Ngày Nhà giáo ở Ấn Độ (5-9) vừa qua đánh dấu làn sóng tẩy chay giáo viên (GV) bạo hành học sinh (HS) tàn tệ ở đất nước này. Văn hóa giáo dục cổ hủ cũng như chất lượng đào tạo GV kém đã khiến Ấn Độ chìm trong vấn nạn bạo hành học đường, khiến cả xã hội không ngừng sục sôi.
Sỉ nhục học sinh, đánh chết phụ huynh
Mới đây nhất, giữa tháng 8 vừa qua, một nam sinh 14 tuổi bị GV chửi mắng thậm tệ đã tìm đến cái chết. Nam sinh này đã bị ba người bạn cùng lớp vu khống, bảo rằng cậu lan truyền tin đồn thầy giáo có quan hệ bất chính với ba nữ đồng nghiệp. “Giận quá mất khôn”, dù chưa rõ thực hư câu chuyện ra sao, người thầy giáo cùng hai GV khác đã mắng nhiếc và sỉ nhục cậu học trò vô tội. Nam sinh 14 tuổi đã quá uất ức mà phải uống thuốc tự vẫn. Ba GV trên vẫn nhởn nhơ không bị kỷ luật, tờ Indian Express cho biết.
Trước đó, vào tháng 2-2016, tại một trường tiểu học ở bang Bihar, một bé gái 12 tuổi đã bị đánh đập dã man, còn cha cô bé bị đánh chết ngay trong giờ ăn trưa của trường. Thủ phạm lại chính là viên hiệu trưởng của ngôi trường này. Trước khi xảy ra vụ việc, bé gái này đã bị đầu bếp của trường đánh đập vì dám xin thêm thức ăn. Nghe con mách, người cha đến tận trường, cãi nhau với tay đầu bếp. Người hiệu trưởng thấy chuyện đã xông đến và đá thẳng vào vùng hạ bộ của ông bố. Ông gục xuống sàn nhà bất tỉnh và tử vong trên đường đến bệnh viện.
Học sinh tại Ấn Độ được dạy phải sợ hãi giáo viên. Ảnh: EPA
Đánh đập học sinh đến chết
Những trường hợp GV bạo hành HS tại Ấn Độ nhiều không kể xiết. Hồi tháng 7-2012, báo chí Ấn Độ từng phát sốt trước thông tin ba GV bang Tamil Nadu bắt nam sinh 14 tuổi phải uống nước tiểu của họ. Năm 2013, một nam sinh lớp 9 khác ở Ấn Độ tự sát do bị GV đánh. Tháng 6-2015, tại bang Manipur, một GV tin học đã dùng gậy đập tới tấp một nam sinh lớp 6 ngay giữa lớp. Cậu HS này sau đó đã mách lại với một nhóm “liên minh bảo vệ HS” trong trường. 16 thành viên của nhóm sau đó đã kéo nhau đi hành hung người thầy này để trả đũa.
Còn tại bang Punjab, cảnh sát đã phải bắt giữ khẩn cấp một nam GV đánh đập thậm tệ một HS bảy tuổi bị câm điếc. GV này bảo ông trừng phạt cậu bé vì không làm bài tập về nhà. Tại bang Rajasthan, đài NDTV cho biết một HS đã treo cổ tự vẫn sau khi bị GV sỉ nhục và đánh đập ngay giữa lớp.
Chấn động nhất trong thời gian vừa qua là vụ việc hiệu trưởng một trường tiểu học tại bang Uttar Pradesh đánh thậm tệ cậu học trò mới tám tuổi vì nghi cậu bé trộm viết của bạn cùng lớp. Theo lời khai được cảnh sát ghi nhận, ông hiệu trưởng thậm chí đã quăng mạnh cậu bé xuống sàn nhà nhiều lần. Gia đình cậu bé kể lại: Sau khi đi học về, em đã có triệu chứng nôn ra máu. Dù được đưa đến bệnh viện ngay lập tức, cậu bé vẫn không thể qua khỏi và qua đời vào hôm sau. Gần như mọi bang tại Ấn Độ đều có nguy cơ xảy ra nạn bạo hành học đường bởi GV. Trong khi đó chính phủ Ấn Độ vẫn đau đầu tìm cách giải quyết vấn nạn này.
Dạy học sinh phải sợ hãi giáo viên
Trang Quartz bình luận một phần nguyên nhân của vấn nạn này là do văn hóa giáo dục của Ấn Độ. Những HS phải thể hiện được sự kính trọng và tuân lệnh tuyệt đối với GV, xem họ như thần thánh. HS không được khuyến khích đặt câu hỏi. Ngược lại, những HS hay thắc mắc hoặc cãi lời sẽ bị xem là “có vấn đề”. GV có tư duy rằng HS không được phép nói nhiều, vì việc học là để qua được các kỳ thi chứ không phải là để giải đáp thắc mắc.
Cũng chính tư duy này đã tạo nên ý niệm về GV như một người giữ nề nếp cho học trò, nghĩa là việc kỷ luật và trừng phạt là một điều tất yếu. Trong lớp, GV là chủ và HS được yêu cầu phải sợ GV. Những tư duy mang tính hệ thống này tạo ra một nền văn hóa sợ hãi. Dù các hình phạt bằng cách đánh đập đã bị luật pháp Ấn Độ cấm từ lâu, ngay cả các quan chức giáo dục Ấn Độ vẫn nghĩ rằng có roi vọt thì học trò mới nên người.
Đòi phá bỏ ngày Nhà giáo
Các bức xúc về GV tại Ấn Độ đang trầm trọng đến nỗi đã có một số ý kiến trong thời gian qua thậm chí còn đòi bỏ luôn ngày Nhà giáo Ấn Độ. Theo tờ Quartz, ngày này nên dừng tôn thờ “độc quyền” nhà giáo, mà cần được chuyển đổi thành ngày dành cho cả HS lẫn GV. Trang mạng này tranh luận chỉ có biện pháp này mới thúc đẩy xây dựng lại một mối quan hệ lành mạnh hơn giữa thầy và trò trong những ngôi trường. HS sẽ không còn phải lo lắng mua quà mua thiệp, chạy đua tặng những món quà đẹp đẽ và đắt giá nhất để “lấy điểm” trong mắt thầy. Thay vào đó, ngày 5-9 có thể được xây dựng thành một ngày để xã hội Ấn Độ hướng đến xây dựng một môi trường học đường không có bạo hành và ức hiếp.
Quá nhiều giáo viên… dốt Bên cạnh vấn đề văn hóa, nhân lực chất lượng cũng là một bài toán khó cho chính phủ Ấn Độ. Theo Quartz, Ấn Độ giờ đây thiếu hụt GV đến 25%, cao thứ ba thế giới chỉ sau hai nước châu Phi là Kenya và Uganda. Với sự thiếu hụt GV trầm trọng như thế, những phụ huynh cũng không có quá nhiều sự lựa chọn về người giảng dạy cho con em của họ. Trang New Indian Express cho biết cứ 10 GV Ấn Độ thì sẽ có một người không có bằng tốt nghiệp đại học. Đây là kết luận từ một khảo sát toàn quốc của Bộ Tài nguyên con người Ấn Độ hồi đầu năm 2016. Sốc hơn nữa, bản báo cáo tiết lộ có đến 14% GV cấp II chưa tốt nghiệp đại học, cùng một số lượng lớn GV còn không thi đậu kỳ thi tốt nghiệp lớp 12. Trong khi đó rất nhiều GV có bằng tốt nghiệp lại không được dạy môn mà họ từng theo học tại đại học. Ví dụ, có 30% GV toán lại không tốt nghiệp ngành toán. Còn 25% GV khoa học lại chưa từng học ngành khoa học. |