[size=2] Trong cuộc sống có hai thứ mà mỗi người không được quyền chọn lựa, đó là: cha mẹ và nơi sinh ra. Và một điều vô cùng thiêng liêng mà chúng ta không có quyền phân biệt, đó là tình yêu thương của cha mẹ dành cho con cái.[/size]
Tôi rất ấn tượng với bộ phim Đường Sơn đại địa chấn của đạo diễn Phùng Tiểu Cương tái hiện cuộc sống trước và sau trận động đất kinh hoàng năm 1976 ở thành phố Đường Sơn, tỉnh Hà Bắc, Trung Quốc với bao mất mát tang thương mà tôi vừa được xem vào một dịp gần đây.
Phim bắt đầu với một ngày hè nóng nực tại thành phố Đường Sơn, nơi người dân vẫn trải qua một ngày bình thường với công việc, gia đình. Vậy nhưng chỉ sau một đêm, cả thành phố nhỏ xinh đẹp đã trở thành một đống đổ nát khổng lồ. Xác người chết ở khắp nơi, tiếng trẻ con khóc, tiếng những người sống sót kêu than, mọi thứ trở nên hỗn loạn.
Hai chị em sinh đôi Phương Đăng và Phương Đạt mới 7 tuổi bị vùi lấp dưới đống đổ nát. Một tấm bê tông lớn đè lên người hai chị em, mỗi em một đầu. Đội cứu hộ cho biết chỉ có thể cứu được một trong hai đứa trẻ vì nâng đầu này thì tấm bê tông sẽ đè lên đứa trẻ ở đầu kia. Họ yêu cầu người mẹ quyết định chọn một trong hai đứa con của mình. Bà đứng trước sự lựa chọn khó khăn nhất trong cuộc đời, bởi sự lựa chọn nào cũng thật cay nghiệt, Phương Đăng hay Phương Đạt đều là máu mủ yêu thương của bà.
Trong vô thức khi những người lính cứu hộ liên tục giục người mẹ phải quyết định nhanh để họ còn cứu giúp những gia đình khác đang gặp nạn. Người mẹ tuyệt vọng: "Cứu con trai tôi". Phương Đăng bị vùi trong đống bê tông đổ nát đang gõ đá xuống nền để mong cơ hội được cứu sống, nghe thấy mẹ chọn cứu em trai Phương Đạt, những giọt nước mắt đã lăn dài trên má cô bé. Tiếng gọi "Mẹ ơi" đến xé lòng của Phương Đăng như vừa kêu cứu, vừa oán trách mẹ… Người mẹ không biết rằng cô con gái Phương Đăng đã nghe thấy quyết định của mình.
Sau khi lôi được cả hai chị em ra khỏi đống đổ nát, người mẹ đau đớn tột cùng vẫn phải cõng cậu con trai Phương Đạt đi theo đoàn quân cứu hộ để đến địa điểm an toàn hơn. Thân thể cô bé Phương Đăng được đặt lại cạnh xác người cha cùng rất nhiều nạn nhân đã đi về cõi chết khác khi cả tòa nhà họ ở sập xuống. Thế nhưng, tính cách quật cường không chịu lùi bước của Phương Đăng như một phép thần kỳ đã giữ lại tính mạng cho cô bé 7 tuổi. Tỉnh dậy trong cơn mưa tầm tã, bên cạnh xác của người cha, Phương Đăng mang trong mình cú sốc tinh thần lớn và những ký ức đau thương về quyết định của mẹ. Cô bé quyết định giấu danh tính và trở thành con nuôi của một gia đình quân nhân, trong khi người mẹ đẻ và em trai thì đinh ninh Phương Đăng đã chết.
Phương Đăng lúc đó quá nhỏ để hiểu được nỗi đau của người mẹ khi không có sự chọn lựa nào là đúng đắn cả. Một chọn lựa đã làm cho người mẹ như chết đi nhưng rồi bà vẫn phải sống vì những người đã khuất, vì cậu con trai Phương Đạt giờ chỉ còn một cánh tay trái lành lặn… dù cho cuộc sống đó, triền miên nỗi đau đớn dày vò.
Chỉ đến khi… 32 năm sau đã trôi qua, Phương Đăng lúc này đã định cư ở Canada với người chồng ngoại quốc và con gái nhỏ, ngồi trước màn ảnh TV chứng kiến những thảm cảnh kinh hoàng xảy ra trong trận động đất tàn khốc ở tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc năm 2008 - cơn đại địa chấn giết chết 250.000 người, cô biết rằng mình không thể tiếp tục quay lưng với quá khứ được nữa.
Cô trở về Trung Quốc và tham gia vào đội tình nguyện cứu hộ. Ở đây, Phương Đăng đã được chứng kiến khoảnh khắc một người mẹ khác cũng phải đưa ra quyết định có cho người ta cưa đi một chân của con gái mình để cứu em hay không. Người mẹ thổn thức: "Tôi biết sau này nó sẽ hận tôi…." nhưng vẫn phải quyết định để rồi bà lại đau khổ khóc la và bắt đền những người đã cưa chân của bé và cứu bé ra. "Hãy trả lại chân cho con tôi…" Tất cả những gì diễn ra lúc đó đã làm cho Phương Đăng hiểu được phần nào hoàn cảnh, tình cảm và quyết định ngày xưa của mẹ mình.
Để rồi trong hoàn cảnh đó hai chị em Phương Đăng và Phương Đạt, người cũng tham gia vào đoàn cứu hộ tại Tứ Xuyên đã gặp lại nhau sau 32 năm biền biệt. Một trong những cảnh gần cuối phim đã để lại sự xúc động sâu sắc trong lòng người xem là cảnh người mẹ quỳ xuống để xin lỗi con gái mình.
Tất cả như vỡ oà với bao nỗi vui mừng oán trách của người mẹ sau 32 năm không có một chút tin tức gì về con gái: "Tại sao? Tại sao?". Dường như, Phương Đăng sau bao năm trở về vẫn chưa thật sự cảm nhận được hết nỗi đau đã trải qua của mẹ. Chỉ khi cô nhìn lên bàn thờ mình, di ảnh và những trái cà chua đỏ mọng hôm nào mẹ vẫn chăm chút mỗi ngày… nước mắt lăn dài, Phương Đăng mới thấu hiểu lòng mẹ…
Cả gia đình ra thăm mộ cha và cô bé 7 tuổi quật cường mang trong mình sự oán giận bị bỏ rơi năm nào đã ngồi sụp xuống, ôm mặt khóc nức nở. Ba từ "Con xin lỗi" thốt lên không dứt trên môi khi Phương Đăng thấy những trái cà chua mẹ vẫn để dành cho mình, thấy chiếc cặp sách yêu thích lúc bé, thấy những bộ sách giáo khoa của từng năm học mà mẹ mua cho hai chị em. Bởi mẹ vẫn tin rằng ở thế giới bên kia, con gái sẽ nhận được chúng.
Phương Đăng oà khóc và xin lỗi mẹ. Xin lỗi vì đã oán giận mẹ, xin lỗi vì đã không liên lạc với mẹ trong suốt 32 năm…
Trong cuộc sống, đôi khi con trẻ nên học cách tha thứ cho người lớn. Nếu vì một lý do nào đó mà có những khi ta không thể tức khắc nhìn ra nguyên nhân hay thấu hiểu mọi chuyện… thì cũng hãy nhìn cuộc đời một cách bao dung, bởi tất cả chúng ta đều được sinh ra từ tình yêu.
3big_love3 3big_love3 3big_love3 3adore3 3adore3 3adore3 3big_love3 3big_love3 3big_love3