Người dân Chilê nhìn cảnh đường phố sau khi xảy ra động đất |
Không ai nghĩ rằng trận động đất 9,0 độ richter và gây nên trận sóng thần lịch sử tàn phá một phần nước Nhật vào năm ngoái lại có thể xảy ra. Ít nhất thì các bản đồ ghi lại địa chấn đã không nói dối. Nhưng liệu các khoa học hiện đại có thể dự báo sớm các thảm họa như vậy?
Như Joel Achenbach đã viết khá là đúng trong một bài báo trên tờ Washingon Post rằng: Trái đất không đoái hoài gì đến tính chất chính thống của khoa học. Trong khi các nhà địa chất học đang xây dựng lý thuyết, một dải địa chất rất lớn của vỏ trái đất dịch chuyển 55m về phía đông. Hiện tượng này đã khiến cho nền đại dương cao lên 5m và một lượng nước khổng lồ của Thái Bình Dương đổ ập vào duyên hải phía đông của Nhật.
Trận động đất và sóng thần đã khiến gần 20.000 người dân Nhật thiệt mạng và mất tích.
Nhưng thảm họa năm 2011 tại Nhật không phải là trận duy nhất khiến cho cộng đồng khoa học quốc tế phải hổ thẹn, điển hình là loạt các trận động đất kinh hoàng khác xảy ra ở những thời điểm khác nhau kể từ năm 2004 như tại Ấn Độ Dương, Haiti, Trung Quốc và New Zealand.
Sau những thảm họa này, nhất là sau những gì xảy ra tại Nhật, các nhà địa chất học giờ đây cảm thấy cần phải kiểm tra lại các kiến thức nền tảng của họ liên quan tới động đất.
"Lĩnh vực này không được trọng vọng. Nếu bạn muốn có vẻ 'oách' hơn, thì bạn đừng làm một nhà khoa học Trái đất, và chắc chắn lại càng không nên làm một nhà nghiên cứu về động đất" - tờ Washington Post trích lời ông Ross Stein thuộc trung tâm Khảo sát Địa chất Mỹ.
Các bản đồ địa chấn thường cho thấy những nơi mà động đất có thể xảy ra trong một khoảng thời gian nhất định cũng như cường độ của chúng. Tuy nhiên, có một số ý kiến lại cho rằng các bản đồ này chỉ có thể mô tả các trận động đất hoặc dư chấn đã xảy ra, không có nhiều giá trị nếu như chúng ta muốn dự báo trước các thảm họa động đất. Vấn đề là, các địa tầng có thể bị kéo căng ra trong hàng ngàn năm trước khi thảm họa đứt gãy xảy ra.
Trong khi đó, số khác lại cho rằng có bản đồ này còn tốt hơn là chẳng có gì. Chúng có thể giúp cho các nhà hoạch định chính sách quyết định xem nên triển khai việc gia cố xây dựng ở đâu, và các kiểu công trình nào nên được trang bị thêm những bộ phận cần thiết khi có rung chấn.
Trận động đất năm ngoái tại Nhật cho thấy thực tế về cơ bản rằng các trận động đất cường độ lớn có thể xảy ra ở bất kỳ nơi nào mà tầng kiến tạo đang bị vùi xuống một tầng khác, bất kể bản đồ rung chấn nói gì đi chăng nữa. Trong nhiều thập kỳ, các nhà địa chất tin rằng một số nơi có thể dễ xảy ra động đất lớn.
"Chúng ta phải chấp nhận khả năng các cuộc động đất cường độ mạnh hơn trong các khu vực mà chúng ta tưởng rằng khả năng này không tồn tại. Đây là một bài học khó khăn mà chúng ta học được" - một nhà nghiên cứu địa chấn tại Đại học California lưu ý.
Quan điểm này giờ đây được rất nhiều chuyên gia khác chia sẻ. Robert Geller - một nhà địa chất học từ Đại học Tokyo cũng có chung quan điểm. Ông nói rằng các bản đồ tiêu chuẩn "đã sai cơ bản" và dựa trên giả thuyết sai lầm rằng bản thân các trận động đất lặp đi lặp lại ở các quãng thường xuyên nhiều ít khác nhau.
Nhưng các trận động đất gần đây chỉ khẳng định một điều rằng: hiện tượng tự nhiên này đúng hơn là hiện tượng không đồng tâm, và gần như không thể dự đoán trước. Vị trí của trận động đất 9,1 độ richter xảy ra ở Ấn Độ Dương vào tháng 12/2004 đã khiến nhiều nhà khoa học sửng sốt. Khu vực gần đảo Sumatra nơi xảy ra trận động đất được cho là nơi tương đối 'yên tĩnh'. Thảm họa này đã cướp đi sinh mạng của 230.000 người dân Indonesia, Thái Lan và các quốc gia lân cận. Hầu hết những người này là nạn nhân của trận sóng thần xảy ra sau đó.