1. Mèo rừng Felis bengalensis
Loài thú này có kích thước lớn hơn mèo nhà, nặng 3-5 kg, thân dài 45-55cm. Lông mềm, màu vàng trắng điểm nhiều đốm đen không đều, quanh đốm đen viền vàng nâu. Bụng và chân màu xám trắng. Thức ăn chủ yếu là chuột. Đây là loài mèo được ghi nhận là phân bổ nhiều nhất ở Việt Nam. Chúng sinh sống ở hầu khắp các dạng rừng: thường xanh, khô hạn, phục hồi…
2. Mèo bắt cá Felis viverrina
Với bộ lông ngắn, hơi thô màu cơ bản xám hoặc lông sỉ, có nhiều đốm nhỏ thẫm mờ dọc sườn. Đuôi ngắn, xám sẫm, có đốm đen từ gốc đến mút đuôi. Thức ăn chủ yếu của loài mèo xinh đẹp này là các loài cá, đôi khi chúng cũng ăn các loài thú nhỏ như chim, chuột. Chúng sống ở vùng thấp, bụi cây ven rừng, dọc sông suối, ao đầm, ven biển, rừng ngập mặn và sống đơn độc. Đây là loài thú quý hiếm và hiện đang bị đe doạ tuyệt chủng vì các sinh cảnh nơi chúng sinh sống đang bị con người chia cắt, tàn phá để lấy đất nông nghiệp và xây dựng khu du lịch sinh thái.
3. Mèo gấm Pardofelis marmorata
Loài mèo có bộ lông đẹp nhất trong họ hàng nhà mèo rừng. Chúng thường bị con người săn bắt lấy da, lông nên số lượng của loài này rất dễ bị tuyệt chủng trong tự nhiên. Sống chủ yếu ở rừng sâu cây gỗ lớn, nhiều tầng tán. Hoạt động và tìm kiếm thức ăn ban đêm trên mặt đất. Với kích thước nhỏ nhắn, chúng cũng là loài có thể sống ở nhiều độ cao khác nhau. Những ghi nhận mới nhất về loài này được tìm thấy ở độ cao trên 2.000m thuộc Vườn quốc gia Hoàng Liên (Lào Cai).
4. Mèo ri Felis chaus
Đây thực sự là loài mèo được biết đến ít nhất ở Việt Nam. Các nhà khoa học chỉ phát hiện ra chúng ở Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát (Tây Ninh), giáp với biên giới Campuchia vào những năm 1976-1978 và hiện nay hầu như không còn bất cứ ghi nhận mới về loài này ở Việt Nam. Nơi sống của chúng là ở vùng cây bụi, bìa rừng vùng cỏ lau sậy dọc sông suối, ao đầm. Có thể gặp chúng ở những làng bản cũ, nhà gạch, chùa chiền, miếu hoang lâu năm.
5. Mèo nhà Felis domestica
Giống mèo này chắc không cần nói nhiều, vì phần lớn trong nhà mỗi thành viên chúng ta đều có một em. Được thuần chủng khoảng 6.000 năm trước công nguyên ở Ai Cập cổ đại và được du nhập châu Âu. Các loài ở châu Á hiện vẫn chưa xác định được nguồn gốc chính xác. Chúng là loài vật nuôi được cưng chiều trong nhiều gia đình và là người bạn thân thiết của chúng ta. Do được thuần chủng nên ngoài thức ăn là chuột chúng còn ăn các loài thức ăn khác của con người.
(Nguồn: yeudongvat.org)