Ảnh cô bé Kim Phúc bị bỏng bom napal năm 1972 ở Trảng Bàng (Tây Ninh) - Ảnh: Huỳnh Công "Nick" Út. |
Phóng viên chiến trường của hãng thông tấn AP Huỳnh Công "Nick" Út chỉ mất 1 giây bấm máy bức hình đen trắng đầy tính hình tượng này 40 năm trước đây. Với bức ảnh này, Nick Út đoạt giải Pulitzer năm 1973 – một giải thưởng mà Nick Út vốn không mặn mà bởi lẽ “buồn nếu được giải vì chụp nỗi đau đồng loại trong chiến tranh”. Song ông cũng ít nhiều cảm thấy tự hào khi nhờ tấm hình này, tờ The Times của Anh ra ngày 28/6/2000 dành một vị trí trang trọng cho cái tin "Quá khứ của Việt Nam đã trở thành lịch sử".
Quả thật 1 giây xuất thần của Nick Út đã truyền tải sự khủng khiếp của cuộc chiến ở Việt Nam bằng một cách mà không từ ngữ nào có thể lột tả nổi.
“Tôi thực sự muốn thoát khỏi cô bé đó…” - bà Kim Phúc – nhân vật chính trong bức ảnh, nay đã 49 tuổi, chia sẻ.
“Nhưng dường như bức ảnh này đã không cho tôi ra đi” - bà nói thêm.
Đó là vào ngày 8/6/1972 khi cô bé Phúc nghe thấy tiếng những người lính cách mạng hô lớn: “Phải chạy khỏi đây ngay! Bọn chúng sẽ đánh bom nơi này!”.
Vài giây sau đó, những cột khói vàng, tím do bom bao trùm lên thánh thất Cao Đài Trảng Bàng - nơi gia đình Phúc trú ẩn suốt 3 ngày trước đó để lánh nạn. Nhưng bom napal ác liệt, đã thiêu cháy rụi hoàn toàn khu thánh thất. Gia đình Kim Phúc lúc này gồm 6 anh em, phải chạy về hướng Sài Gòn tìm sự sống. Lúc này, chị Kim Phúc (tức đứa bé gái trong ảnh) bị bom cháy nóng quá nên phải xé bỏ tất cả quần áo trên người để chạy, trong khi da thịt trên lưng vai cô đang rụng dần vì phỏng độ 3. Bức ảnh được chụp khi Kim Phúc và một số trẻ em Việt Nam vừa khóc vừa chạy tại ngay Ngã Ba Trảng Bàng sau khi bị dội bom napal. Cô bé bị bỏng nặng và cháy hết quần áo. Sau đó, cô bé bất tỉnh.
Chính Nick Ut, lúc đó là một phóng viên ảnh 21 tuổi đã chụp lại được thời khắc lịch sử đó. Anh chạy tới đưa Phúc tới bệnh viện. Nick Ut kể lại rằng lúc đó anh rất sợ hãi cô bác sĩ có thể không sống sót nổi, nhưng anh đã dùng thẻ nhà báo và yêu cầu bác sĩ chữa trị cho cô bé.
“Tôi đã khóc khi thấy cô bé chạy. Nếu tôi không giúp cô bé, nếu có chuyện gì đó xảy ra và cô bé chết, tôi nghĩ tôi cũng sẽ tự kết liễu đời mình sau đó” - Út cho biết.
Khi bức ảnh cô bé Kim Phúc được đưa về tòa soạn, mọi người sợ rằng nó sẽ không được dùng vì chính sách rất khắt khe của hãng thông tấn này đối với “hình khỏa thân”. Tuy nhiên, biên tập viên hình ảnh Horst Faas vốn là một cựu chiến binh đã khẳng định đây là bức hình đáng để phá bỏ luật lệ. Ông tranh luận rằng giá trị thông tin của bức hình này vượt xa mọi lo ngại về chuyện luật lệ của AP và ông đã thắng.
Vài ngày sau, bức hình khiến thế giới bị sốc.
Sau 13 tháng điều trị hàng loạt những vết bỏng nặng, bé Phúc được ra viện, cô có thấy bức hình của “Nick” Út nhưng không thể ngờ là bức hình đó được nhận giải Pulitzer năm 1973 lại có giá trị lớn tới vậy. Cô bé chỉ muốn về nhà và lại được là một cô bé.
Năm 1982, một ký giả Tây Đức đã tìm ra tung tích của cô bé gái trong bức hình là Kim Phúc.
Ngoài giải Pulitzer, bức ảnh trên của Nick Út chụp còn gặt hái vô số những giải thưởng quốc tế như giải Sigma Delta Chi, George Polk Memorial (1972), Overseas Press Club, National Press Club, The Lucie, Associated Press Managing Editors… Bức ảnh được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất thế kỷ 20 do Đại học Columbia bình chọn.
Tại Bảo tàng Khoa học London (Anh) - nơi trưng bày bức ảnh Kim Phúc, ông Andrew Nahum - nhà tổ chức - nói: "Tôi tìm nhiều nhiếp ảnh gia nổi tiếng và các bức ảnh nổi tiếng về con người, nhưng không thấy bức nào xúc động mạnh mẽ như bức ảnh Kim Phúc của Nick Út". Nữ hoàng Anh Elizabeth II cũng đến dự lễ khai trương. Gặp Kim Phúc xinh đẹp đứng bên bức ảnh, Nữ hoàng thăm hỏi: "Có phải cô đấy không?".
Gặp Kim Phúc xinh đẹp đứng bên bức ảnh, Nữ hoàng Anh thăm hỏi: "Có phải cô đấy không?". |
Năm 1986, Kim Phúc sang Cuba học ngành y. Tại đây bà gặp được chồng tương lai của mình. Từ năm 1992, gia đình bà chuyển sang định cư tại Canada.
Kim Phúc kết hôn tại Cuba. |
Sau bốn thập kỉ, bà Kim Phúc nay đã là mẹ của hai cậu con trai. Cuối cùng, bà đã có thể nhìn vào bức hình khỏa thân của mình và hiểu được tại sao nó vẫn còn sức mạnh tới vậy.
“Phần lớn mọi người biết bức hình đó nhưng biết rất ít về cuộc đời tôi. Tôi rất biết ơn… tôi có thể chấp nhận bức hình đó là hình tượng của một bé gái đầy sức sống. Điều đó đã thúc đẩy tôi làm việc, cống hiến nhiều hơn cho hòa bình” - bà Phúc chia sẻ.