Ông Tăng Bá Hoành bên một chiếc bể bảo quản mộ thuyền sơ sài ở Bảo tàng Hải Dương.
[size=4]Kỳ 1: Nghĩa địa thời Đông Sơn[/size]
Nhắc đến những công trình mồ mả, người ta thường nghĩ ngay đến những kim tự tháp khổng lồ ở Ai Cập, hoặc những lăng mộ kỳ vĩ của vua chúa Trung Hoa cổ đại. Đất nước ta không có những công trình lăng mộ khổng lồ như thế, song lại có những hình thức mai táng mang đặc trưng riêng chứa đựng nhiều bí ẩn mà đến nay chưa dễ gì khám phá được. Một trong số những hình thức mai táng cổ xưa nhất, chứa đựng nhiều bí ẩn là những ngôi mộ làm bằng thân cây, mà các nhà khoa học hay gọi là mộ thuyền.
Các nhà khoa học gọi những ngôi mộ làm bằng thân cây khoét rỗng là mộ thuyền.
Cách đây gần 10 năm, trong những ngày lang thang cùng chuyên gia mộ cổ Tăng Bá Hoành (khi đó ông còn là Giám đốc Bảo tàng Hải Dương, hiện ông đã nghỉ hưu) đi thực địa tìm mộ cổ ở vùng Kim Thành (Hải Dương), tôi đã được nghe ông Hoành kể về một nghĩa địa mộ cổ khổng lồ, có tuổi từ 2.000 đến 2.500 năm trước.
Tuy nhiên, gặng hỏi năm lần bảy lượt, ông Hoành vẫn không chịu tiết lộ nghĩa địa mộ cổ ấy ở đâu. Ông bảo rằng, cứ để nghĩa địa mộ cổ ấy chìm vào quên lãng, cho đến một ngày, đất nước giàu có, có đủ điều kiện kinh tế và khoa học kỹ thuật để nghiên cứu, thì con cháu chúng ta sẽ khai quật, bảo tồn.
Sau hơn 30 năm vùi đầu vào các công trình mộ cổ để khai quật, nghiên cứu, ông Hoành khẳng định với tôi rằng: “Vùng đất Hải Hưng cũ (gồm Hưng Yên và Hải Dương) là một nghĩa địa mộ cổ khổng lồ, đào đâu cũng thấy mộ cổ”. Điều ông Hoành khẳng định thật lạ! Việc tìm ra một ngôi mộ cổ, dù ở đâu trên đất nước này, cũng là một phát hiện quan trọng, bởi lấy đâu ra lắm mộ như thế.
Một ngôi mộ hiếm hoi có hình dạng giống hệt chiếc thuyền đang được bảo quản ở Bảo tàng Hưng Yên.
Số người chết đi trong hàng ngàn năm nay thì tính bằng con số hàng triệu, nhưng việc lăng mộ, xương cốt giữ được trong lòng đất hàng trăm, hàng ngàn năm thì lấy đâu ra nhiều.
Nhưng rồi, trong nhiều ngày đi theo ông Hoành “đào mồ cuốc mả”, tôi mới tin rằng, vùng đất Hải Dương và Hưng Yên ngày nay đúng là một “nghĩa địa mổ cổ” khổng lồ. Trong lòng đất của xứ này, với tính chất đặc biệt của môi trường đất, còn bảo quản được vô vàn những ngôi mộ hàng ngàn năm tuổi.
Mới đây, tôi đột ngột nhận được điện thoại của ông Hoành, thông báo với tôi trong nỗi đau khôn xiết, rằng, người ta đang đào phá, khiến nghĩa địa mộ thân cây khổng lồ sắp biến mất rồi. Cái nghĩa địa mà ông Hoành giấu biệt ấy, là nghĩa địa mộ thuyền Động Xá (Hưng Yên).
Tôi đã dành cả ngày trời đi loanh quanh khắp làng Động Xá (thị trấn Lương Bằng, Kim Động, Hưng Yên), đi dọc cánh đồng mênh mông bát ngát của thôn Động Xá để mong hình dung ra được cuộc sống của người Đông Sơn từ hơn 2.000 năm trước ở vùng đất này ra sao.
Đường vào làng Động Xá.
Theo GS. Nguyễn Lân Cường, nhà nhân học hàng đầu Việt Nam, 3.000 năm trước, không những làng Động Xá, vùng Hải Hưng mà khắp Đồng bằng Sông Hồng đang diễn ra quá trình tiến biển. Những lớp sú vẹt mọc thành rừng ven biển bị quá trình bồi lấp hàng ngàn năm của phù sa chôn xuống lòng đất. Loài sú vẹt đã tạo ra một lớp khí mê tan đậm đặc, có tác dụng tiêu diệt các loại vi khuẩn, đặc biệt là các loài vi khuẩn ăn xương, gỗ.
Rồi tầng bùn dưới lòng đất, cũng vốn là đáy biển, bị nhiễm mặn nặng, thêm vào đó lượng lưu huỳnh cao, độ PH thấp, đã biến lòng đất thành môi trường tự nhiên cực tốt để bảo quản các ngôi mộ. Lớp phù sa phủ lên bề mặt, sẽ giữ chặt những loại “hóa chất” tự nhiên này cả ngàn năm trong lòng đất.
Khi đó, vùng đất này vẫn còn xen lẫn đầm lầy lụt lội, với lau lách rậm rạp, sông ngòi chẳng chịt. Cuộc sống của cư dân Đông Sơn gắn chặt với sông nước, thuyền bè. “Sống ngâm da, chết ngâm xương”, “sống trên thuyền thì chết cũng ở trên thuyền”. Cuộc sống sông nước có thể là nguyên nhân tạo ra tín ngưỡng mộ thuyền độc đáo. Theo quan niệm tín ngưỡng của người Á Đông, chiếc thuyền mang ý nghĩa đưa linh hồn người chết về thế giới bên kia. Phương tiện đi lại thời đó là thuyền, nên linh hồn cũng cần có một chiếc thuyền cùng với những đồ dùng thiết yếu như vũ khí, thức ăn… để chuẩn bị cho một chuyến đi.
Ít ai biết rằng, dưới lòng đất ở cánh đồng làng Động Xá là một nghĩa địa mộ thuyền khổng lồ.
Người Đông Sơn thường chôn người chết rất sâu, vĩnh viễn trong lòng đất. Và vô tình, những ngôi mộ ở Động Xá đã nằm trong lớp sú vẹt đậm đặc khí mê tan. Chính vì thế, trải qua 2.000 đến 2.500 năm sau, những ngôi mộ táng hình thuyền vẫn còn nguyên vẹn, để rồi, con cháu của cư dân Đông Sơn vẫn còn được chiêm ngưỡng dung nhan của tổ tiên mình.
Mặc dù, mộ thuyền được phát hiện rải rác lần đầu tiên ở nước ta vào thập niên 60 của thế kỷ trước, song phải đến năm 1995, những chiếc mộ thuyền mới được giới khảo cổ học cả nước, cùng nhiều chuyên gia của thế giới biết đến, khi người dân thôn Động Xá tiến hành… nạo vét sông.
Ông Đào Văn Nhiêu, Nguyên Chủ tịch xã Lương Bằng nhớ lại: “Trước đây, người dân chúng tôi, mỗi khi đào ao, nạo vét kênh mương, thậm chí đào huyệt chôn người, đều đào thấy mộ cổ, mà sau này các nhà khoa học gọi là mộ thuyền. Tuy nhiên, cứ ai đào trúng mộ, người đó liền cải táng cho các cụ ngay, chứ cũng chẳng nghĩ nó là mộ cổ để báo cho các nhà khoa học về nghiên cứu. Sự việc chỉ ầm ĩ và được cả nước quan tâm là sau vụ chị em phụ nữ đào được chiếc trống đồng”.