăm chỉ.
Mới 18 tuổi, nhưng cậu bạn Remy đã có tới 2 năm làm cộng tác viên cho báo teen. Cho tới nay thì Remy đã trở thành cái tên nổi tiếng, với hàng loạt bài đời sống teen và vô số tin dịch cực hot từ nguồn độc. Là cộng tác viên cho chuyên mục Lạ, Remy rất chịu khó lùng tin hot trong thời gian nhanh khủng khiếp, gửi bài cứ "tằng tằng", không ngạc nhiên khi cậu được ký hợp đồng trợ cấp cộng tác, hưởng lương "cứng" và 3-4 triệu nhuận bút/ tháng.
"Tuổi trẻ tài cao", cô bạn Minh Châu, sinh năm 1994 cũng đã có gần 1 năm làm cộng tác viên cho một dự án teen. Cô bạn này luôn gây ấn tượng cho nhà tuyển dụng bởi lúc nào cũng có bài với chủ đề độc đáo, văn phong lạ lẫm và lôi cuốn. Ngoài ra, Châu có thể dịch ngon lành những đoạn tin dài hơn 1000 chữ từ các nguồn tiếng Anh, Pháp và Trung. 1 tháng, thu nhập của Châu gần 2 triệu, chưa kể nhiều hợp đồng dịch cho các báo khác nữa.
Chăm dịch và viết tin, bạn có thể kiếm 3-4 triệu/tháng ngon lành!
Từ ngày viết bài, ngoài việc được nhiều bạn bè biết đến vì mác "nhà báo teen", Châu còn "bỏ túi" gần chục triệu rồi góp tiền xin mẹ sắm "em" VaiO mới cóong. Rất nhiều xì tin từ ngày làm cộng tác viên, túi tiền không những rủng rỉnh, mà kinh nghiệm sống, kiến thức về văn hóa cũng tăng lên trông thấy.
Vẫn không thiếu điểm trừ!
Teen làm báo rất năng động, nhiều ý tưởng. Dù vậy vẫn không tránh khỏi những điểm trừ to uỳnh, khiến cho nhà tuyển dụng phải lắc đầu ngao ngáo. Và chỉ sau 1 tháng thử thách, các chủ mục sẽ sẵn sàng cho bạn "out" không thương tiếc nếu teen mắc phải những "bệnh kinh niên" sau đây:
- Nói nhiều làm ít:
Các cộng tác viên tuổi teen rất thích mang nghề nghiệp ra khoe khoang. Ví dụ, mới được đăng 2 bài —-> được hiểu là "phóng viên cứng", tài năng đầy mình, rất bận rộn và cực kỳ quan trọng (!). Họ bịa ra hàng loạt ví dụ để minh chứng rằng việc cần mình chứ mình thì cần gì. Đi tới đâu cũng khoe mình đang cộng tác cho báo này báo nọ với số lương… khủng khiếp, lượng công việc khổng lồ.
Sự thực là bài chỉ được gửi rời rạc, thậm chí 1 tuần 1 bài, hoàn toàn mờ nhạt trong group cộng tác viên. Khi đề xuất ý tưởng thì rất nhanh và rất nhiều, nhưng để có được bài thì chủ mục phải giục lên giục xuống.
- "Chất vấn" về nhuận bút:
Điều dĩ nhiên, nhuận bút là một trong những lí do rất quan trọng để teen nhà mình làm công việc này. Bạn viết bài, bạn phải được trả công xứng đáng. Các anh chị phụ trách nội dung cũng rất hoan nghênh sự thẳng thắn của bạn khi có những câu hỏi về chế độ nhuận bút. Nhưng luôn đặt vấn đề nhuận bút lên trước nhất, bài vừa lên trang đã chăm chăm hỏi nhuận bút có chưa, liên tục làm phiền người phụ trách mình bằng cách nhắn tin gọi điện "giục" nhuận bút, hay thậm chí có những so kè tị nạnh không đáng về tiền nong, rất có thể sẽ khiến bạn nhanh chóng bị "out" khỏi công việc hấp dẫn này.
T.Hà, cộng tác viên đời sống của báo T, sau 1 tháng thử việc đã "một đi không trở lại" vì cái tội hỏi nhuận bút quá nhiều. Bài còn chưa lên trang, Hà đã hỏi nhuận bút, thử việc còn chưa xong mà cô nàng lại nhắc tới n lần về… lương chính thức. Mỗi lần thấy nick của Hà, chị trưởng ban lại… gai người vì cô nàng cứ hỏi như tra khảo: "Chị ơi bao giờ em có nhuận bút, bao giờ em có lương…".
Nếu bạn cứ suốt ngày lăn tăn về nhuận bút, thì sẽ chẳng còn tâm trí nào viết bài và sẽ để lại ấn tượng xấu trong mắt nhà tuyển dụng rằng bạn chỉ làm công việc này vì tiền, chỉ quan tâm đến tiền thay vì muốn đóng góp một bài viết thực sự chất lượng
- Đánh giá bản thân quá cao:
Chị Phương, một biên tập viên kể chị vừa phải cho "out" một cộng tác viên rất năng nổ, chăm chỉ nhưng lại mắc bệnh "cứng đầu", không chịu tiếp thu và tự cao quá mức. "Không phải bài nào các em gửi lên đều dùng ngay được, chúng tôi phải edit sao cho phù hợp. Vậy mà cậu ta liên tục hỏi tôi rằng sao chị lại sửa bài của em, chị không tôn trọng em, chị chẳng hiểu cái gì cả… Nói thật, chỉ đến lần thứ 2 tôi đã muốn cho cậu ấy out rồi!".
Mỗi tờ báo đều có những quy định về nội dung. Không phải lúc nào teen cũng biết hết, thế nên hãy biết lắng nghe và tiếp thu để điều chỉnh giọng văn cho phù hợp. Các biên tập viên đều muốn đào tạo đội cộng tác viên "cứng", được việc chứ không phải những người đi "dạy" lại họ, hoặc thích viết gì thì viết, tự ái khi được nhắc nhở. Tìm kiếm kinh nghiệm từ người đi trước là điều cực kỳ quan trọng đấy!
Tránh được 3 điểm trừ trên, Kênh14 tin rằng bạn sẽ trở thành một cộng tác viên đầy năng lực. Cộng tác cho các báo đang là nghề cực hot trong hè này, rất nhiều cơ hội đang chờ teen phía trước. Cùng thử sức nhé!