Thành phần chính của bánh trung thu là bột, đường, bơ, mỡ lợn. Vỏ của các loại bánh trung thu truyền thống cũng như các loại nhân đậu, nhân hạt sen… đều được tẩm ướp rất nhiều mỡ và đường. Chính vì vậy bánh trung thu có độ béo và ngọt rất cao.
Trứng muối và các loại hạt trong nhân bánh cung cấp một lượng cholesterol đáng kể. Hàm lượng muối cao trong bánh cũng có thể trở thành gánh nặng cho thận và hệ tim mạch. Bánh nướng, bánh dẻo là thứ quà ngon nhưng xét về mặt sức khỏe, đây không phải thực phẩm bổ dưỡng và chỉ nên thưởng thức một cách chừng mực.
Ảnh minh họa: Bhmpics.com. |
Chẳng những không tốt cho sức khỏe nói chung, bánh trung thu còn khiến bạn tăng cân. Trung bình một chiếc bánh tròn cỡ 10x4 cm cung cấp 800-1.200 calo (càng nhiều lòng đỏ trứng, năng lượng càng cao), 5-12 g protein, 60-90 g cacbohydrat và 30-45 g chất béo. Một mẩu bánh trung thu nhân trứng muối nặng 60 g cung cấp khoảng 200 calo. Một phụ nữ cân nặng 55 kg cần đi bộ một giờ để đốt cháy phần năng lượng này.
Để dễ hình dung, có thể lấy ví dụ nam giới độ tuổi 31-50 hoạt động thể lực mức trung bình cần 2.400-2.600 calo mỗi ngày, nữ giới độ tuổi này cần 2.000 calo. Ăn một chiếc bánh trung thu là bạn đã nhận đủ năng lượng cần thiết cho một bữa ăn chính. Tốt nhất là nên chia bánh thành nhiều phần nhỏ và cùng ăn với bạn bè, gia đình, ăn chậm và hạn chế.
Trà là thức uống tốt nhất đi cùng bánh trung thu. Trà xanh hay trà ô long hợp với bánh có vị mặn và trà hoa cúc hợp hơn với bánh có vị ngọt. Những loại trà này chứa axit acetic, giúp tiêu hóa và phân giải chất béo tốt hơn. Tránh dùng cà phê hoặc trà quá đặc khi ăn bánh vì những thức uống này rất giàu caffein. Đồ uống chứa cacbohydrat như cola lại chứa nhiều năng lượng và đường, càng làm trầm trọng thêm tác dụng gây béo của bánh trung thu.
Bác sĩ Trần Thu Thủy