Những mảnh đời bất hạnh, những hoàn cảnh đáng thương, những số phận éo le… đang lấy đi biết bao nước mắt và sự cảm thông của mọi người. Có bao nhiêu phần trăm là sự thật?

Ông Lập đang than nghèo kể khổ trong chương trình Trái tim nhân ái
(Phía dưới màn hình là dòng chữ chạy danh sách các nhà hảo tâm giúp đỡ)
Tóm tắt sự việc thế này: Chương trình từ thiện Trái tim nhân ái của đài PT-TH Vĩnh Long số 90 thực hiện bài phóng sự và trao tiền mổ tim cho bé N., con ông Phan Văn Lập (Bạc Liêu). Chương trình vừa phát sóng đêm 28/9 thì chỉ vài ngày sau, hàng ngàn người dân xứ Bạc Liêu đã bất bình và thực sự nổi giận khi thấy mình bị lừa gạt trắng trợn. Trong cái phóng sự ấy, gia đình ông Lập được những người thực hiện "vẽ" nên như một hoàn cảnh rất thương tâm, gia đình đang hết sức khó khăn, hiện sống trong một căn nhà chật chội, tồi tàn. Hai vợ chồng ông phải bôn ba, làm lụng vất vả khắp nơi (vợ đi làm mướn ở Bình Dương, chồng đi giữ vuông tôm thuê) nên không có điều kiện kinh tế để chữa bệnh tim cho cô con gái út.
Nhưng thực tế ra sao?
Ông Lập nghèo khổ, đáng thương trong cái phóng sự mủi lòng kia thật ra là… ông chủ của xưởng tiện Lập Thành ở ấp Cái Cùng, xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải, tỉnh Bạc Liêu. Sau này, được ông trưởng ấp Nguyễn Trung Thành xác nhận với báo chí là gia đình ông Lập thuộc hộ… giàu có ở địa phương. Vợ ông Lập chẳng có đi làm mướn ở Bình Dương như trong phóng sự đã tả. Ông Lập cũng không phải là người đi làm thuê, giữ vuông tôm cho người khác mà ông Lập chính là… ông chủ của vuông tôm đó (8.000m2), đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch, dự kiến sẽ thu lợi nhuận hàng trăm triệu đồng. Ngôi nhà tồi tàn mà cả gia đình ông chen chúc, khổ sở trong phóng sự chính là… gian bếp, nằm ngay phía sau ngôi nhà thật mà gia đình ông đang sinh sống.
Sau khi sự việc bị phát giác, đại diện Đài PT-TH Vĩnh Long đã lên tiếng rằng họ cũng bị ông Lập… lừa gạt (!?). Thật hèn nhát và lố bịch khi nhà đài lại né tránh trách nhiệm theo kiểu "Chí Phèo" như thế. Bởi nếu đối chứng lại nội dung trong phóng sự và hoàn cảnh thực tế, nó vô lý đến mức những người lạc quan nhất cũng giật mình: ông Lập hay chính những người thực hiện chương trình đang lừa gạt lòng nhân ái của mọi người?

"Ngôi nhà" tồi tàn, rách nát của gia đình ông Lập trong phóng sự…

… chính là gian bếp phía sau của căn nhà tường này, nơi ông Lập đang sinh sống thực sự!

Còn đây là xưởng tiện Lập Thành của ông Lập, nằm… cạnh bên ngôi nhà trên.
Ông Lập có ý lừa đảo? Dĩ nhiên rồi. Nhưng hoàn cảnh thực tế và cá nhân ông Lập không có khả năng lừa được bất cứ một người dân bình thường nào có điều kiện thẩm định. Chứ đừng nói là lừa gạt được cả một ê kíp chương trình truyền hình toàn những người học cao hiểu rộng, được đào tạo bài bản về chuyên môn lẫn nghiệp vụ báo chí.
Có thể đổ thừa trên lý thuyết, rằng ê kíp thực hiện chương trình ấy đã thiếu trách nhiệm, khi không liên hệ với chính quyền địa phương và tiếp xúc với hàng xóm xung quanh - một bước cơ bản và quan trọng nhất - để xác minh tính chân thật của các hồ sơ tham gia chương trình từ thiện. Nhưng những phóng viên thực hiện phỏng vấn và quay phim, lẽ nào bữa ấy lại không mở mắt nhìn? Để nhận ra "căn nhà" mà họ đang quay, đang thuyết minh, đang thở than với khán giả truyền hình là nơi ở tồi tàn của cả gia đình ông Lập, lại là một gian bếp rất phổ biến ở vùng quê, và nó ở ngay phía sau căn nhà thật?
Thật khó mà phân định rạch ròi chuyện ai chủ mưu lừa gạt ở đây, khi những người thực hiện chương trình đã "bắt" bà chủ xưởng tiện Nguyễn Thị Ngọt (vợ ông Lập) xách dao ra vườn tìm cỏ dại chặt búa xua, nhổ lia lịa để "minh họa" cho việc đi làm thuê vất vả tận Bình Dương nhằm kiếm tiền nuôi con bệnh. Còn bao nhiêu hình ảnh trong phóng sự này - đáng lẽ phải là những sự thật trước mắt - được tập thể "diễn viên" trơ trẽn diễn trước lòng hảo tâm của khán giả xem đài?
Thực hiện các chương trình từ thiện, sự nghiêm túc ắt phải khác hoàn toàn với các Game show nhí nhố, thư giãn hoặc đùa vui. Và việc quay phóng sự về các hoàn cảnh đáng thương, những mảnh đời bất hạnh… mục đích chính là để lay động tình cảm, khơi gợi niềm trắc ẩn, lòng hảo tâm và sẻ chia đồng loại trong mỗi con người chúng ta. Nên điều cần nhất, chắc chắn phải là tính chân thật của câu chuyện: người thật, cảnh thật, việc thật; chứ không phải dựng khống lên và diễn!
Có lẽ, sự việc này rồi cũng sẽ chìm vào im lắng. Những người có liên quan và trách nhiệm trong ê kíp thực hiện Trái tim nhân ái của đài PT-TH Vĩnh Long khi bị chất vấn rồi sẽ đổ thừa tất cả vào ông Lập. Cùng lắm là một "con chốt" nào đó sẽ xuất hiện công khai thừa nhận khuyết điểm rằng mình đã làm việc… tắc trách.
Nhưng đã đến lúc mọi việc cần được phân biệt rõ. Tắc trách - đó là thái độ làm việc cẩu thả, qua loa, thiếu tinh thần trách nhiệm. Còn việc cố ý tạo dựng và quay những hình ảnh rồi thuyết minh nó không đúng với thực tế hiển hiện mình nhìn thấy - nhằm tạo lòng tin ở người khác - thì dứt khoát, đó là một hành động lừa đảo. Dù mức độ và bản chất trong từng việc cụ thể sẽ ít nhiều khác nhau.
Không thể võ đoán mà vội vàng kết luận rằng, một vài người (hoặc toàn bộ) trong ê kíp chương trình đã tiêu cực, "nhỏ to" rồi thỏa hiệp với ông Lập nhằm lừa đảo trắng trợn lòng hảo tâm của mọi người. Nhưng chẳng thể chối cãi, việc chúng ta đã không quyết liệt với cái xấu và thói vô trách nhiệm trong sự kiện "cô Lượm" trước đó, đã tạo điều kiện cho một "ông Lập" đường hoàng xuất hiện tiếp theo, với các tình tiết táo tợn và phi lý hơn.
Hậu quả ở đây, không chỉ là sự sụt giảm nghiêm trọng lòng tin của đa số khán giả vào chương trình Trái tim nhân ái trên đài PT-TH Vĩnh Long. Mà cụ thể, chắc chắn đâu đó đang có một hoàn cảnh thật sự đáng thương, đang rất cần vào sự sẻ chia và trợ giúp của cộng đồng. Nhưng trái tim trẻ thơ yếu ớt ấy đã chậm, hoặc sẽ mãi mãi không bao giờ có cơ hội được phẩu thuật để chữa lành nữa. Bởi, cơ hội ấy đã bị những người lớn "hồn nhiên" tước đoạt.
Mà như thế, rõ ràng là một tội ác!
P/s: Giám đốc đài PT-TH Vĩnh Long nên từ chức để làm gương về trách nhiệm của người lãnh đạo. Toàn bộ ê kíp thực hiện chương trình phải bị sa thải và đền bù tất cả thiệt hại đã phát sinh. (Hy vọng viễn vông).
Hình ảnh: Internet.