Tình yêu cháy bỏng…
Ấy vậy mà chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, trái tim Thảo không hề rung động trước những chàng trai hào hoa phong nhã, có vị trí cao trong xã hội. Ngày Thảo đưa anh chàng nổi tiếng “giang hồ một thuở” về ra mắt là ngày gia đình cô nổi cơn bão tố.
Mạnh sinh ra trong một gia đình nghèo nhưng không nuôi ý chí vượt khó, chỉ ăn chơi lêu lổng. Thành tích “anh hùng” của Mạnh đủ trong các lĩnh vực: đầu gấu, bảo kê, trộm cướp… Đến nay 26, 27 tuổi đầu, Mạnh vẫn không hề có một định hướng cụ thể cho cuộc đời mình, vẫn giữ lối sống hoang dã. Bố mẹ Mạnh mải bươn chải nuôi sống gia đình nên đành bất lực với đứa con bất hiếu. Ấy vậy mà Thảo lại gửi trọn tình yêu trong sáng của mình cho anh chàng bất trị ấy.
Thảo gặp Mạnh trong một lần đi dự tiệc chiêu đãi về khuya bị bọn du côn chặn xe trêu ghẹo. Lần đó may có Mạnh, Thảo mới thoát được sự làm nhục trong gang tấc. Cảm kích trước hành động “anh hùng” ấy, Thảo đã nhận lời đi chơi với Mạnh một vài lần, không ngờ tình cảm lại nảy nở và trở nên nồng cháy.
Gia đình phản đối, doạ dẫm, đòi từ mặt nếu Thảo vẫn tiếp tục quan hệ với Mạnh. Thế nhưng mọi ngăn cản ấy như thùng dầu đổ thêm vào ngọn lửa đang âm ỉ cháy, Thảo cam đoan với gia đình mình có thể cảm hóa được Mạnh. Cô nhìn thấy bản chất tốt đẹp của Mạnh từ bên trong, nếu họ cho Mạnh cơ hội, cô tin tưởng anh ta sẽ trở thành một người chồng tốt.
Bằng chứng là từ ngày yêu Thảo, Mạnh đã giảm bớt lối sống bất trị, nghe theo lời Thảo kiếm việc làm. Những ngày Thảo kiên trì thuyết phục gia đình cho mình và Mạnh được cưới nhau là những ngày bố mẹ cô sống trong nỗi đau khổ không thể diễn tả bằng lời. Họ không hề tin tưởng Mạnh sẽ đem lại hạnh phúc cho Thảo. Nhưng rồi, họ đành phải chấp nhận một đám cưới bất đắc dĩ bởi cái thai trong bụng Thảo đã hơn 3 tháng.
… Và bi kịch
Thảo xuất hiện ở phòng tư vấn hôm ấy cùng người chị họ. Cô lặng lẽ ngồi chờ ở chiếc ghế cuối góc phòng, vẻ bơ phờ mệt mỏi hiện rõ trên gương mặt. Người chị họ của Thảo vốn cũng là một nạn nhân đã hồi gia qua một thời gian lánh nạn ở “ngôi nhà bình yên”. Khi bỏ nhà ra Hà Nội, Thảo tìm đến nhà chị họ để xin lánh nạn. Sau khi nghe rõ hoàn cảnh của Thảo, chị họ đã đưa cô đến đây.
- Tôi cứ tưởng lấy nhau rồi, anh ấy sẽ trở thành một người tốt. Ai ngờ bản chất của con người ta không thể dễ dàng thay đổi nhanh chóng. Tình yêu của tôi vỡ tan tành khi nhận ra hạnh phúc của mình có quá nhiều thứ khác biệt. Tôi là người có học vấn, được sống trong môi trường gia giáo từ nhỏ trong khi anh ấy chỉ chủ yếu sống theo bản năng.
Theo đó, cách sinh hoạt, nếp nghĩ của hai vợ chồng cũng hoàn toàn khác xa nhau. Cưới xong, tôi nghỉ việc ở nhà dồn vốn kinh doanh, phần là để hướng dẫn chồng cách làm ăn, phần cũng quản anh ấy. Tôi không muốn có gia đình rồi, anh ấy vẫn không nghề nghiệp, tụ tập với người xấu. Thời gian đầu, hai vợ chồng phối hợp với nhau làm ăn rất tốt nhưng sau đó thì tình hình xấu hẳn đi. Tiền kiếm được bao nhiêu, anh ta mang đi đánh bạc hết. Tôi có can thiệp hay quản lý tiền bạc thì lập tức anh ta đánh đập. Mỗi lần đánh chửi, anh ta bảo chỉ vì gia đình tôi khinh thường, không chấp nhận một chàng rể như anh ta nên bây giờ phải hành hạ lại con gái họ cho hả giận…
Phải khó khăn lắm, Thảo mới bình tĩnh lại để tiếp tục câu chuyện với nhân viên tư vấn. Thảo cho biết không những chửi bới lăng mạ, chồng cô còn không cho vợ quản lý tiền bạc. Kinh doanh được bao nhiêu anh ta nắm hết và chỉ đưa tiền chi tiêu hàng ngày một cách nhỏ giọt. Quan hệ vợ chồng của họ tiếp tục xấu đi khi Mạnh có bồ và bỏ bê cửa hàng để một mình Thảo lo liệu.
Mấy lần Thảo ghen tuông làm ầm ĩ lại càng khiến Mạnh đánh đập vợ nhiều hơn. Không chịu nổi những trận đòn bạt mạng của người chồng vũ phu, Thảo sống khép kín và cam chịu số phận. Cô không biết tìm đến ai để chia sẻ vì bố mẹ và gia đình đã không còn quan tâm đến cuộc sống riêng của cô kể từ ngày cô quyết chí lấy Mạnh cho bằng được.
Trong khi Mạnh bỏ bê và đánh đập người vợ xinh đẹp không hề nương tay thì một nhân viên làm việc cho vợ chồng Thảo lại rất quý mến và thương cảm hoàn cảnh của bà chủ trẻ.
Thảo kể, sinh nhật của cô không ai biết và không ai quan tâm, chỉ duy nhất mình cậu nhân viên này nhớ và tặng quà cho cô. Vô tình Mạnh biết chuyện hộp quà, bắt vợ nộp ra. Khi thấy tấm thiệp nhỏ bên trong ghi chúc mừng sinh nhật “em thương chị lắm”, Mạnh đã đánh Thảo rất dã man. Từ đó, Mạnh kiểm soát các mối quan hệ của vợ, cấm hẳn cô ra cửa hàng và không ngừng chửi bới, đánh đập.
Như con giun bị giày xéo mãi, một ngày Thảo bỏ nhà ra đi và cùng với cậu nhân viên kia bàn kế hoạch vào Sài Gòn sống. Khi đi tới Nha Trang, cô gọi điện về thăm con thì Mạnh nghe máy bảo vợ quay về, anh ta hứa sẽ không đối xử với cô như trước nữa. Sau đó trên chặng đường đi, Thảo liên tục nhận được tin nhắn của chồng hứa sẽ sửa đổi và mong cô hãy nghĩ đến hai đứa con. Tin tưởng vào sự ăn năn của chồng, Thảo quay về. Nhưng không ngờ vừa đặt chân vào nhà, cô bị chồng túm tóc đánh đập dã man đến nỗi bị gãy xương sườn và mất trí nhớ một thời gian.
Từ đó đến nay, Thảo bị chồng quản thúc về thời gian, tiền bạc, quan hệ. Vin vào cớ Thảo bỏ chồng con đi theo trai, Mạnh không ngừng có những lời lẽ xúc phạm, nhục mạ, đánh đập, đối xử với cô không bằng kẻ nô lệ.
Chạy trốn khỏi người chồng nhẫn tâm không hề khó khăn đối với Thảo nhưng điều khiến cô ra đi mà vẫn không an lòng và day dứt nhất là hai đứa con.
- Con trai lớn của tôi năm nay đã 17 tuổi, còn đứa bé 14 tuổi. Trước đây khi chúng còn bé, mỗi lần thấy bố đánh mẹ chúng rất sợ hãi và buồn rầu. Thế nhưng lớn lên chúng đều có những phản ứng lạ. Nhất là từ ngày tôi có ý định bỏ vào Sài Gòn cùng với người đó rồi quay về, cả hai đứa thờ ơ, vô cảm trước mọi việc diễn ra trước mắt.
Con trai lớn càng ngày càng có tính cách giống bố cục cằn, suốt ngày đánh đập, bắt nạt, chửi bới em. Đứa bé thì ngược lại, trở nên nhẫn nhục chịu đựng, vô cảm, thờ ơ với mọi việc xung quanh. Trước đây mỗi lần thấy bố xông vào đánh mẹ, chúng còn chạy vào khóc lóc van xin bố tha cho mẹ. Bây giờ cứ mỗi lần xảy ra chuyện đó, chúng lại bỏ ra ngoài.
Thảo nấc nghẹn, bao nhiêu uất ức, sự chịu đựng của người vợ trẻ như có dịp được trào ra.
- Giờ nghĩ lại lỗi đều do tôi. Lẽ ra tôi nên nghe theo lời khuyên của bố mẹ ngay từ đầu. Và lẽ ra tôi cũng không nên cam chịu cảnh sống bị ngược đãi, hành hạ lâu như vậy, để đến bây giờ ảnh hưởng đến hai đứa con. Trong mắt chúng, người bố tồi tệ một thì người mẹ tồi tệ mười. Tôi biết chúng đang mất phương hướng trong cuộc sống nhưng không thể làm điều gì để giúp con. Giờ tôi có ly hôn cũng chẳng quan trọng đối với chúng. Cả hai đứa đều bảo tôi không còn là người mẹ tốt khi bỏ nhà đi theo người đàn ông khác. Tôi đã sai lầm khi cưới anh ta và chỉ muốn làm lại cuộc đời mình với một người khác biết cảm thông và yêu thương tôi thật lòng. Chẳng lẽ đó lại sai trái?
- Tìm lại hạnh phúc cho mình thì không sai nhưng cái sai của chị là đã tìm đến điều ấy khi chưa ly hôn dứt điểm với chồng.
- Lúc đó tôi chỉ nghĩ làm thế nào để thoát ra khỏi cuộc sống địa ngục ấy càng sớm càng tốt, chứ không hề nghĩ đến một điều gì khác. Cho đến khi trở về … lẽ ra chúng phải hiểu tôi trở về là vì chúng, sao chúng lại quay lưng lại với người mẹ khốn khổ như vậy.
Cuộc nói chuyện trở nên đứt đoạn nửa chừng vì Thảo không còn giữ được sự xúc động của mình. Người vợ trẻ cho biết cô bỏ nhà ra đi mong muốn tìm được một chỗ an toàn trong thời gian chờ ly hôn. Rút kinh nghiệm lần trước, lần này cô ra đi một mình vì sợ con cái lại phải chịu mang tiếng mẹ bỏ theo trai một lần nữa.
Hiện tại cô chỉ mong giữ lại một phần hình ảnh người mẹ tốt đẹp trong mắt hai đứa con để khi cuộc hôn nhân chấm dứt, chúng vẫn có nghị lực sống tốt. Tất cả những bạo hành, ngược đãi mà người chồng gieo xuống cuộc đời cô đã chấm dứt viễn cảnh về một mái ấm hạnh phúc, cái hạnh phúc “đũa lệch” mà cô hằng viễn tưởng sẽ dùng tình yêu và nghị lực của mình để so bằng.
Theo Hạ Thi
Đời Sống Gia Đình