[size=2]Cấm đào tạo: Xin thưa là có![/size]
Người viết bài này rất ngạc nhiên khi trả lời báo chí mới đây, Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD và ĐT) Trần Thị Hà nói: "Còn quy định trường ngoài công lập không được mở các ngành sư phạm, luật và báo chí không phải là "cấm". Thực tế, từ trước đến nay, chưa có trường ngoài công lập nào mở ba ngành đào tạo này".
Nói vậy, không phải vậy
Khi trao đổi về một chủ trương mới, nhất là trên công luận, thiết nghĩ, các cán bộ quản lý có trách nhiệm của ngành giáo dục và đào tạo cần nắm vững vấn đề và có cách diễn đạt chính xác. Nếu chẳng may, do tư duy xơ cứng, bảo thủ, hoặc do chưa nắm được bản chất của chủ trương mà phát biểu, rất có thể người có trách nhiệm nói sai lệch đi, những trao đổi của đại diện với công luận sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.
Việc Bộ GD và ĐT có ý định cấm các trường ngoài công lập đào tạo ngành luật, báo chí và sư phạm, có hay không? Xin thưa là có, không phải chỉ bây giờ, mà chủ trương này đã xảy ra hàng chục năm trước.
Vì vậy, người viết bài này rất ngạc nhiên khi trả lời báo chí mới đây, Vụ trưởng Vụ Đại học (Bộ GD và ĐT) Trần Thị Hà nói: "Còn quy định trường ngoài công lập không được mở các ngành sư phạm, luật và báo chí không phải là "cấm". Thực tế, từ trước đến nay, chưa có trường ngoài công lập nào mở ba ngành đào tạo này".
Có vẻ như cách tư duy "cấm" có nguồn gốc sâu xa và có tính hệ thống. Hơn nữa, thái độ và những lý do người ta đưa ra lại không trung thực.
Thực tế không phải như vậy, mà ngược lại thì đúng hơn. Cách đây khá lâu, vào giữa những năm chín mươi của thế kỷ trước, khi những trường đại học dân lập đầu tiên xin được mở và đi vào hoạt động, trường nào cũng "nhăm nhăm" xin mở ngành luật và báo chí. Đơn giản, đây là hai ngành "thời thượng" nhất lúc bấy giờ.
Hơn nữa, theo quy luật, những trường đại học dân lập mới mở, cơ sở vật chất còn nghèo nàn, họ chỉ né những ngành khoa học cơ bản và những ngành yêu cầu những phòng thí nghiệm phức tạp.
Khi cấp giấy phép, người ta rất hạn chế cho các trường dân lập mở ngành luật và báo chí. Nhưng trên thực tế, cũng đã có những trường xin phép mở được ngành báo chí. Đó là Trường đại học dân lập Đông Đô (được thành lập năm 1994). Trường đã mời PGS-TS Đỗ Xuân Hà về phụ trách chuyên ngành này và đã tuyển hàng trăm sinh viên.
Tôi nhớ hàng trăm sinh viên đã thất vọng như thế nào. Trường phải "chữa cháy" bằng cách chuyển họ sang học ngành thư viện- tư liệu, thông tin đối ngoại, quan hệ quốc tế…
Nói lại như vậy để thấy Vụ trưởng Trần Thị Hà đã phản ánh không đúng thực tế, đồng thời khẳng định tư tưởng cấm các ngoài công lập đào tạo báo chí, luật, sư phạm đã có từ lâu.
Tư duy lạc hậu đi ngược lại xu thế phát triển
Đành rằng các trường đại học ngoài công lập của chúng ta hiện nay chưa chiếm được niềm tin của xã hội. Nhưng với việc không tiêu tiền ngân sách nhà nước, mà đã đào tạo được hàng trăm ngàn người tốt nghiệp đại học, đấy là điều cần đáng ghi nhận.
Và điều quan trọng là sự xuất hiện của các trường ngoài công lập, trong tương lai, nhất định sẽ tạo ra sự cạnh tranh, sự đối trọng mà muốn hay không, các trường đại học công lập phải tự vươn lên khẳng định vị thế của mình, tự tìm nhiều giải pháp để phát triển tốt và trở thành những cơ sở đào tạo có chất lượng.
Xin đừng quên rằng, đó cũng là quy luật cuộc sống, quy luật của sự phát triển. Trên thế giới hoặc ngay ở Mỹ, nhiều trường đại học nổi tiếng lại là trường tư thục. Đại học Harvard của Mỹ là một ví dụ.
Việc Bộ GD và ĐT không cho phép các trường ngoài công lập mở các ngành báo chí, luật, sư phạm; không chỉ trái luật, tạo tiếp tiền lệ phân biệt đối xử, mà đó nó còn là biểu hiện của thái độ cửa quyền, tư duy lạc hậu và đi ngược lại xu thế phát triển.
Về nguyên tắc, bất cứ trường nào có đủ điều kiện để đào tạo ngành nào (chủ yếu là số giảng viên cơ hữu có học hàm, học vị) thì đều được phép tuyển sinh và đào tạo. Đấy là biểu hiện bình thường của một xã hội dân chủ, bình đẳng và tiến bộ.
Nếu thực hiện nghiêm chỉnh các quy định, hiện nay ở nước ta cũng không có nhiều trường đại học ngoài công lập có thể mở ngành báo chí. Nhưng các trường không đủ điều kiện mở là một chuyện, còn cấm các trường mở lại là chuyện khác!
Trong quản lý, chúng ta thường có tâm lý ảo tưởng "cấm" là thể hiện của sư quyền lực, của uy quyền. Nhưng thực ra đó lại là một trong những biểu hiện của sự bất lực. Nhiều văn bản trước đây, kiểu như "cấm học thêm, cấm luyện thi" cho thấy rõ bản chất của vấn đề này. Không quản được thì cấm, mà muốn độc quyền ban phát cơ chế xin- cho với cơ sở, cũng có thể "cấm".
Nghiên cứu các nền giáo dục đại học phát triển trên thế giới, các trường ngoài công lập khi nào cũng sử dụng ngân sách có hiệu quả hơn; nhanh nhạy hơn trong việc cập nhật tri thức mới. Vì vậy, không cấp quản lý GD nào ngăn cấm các trường này hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học trong bất cứ lãnh vực gì, trừ những lĩnh vực đặc thù liên quan đến an ninh, quốc phòng thực thụ, mà chỉ các trường công lập của nhà nước mới có tiềm lực đầu tư các thiết bị kỹ thuật tốn kém và đủ năng lực đào tạo.