Ca sĩ “bốc lửa” để “câu” khán giả Một ca sĩ tâm sự, khi các thành viên ban nhạc ăn mặc bốc lửa hơn, mát mẻ hơn mới được khán giả vỗ tay cổ vũ nhiều hơn, được bầu sô mời nhiều hơn, đồng nghĩa với việc kiếm sống khá hơn.
[size=1]Nhóm 5Dòng kẻ - được nhiều người đánh giá là ngày càng hát hay và lựa chọn trang phục có “gu” hơn.[/size]
Mặc dù thừa nhận trang phục, ca khúc, phong cách biểu diễn của ca sĩ không phụ thuộc vào khán giả mà phụ thuộc vào mức độ cảm thụ, trình độ tư duy, thẩm mỹ của chính ca sĩ nhưng bị trao giải nghệ sĩ ăn mặc phản cảm nhất, Mai Thanh, Trưởng nhóm nhạc The Bell vẫn bức xúc: Bản thân cô và các bạn không hiểu sao lại bị trao giải này vì mỗi khi diện một bộ cánh mới đi biểu diễn đều được các bạn diễn xúm lại khen lạ, khen đẹp. Cô không biết dựa theo tiêu chí nào để xác định ăn mặc phản cảm và không phản cảm.
Nhiều bài hát bị coi là phản cảm, ca từ dễ dãi nhưng vẫn được cơ quan quản lý cấp giấy phép xuất bản, cho lưu hành và vẫn thu hút công chúng, đặc biệt là khá đông công chúng nông thôn, vùng sâu vùng xa…
Ca sĩ trẻ Minh Thảo, thành viên nhóm nhạc Nhật Nguyệt khá thật thà khi kể rằng nhóm của cô đã có thâm niên trong nghề cả 6 năm nay, đi hát đủ các môi trường khác nhau nhưng chỉ thời gian gần đây, khi các thành viên ăn mặc bốc lửa hơn, mát mẻ hơn mới được khán giả vỗ tay cổ vũ nhiều hơn, được bầu sô mời nhiều hơn, đồng nghĩa với việc kiếm sống khá hơn.
Riêng ca sĩ Kỳ Phương cũng khẳng định: Ngày nay khán giả thích ca sĩ nào mới đến với chương trình có ca sĩ đó tham gia. Họ xem ca sĩ biểu diễn là chính. Nếu nghe thì đã có đủ thứ phương tiện hiện đại hơn, nằm nhà nghe cũng được. Khi bước lên sân khấu, có thể ca sĩ hát không hay nhưng chỉ cần hát nhép, trang phục, vũ đạo ấn tượng, ngoại hình đẹp, khán giả vỗ tay là lần sau sẽ tiếp tục được mời, phải có tiền để sống rồi mới tính đến học cao hơn, làm nghệ thuật chân chính hơn.
Kiến thức học trong nhà trường rất nhiều nhưng chỉ là kiến thức nền, sinh viên thiếu hẳn những kiến thức phổ thông, thực tế. Họ vừa phải kiếm sống, vừa tự học, tự trang bị kiến thức cho mình. Sự yếu kém của chính người biên tập chương trình cũng là một nguyên nhân dẫn đến chất lượng chương trình kém.
Hầu hết các ca sĩ trẻ đều khẳng định là ca sĩ ai cũng muốn cho mình đẹp, hát hay, được công chúng yêu mến thực sự. Không ai muốn giống ai. Trong quá trình tự mày mò, thích nghi với đời sống chắc chắn có những sai sót đáng tiếc nhưng chưa nhận ra để điều chỉnh kịp thời. Các ca sĩ trẻ chưa có những địa chỉ sinh hoạt nghề nghiệp tin cậy để được chia sẻ, góp ý chân thành, những bài học kinh nghiệm từ thế hệ đi trước…
Nghệ sỹ nhân dân Đặng Hùng, một trong những người được coi là thường phê phán rất thẳng thắn những nhược điểm chương trình của các nghệ sĩ trẻ hiện nay cũng không thể không thừa nhận: Tự tìm hướng đi học, bồi dưỡng tại nước ngoài rồi về tự sáng tạo, bắt chước làm được như các bạn trẻ hiện nay đã là một kết quả rất đáng khích lệ.
Tuy nhiên, nói theo cách của họa sỹ, nhà thiết kế Sỹ Hoàng và nhạc sĩ Trần Xuân Tiến, Trưởng phòng Văn hóa văn nghệ, Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM thì không thể vì mưu sinh mà quên đi chức năng của nghệ thuật nói chung, của âm nhạc nói riêng là phải làm cho cuộc đời tốt đẹp hơn, cho đời sống tinh thần phong phú hơn.
Trong khi chờ đợi sự chuyển đổi mang tính vĩ mô từ phía Nhà nước, để giúp ca sĩ trẻ tìm được hướng đi đúng trên con đường hoạt động nghệ thuật của mình, giải pháp cấp bách trước tiên là những buổi tổ chức sinh hoạt nghề nghiệp thật cởi mở, tập hợp được đông đảo nghệ sĩ thuộc nhiều thế hệ cùng tham gia, góp ý chân thành, sửa chữa nhược điểm cho nhau…
Nhạc sĩ Trần Xuân Tiến cũng cho biết, anh đang cố gắng để tổ chức được những buổi sinh hoạt như thế. Riêng về địa điểm sinh hoạt, Chánh văn phòng Viện Nghiên cứu xã hội TPHCM, bà Nguyễn Minh An cũng đã hứa sẵn sàng giúp đỡ. Tuy nhiên, yếu tố cơ bản vẫn là ý thức của người ca sĩ.
Dân Trí