Vào giữa buổi sáng, bầu trời khu vực này bỗng dưng chuyển vàng, động vật rủ nhau lẩn trốn và bóng tối trùm xuống, khiến người dân phải thắp nến và bắt đầu cầu nguyện. Đến trưa, màn đêm bao trùm khắp nơi và nhiều người dân nghĩ rằng đó là ngày tận thế.
Ngày Đen tối (Dark Day) nổi tiếng này diễn ra vào ngày 19/5/1780 ở vùng New England và Canada. Trong 232 năm qua, các nhà sử học và khoa học luôn tranh cãi về nguồn gốc của sự kiện kỳ lạ này.
Ngày nay, các giả thuyết cho rằng đó là kết quả của một vụ phun trào núi lửa, thiên thạch rơi hay những tai họa khác. Với kiến thức khoa học ít ỏi của trong những năm 1780, rõ ràng người dân cảm thấy sợ hãi khi chứng kiến Ngày Đen tối. Thời điểm ấy, một số nhà lập pháp ở Connecticut tin rằng đó là ngày phán xét, vì trước đó mặt trời và mặt trăng đã dần chuyển sang màu đỏ.
Theo nhà sử học Mike Dash, vùng đông bắc nước Mỹ những năm 1780 là một xã hội theo đạo Tin lành, đồng thời đặc biệt quan tâm về tội lỗi và sự cứu thế. Là người viết về Ngày Đen tối trong một cuốn sách có tênBorderlands, Dash nói rằng người dân tin rằng đó là ngày Chúa tái thế. Lúc đó, những sự kiện tự nhiên như chim bay được xem là một ký hiệu về sự hiện diện của Thiên chúa.
Vậy điều gì có thể giải thích cho sự kiện năm 1780 ?. Các nhà khoa học chỉ ra rằng, mây dày không thể là yếu tố gây ra sự kiện Ngày Đen tối. Bên cạnh đó, dữ liệu vào thời điểm xảy ra Ngày Đen tối cũng loại trừ nguyên nhân do nhật thực.
Thomas Choularton, giáo sư khoa học khí quyển ở Đại học Manchester nói rằng, tro bụi núi lửa thường khiến bầu trời biến thành màu vàng. Bên cạnh đó, số liệu cho thấy chưa có hoạt động núi lửa trong vùng New England từ những năm 1780, vì thế Ngày Đen tối do núi lửa gây ra là khả năng ít xảy ra. Giáo sư Choularton nói thêm, khả năng hiện tượng kỳ bí trên do thiên thạch gây ra cũng rất thấp, mặc dù không thể hoàn loại bỏ hoàn toàn khả năng này.
Nhiều nhà khoa học tin rằng, câu trả lời cho nguồn gốc của Ngày Đen tối có thể được tìm thấy trong những thân cây. Viện nghiên cứu tại Khoa Lâm nghiệp, Đại học Missouri đã phân tích các thân cây ở New England và tìm thấy vết cháy của vòng cây trong những thân cây cổ thụ có niên đại cùng thời gian xảy ra Ngày Đen tối.
Bên cạnh đó, phó giáo sư địa lý Will Blake tại đại học Plymouth cho biết, các nghiên cứu cho thấy có một vụ hạn hán nghiêm trọng xảy ra vào năm 1780 và đó có thể là yếu tố gây ra một trận hỏa hoạn lớn.
Tuy nhiên, liệu một vụ cháy rừng có thể biến ngày thành đêm. “Tôi từng chứng kiến những vụ cháy nhỏ ở Australia và khiến bầu trời có màu khác lạ. Vụ cháy càng lớn, bầu trời sẽ càng tối”. Bên cạnh đó, sự kết hợp giữ mây mù và tro bụi của các vụ cháy rừng có thể khiến bầu trời chuyển tối”, Blake lập luận.
William Corliss, nhà vật lý và là người ghi chép các sự kiện chưa có lời giải, đã thu thập 46 lời miêu tả về Ngày Đen tối khắp thế giới từ năm 1091 đến 1971. Dữ liệu từ các nhân chứng ở New England khiến giả thuyết sự kiện Ngày Đen tối do cháy rừng gây ra càng có cơ sở. Một nhân chứng nói rằng không khí lúc đó có mùi cháy, trong khi bụi tro được tìm thấy trên những con sông trong vùng.
Ngày nay, người dân có thể dựa vào kiến thức khoa học, hình ảnh vệ tinh và truyền thông để hiểu hơn về sự kiện bí ẩn 300 năm trước. Tuy nhiên, Ngày Đen tối vẫn khiến không ít người cảm thấy lo lắng. Nỗi lo này càng tăng lên, khi một sự kiện tương tự từng xảy ra năm 1950. Lúc đó, các nhà khoa học cho rằng nguyên nhân là do các vụ cháy rừng ở Alberta, Canada.
“Nếu bạn thức dậy buổi trưa bạn sẽ nghĩ lúc đó là giữa đêm. Mọi người cảm tưởng như đó là một vụ tấn công hạt nhân hay nhật thực”, David Phillips, một chuyên gia khí hậu ở cơ quan môi trường Canada miêu tả về Ngày Đen tối năm 1950.
Theo Infonet
Chia sẻ cho bạn bè
Bắc Mỹ, bí ẩn., Ngày Đen tối, tiêu điểm
Bình luận