Mấy năm gần đây, thương lái Trung Quốc đổ xô thu mua nguồn thảo dược quý trên khắp các tỉnh phía Bắc. Dọc quốc lộ 4B thuộc tỉnh Lạng Sơn, xưa kia từng được coi là "vựa thuốc nam" thì nay cũng bị tận thu gần như cạn kiệt.
Người dân "săn" lùng thảo dược
Dọc tuyến đường quốc lộ 4B, thương nhân Trung Quốc đặt hàng, người có vốn đứng ra thu mua, người dân lùng sục khắp núi rừng "săn" tìm thảo dược. Còn nhớ, năm 2000, thương lái Trung Quốc thu mua cây mã kích (còn gọi là cây ba kích) ở một số tỉnh miền bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Quảng Ninh, Bắc Giang. Họ đến khắp các huyện, xã, thôn bản để đặt hàng cây thuốc quý này. Củ mã kích tím được thu mua với giá trên dưới 500.000 đồng/kg khô, loại thượng hạng giá lên tới cả triệu đồng/kg nên người dân ồ ạt vào rừng đào bới.
Cảnh thương nhân thu mua nhiều loại thảo dược
Thời gian vừa qua, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) nổi lên cơn lốc thu mua rễ sim ào ạt. Ở một số xã như Tú Đoạn, Khuất Xã, Tam Gia, Tĩnh Bắc có rất nhiều điểm thu mua rễ sim. Thời kỳ cao điểm, rễ sim được mua với giá khoảng 2.500 đồng/kg. Thấy cái lợi trước mắt, hàng đoàn người đổ xô vào rừng đào rễ sim. Trung bình mỗi người một ngày đào được 100 kg, cho thu nhập tới 250.000 đồng.
Đến nay, bỗng dưng thương lái Trung Quốc ngừng thu mua, khiến hàng chục tấn rễ sim tồn đọng, trong khi nhiều cánh rừng bị cày nát. Ông Dương Trung Học, trưởng thôn Lục Bó (xã Sơn Công, Cao Lộc, Lạng Sơn) cho hay: "Trước đây, ở các vùng dưới chân núi Mẫu Sơn vẫn còn nhiều cây sim. Nhưng bây giờ không còn, cũng không thấy ai đứng ra thu mua nữa!".
Theo khảo sát của PV, huyện Đình Lập (Lạng Sơn) cũng là điểm nóng về việc thu mua cây dược liệu. Cây hoàng đằng là thực vật quý hiếm, thuộc nhóm IIA, cần phải bảo vệ (theo nghị định 32/2006/NĐ- CP, quy định về quản lý động vật, thực vật nguy cấp, quý hiếm). Thế nhưng, nhiều người vẫn đổ xô đi tìm cây hoàng đằng để bán, với giá cao ngất ngưởng 5000 đồng/kg khô, đợt cao điểm năm 2009, giá đội lên tới 12.000 đồng/kg. Đặc biệt, loại thảo dược này còn được thu mua cả thân lẫn rễ.
Cùng đó, nấm lim là loại nấm độc nhưng khi được rửa sạch bằng rượu, rồi ngâm bằng rượu nồng độ cao, lại là vị thuốc hữu hiệu như giải rượu, chữa bệnh ung thư, trung hòa chất độc bảo vệ gan, tăng tuổi thọ… cũng được thu mua với giá tới 250.000 đồng/kg (đối với nấm gây trồng), còn nấm hoang dã có giá khoảng 500.000 đồng/kg.
Khoảng 4 - 5 năm trở lại đây, một số xã như Bính Xã, Đồng Thắng, Châu Sơn, Bắc Xa (huyện Đình Lập) nổi lên cơn sốt nấm chẹo. Cánh thương nhân từ các vùng Quảng Ninh, Bắc Giang, Lạng Sơn đã đi khắp nơi thu mua thảo dược này. Người dân cho biết, công dụng tốt nhất của loại nấm này là làm tăng khả năng thụ thai cho phụ nữ khó sinh nở. Đặc biệt, loại nấm này chỉ mọc vào một khoảng thời gian tháng 3 - 4 và tháng 8 - 9 âm lịch trong năm, nấm thối rất nhanh, vòng đời của chúng chỉ trong một ngày.
Thời gian cao điểm năm 2009, giá mỗi kg tươi là 50 - 60.000 đồng/kg, loại khô 700.000 đồng/kg. Chính vì giá cao như vậy, người dân đã lùng sục khắp vùng đồi núi để "săn" nấm, có người kiếm được tiền triệu mỗi ngày. Sau vài năm thu mua ào ạt, nấm chẹo cũng hiếm dần. Hiện nay, cánh thương nhân vẫn thu mua với giá cả triệu đồng/kg nhưng cũng không có mà bán.
Cạn kiệt nguồn dược liệu quý
Trao đổi với PV, ông Nông Vĩnh Bảo, chủ tịch UBND xã Bắc Lãng (huyện Đình Lập) cho biết: "Do nhận thức của người dân còn kém, cuộc sống lại quá khó khăn (tỉ lệ hộ nghèo của xã trên 60%) nên buộc người dân phải vào rừng tìm sản vật để bán lấy tiền sinh sống.
Ông Lã Văn Lợi, trưởng hội Đông y xã Bắc Lãng tiếc nuối: "Trung Quốc thu mua rất nhiều loại thảo dược, đa số chúng thuộc dạng quý hiếm. Để lấy được hàng đem bán, họ phải tận diệt cả gốc lẫn rễ cũng là nguyên nhân dẫn đến cạn kiệt biệt dược. Những cây có thể chữa các bệnh như thấp khớp, thần kinh, dạ dày sắp tuyệt chủng. Cây thuốc khó tìm nhất là loại 7 lá 1 hoa, những cây đăng sâm, kê huyết đơn, xuyên khung… dường như đã tuyệt chủng ở vùng núi Đông Bắc. Hiện nay, Hội Đông y xã đã bảo vệ được cây hoàng tinh, cây dây na rừng, nhưng chỉ được trồng tự nhiên, không có phương tiện kỹ thuật để nhân giống".
Bà Hà Thị Lỵ, thầy thuốc nam ở thôn Khe Mò, xã Bắc Lãng chia sẻ: "Tôi là thầy lang nên chủ yếu tìm những cây thảo dược để làm thuốc. Mấy năm trước chỉ cần ra đồi, lên nương cũng tìm đủ các vị. Nhưng do thương nhân thu mua nhiều, nên nhiều loại thảo dược đã cạn kiệt, muốn tìm đủ vị thuốc tôi phải lặn lội mấy ngày trong rừng…".
Trung tâm Tư vấn, quản lý bền vững tài nguyên và phát triển văn hóa cộng đồng Đông Nam Á (CIRUM) đã đến khảo sát tình hình cây dược liệu tại Lạng Sơn và cảnh báo về sự cạn kiệt nguồn thuốc nam. Hiện nay, tổ chức này đã sưu tầm các cây thuốc quý để bảo tồn tại các khu vườn thuốc nam ở các địa phương. Tuy nhiên, nhiều cây thuốc quý cũng rất khó tìm kiếm và nhân giống. Nếu các cấp chính quyền không có chính sách bảo vệ, ngăn chặn kịp thời thì không bao lâu nữa, nguồn dược liệu quý ở vùng Đông Bắc sẽ không còn.
Hoàng Thế Tào
Theo nguoiduatin