Ngày 2.6, tại các khoa nhiễm của bệnh viện Nhi Đồng 1 và Nhi Đồng 2, khoảng 70% số trẻ đang điều trị bệnh tay chân miệng (TCM) đến từ các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Long An, Tiền Giang, Vũng Tàu…
Đồng Nai đã có bốn trẻ tử vong
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, trưởng khoa nhiễm – thần kinh của bệnh viện Nhi Đồng 1, cho biết hiện tình hình bệnh TCM của thành phố có giảm nhẹ so với trước, còn 80 – 90 ca/ngày, nhưng số bệnh nhi đến từ các tỉnh lân cận tăng lên ồ ạt, khoảng 100 trẻ/ngày. 3 – 4 trẻ nằm một giường, nhiều trẻ phải nằm ngoài hành lang. Các bác sĩ khoa nhiễm lo ngại lượng bệnh nhi quá đông sẽ lây nhiễm chéo lẫn nhau, khiến bệnh ngày càng nặng hơn. Khoa nhiễm bệnh viện Nhi Đồng 2 hiện có khoảng gần 130 trẻ mắc bệnh TCM, trong đó có khoảng bảy trẻ đang phải nằm thở máy và cấp cứu đặc biệt.
Trong khi đó, thông tin từ trung tâm Y tế dự phòng tỉnh Đồng Nai cho biết, từ đầu năm đến nay tỉnh có bốn trẻ tử vong vì bệnh TCM, trong đó chỉ trong các ngày từ 28 – 30.5, liên tiếp có ba trẻ tử vong. Tại bệnh viện Nhi Đồng Nai, bình quân mỗi ngày có khoảng gần 40 ca TCM nhập viện.
Trước tình hình trên, sở Y tế TP.HCM đã họp với các bệnh viện Nhi và bệnh viện Bệnh nhiệt đới tìm giải pháp và đưa ra phác đồ điều trị chung tốt nhất cho bệnh nhân. Ông Lê Trường Giang, phó giám đốc sở Y tế TP.HCM, cho biết, các bệnh viện hiện nay điều trị theo phác đồ của sở Y tế nhưng dựa theo tình hình thực tế để bệnh viện quyết định quy trình điều trị, cụ thể hoá phác đồ điều trị trong khoa chuyên nghiệp hơn…
Chu kỳ dịch mới
Bác sĩ Nguyễn Đắc Thọ, phó giám đốc trung tâm y tế dự phòng TP.HCM cho biết, chu kỳ dịch TCM thường từ ba năm đến bốn năm. Tại TP.HCM, ở đợt dịch TCM đầu tiên xảy ra vào năm 2004 với hàng loạt ca mắc bệnh đã có đến 24 ca tử vong; đợt dịch thứ hai xảy ra từ cuối năm 2007 đến đầu năm 2008 đã cướp đi sinh mạng của 21 bệnh nhi. Như vậy năm 2011 này, là thời điểm của đợt dịch thứ ba với sự xuất hiện của virút có dòng độc lực EV71 subtyb B2. “Các đợt dịch trên đều xuất hiện virút có dòng độc lực nên số ca mắc bệnh và tử vong cao”, bác sĩ Thọ nói.
Cũng theo bác sĩ Thọ, đối tượng mắc bệnh chủ yếu là trẻ em từ năm tuổi trở xuống, trong đó trẻ dưới ba tuổi chiếm trên 70%. Điều này có nghĩa, phần lớn trẻ em mắc bệnh TCM năm nay đều sinh sau đợt dịch thứ hai của bệnh TCM, các trẻ chưa hề tiếp xúc với dòng virút có độc lực, nên không có khả năng miễn dịch với dòng virút có độc lực nói chung và dòng virút độc lực B2 nói riêng, khiến số lượng trẻ trong độ tuổi này mắc bệnh TCM khá cao. Số ca mắc bệnh và tử vong TCM trong năm sẽ còn tiếp tục tăng lên, nhất là khi bước vào đợt cao điểm thứ hai của năm, vào tháng 9 và tháng 10 tới. Hiện bệnh TCM chưa có vắcxin và thuốc đặc trị, biện pháp phòng, chống duy nhất hiện nay là vệ sinh môi trường.
Theo thống kê mới nhất của sở Y tế TP.HCM, từ đầu năm 2011 đến nay, thành phố có trên 3.000 ca mắc bệnh TCM, trong đó có 11 ca tử vong. Hiện các ca mắc bệnh TCM đang có mặt ở hầu hết các xã – phường trên địa bàn thành phố.
Hoàng Nhung – Hồ Quang