Do thay đổi độ pH vùng âm hộ - âm đạo, khiến cho vùng này trở nên quá kiềm khi mang thai, do tăng nồng độ estrogen và tăng sinh mạch máu ngoài da, tình trạng này thường tự biến mất sau khi sinh. Tình trạng viêm nang lông trong thai kỳ có thể xảy ra, thường không do vi trùng và thường xuất hiện trong tháng cuối của thai kỳ, gây ngứa ở những vùng có lông như vùng nhô hạ vệ, nách, vùng lông tay - chân… Do các bệnh lý mắc phải khi mang thai như nhiễm nấm candida vùng sinh dục hay các bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Về điều trị, trước hết cơn ngứa phải được cắt bằng nhiều giải pháp như chườm lạnh, chườm nóng và không bao giờ được gãi, vì đặc thù ngứa trong thai kỳ càng gãi thì càng ngứa, càng gãi thì kích thích gây tăng sừng, tăng sắc tố khiến vùng đó dày lên trở thành mãn tính rất khó điều trị hoặc để lại di chứng về sau, vì vậy cho dù ngứa do nguyên nhân gì, cũng không bao giờ được gãi. Có thể giảm những triệu chứng khó chịu trên da bằng một số biện pháp như: mặc quần áo bằng vải thoáng mát, đủ rộng tránh ra ngoài lúc trời nắng hay ở những nơi nóng bức, tắm với nước mát, không nên lạnh quá vì có trường hợp ngứa do lạnh hoặc nước ấm để giúp giảm ngứa, tùy vào sự nhạy cảm nhiệt độ của mỗi người.
Tránh dùng các loại xà phòng hay dung dịch tẩy rửa mạnh có nồng độ xút cao và các sản phẩm chăm sóc da vì dễ gây dị ứng.
Chú trọng tránh các thức ăn gây dị ứng trước đó, chế độ ăn cần đủ chất, tăng thêm dầu ôliu và các thực phẩm giàu vitamin A có trong dầu gan cá, gan, rau quả, trứng…, vitamin D có trong cá biển, dầu gan cá, các sản phẩm từ sữa…Uống đủ nước trong ngày, ít nhất 1,5-2 lít.. Giảm ngứa do thay đổi pH âm đạo bằng cách giữ khô và sạch vùng sinh dục, ngâm rửa vùng sinh dục bằng các thuốc vệ sinh phụ nữ thông thường.
Tóm lại: ngứa trong thai kỳ hiện vẫn là vấn đề y khoa phổ biến, có những trường hợp ngứa vô căn, ít ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi nhưng ảnh hưởng đến sinh hoạt và sức khỏe người mẹ như mất ngủ, mất thẩm mỹ…
Theo Sức khỏe và đời sống