Đôi mắt ầng ậng tìm bóng người thân
Ngày 19/7/2010, Văn phòng Dân trí tại TP. HCM nhận được thông tin tại Bệnh viện Nhi Đồng II có một em bé bị bố mẹ bỏ rơi đang trong cơn nguy kịch. Phóng viên Vân Sơn được phân công đến tìm hiểu để viết bài trên mục Tấm lòng Nhân ái. Khi đến nơi, Vân Sơn đã không cầm được nước mắt khi bắt gặp hình ảnh "Trên chiếc giường cuối cùng trong Khoa hồi sức, một bé gái bị bệnh nặng đã điều trị nhiều tháng nay. Mỗi ngày trôi qua, sự sống của em như đang dần ngắn lại, sinh linh bé nhỏ ấy mới chào đời được hơn một tháng đã bị cha mẹ bỏ lại bệnh viện. Chưa được đặt một cái tên cụ thể để ghi dấu sự xuất hiện của mình nơi trần thế, em đã phải đối mặt với tử thần".
Bé Nhân ái trên giường bệnh với đủ bệnh tật mang trên người, nhưng đau đớn nhất khi em bi cha mẹ bỏ rơi suốt 10 tháng ở bệnh viện
Phóng viên Vân Sơn đã bật khóc khi chứng kiến hình ảnh "Hai bàn tay yếu ớt cựa quậy khó nhọc như muốn gỡ bỏ mớ ống trợ thở lòng thòng trên mũi. Đôi mắt ầng ậng khẽ đưa qua đưa lại như đang khao khát được nhìn thấy hình bóng của người thân". Đã hơn nửa năm, bé chưa một lần có được bàn tay chăm sóc của cha mẹ.
Các bác sĩ cho biết, bé bị bệnh màng chắn môn vị và bệnh tim bẩm sinh. Tuy đã được phẫu thuật màng chắn môn vị nhưng sau ca mổ, sức khoẻ của bé rất yếu. Vì phải thở oxy lâu ngày nên bé bị biến chứng loạn sản phế quản phổi. Bên cạnh đó, bé còn mắc phải di chứng não, nhiễm trùng tại vết mổ, da lở loét nhiều nơi… Cơ thể yếu ớt lại không được sự quan tâm chăm sóc của người thân nên bé bị suy dinh dưỡng nặng. Hơn 8 tháng tuổi mà đứa bé tội nghiệp, chưa đến 3,4kg. Theo hồ sơ của bệnh viện, bố mẹ cháu là Nguyễn Đức Trọng và Vũ Thị Dung, quê ở Hưng Yên.
Sau khi sinh ít ngày, họ đưa bé đến BV Nhi Đồng 2 điều trị. Nhưng chỉ khoảng một tháng sau, khi bác sĩ gọi tên người nhà bệnh nhân thì không thấy. Và cũng từ đó, họ chưa từng một lần xuất hiện trở lại bên giường bệnh của đứa con thơ. Do bé chưa được đặt tên nên dựa theo hồ sơ, các bác sĩ ở đây gọi bé là con bà Vũ Thị Dung. Vì vậy, TBT báo Dân trí Phạm Huy Hoàn đã trực tiếp đặt tên cho bé: Nhân Ái.
Sự xúc động, yêu thương tràn ngập
Bài báo ngay lập tức gây sự xúc động sâu sắc trong lòng hàng triệu bạn đọc. Ngày 21/7, hàng trăm độc giả Dân trí đã trực tiếp đến thăm cháu. Để đảm bảo an toàn, các bác sĩ ở phòng cách ly của bệnh viện phải chia những người đến thăm thành từng tốp 10 người, cứ 5 - 10 phút vào thăm một lần. Không ít người vừa bước đến cửa phòng đã bật khóc, vụt quay trở ra. Ngoài số tiền 5 triệu đồng được TBT báo Dân trí trích từ Quỹ Tấm lòng Nhân ái trao tặng, chỉ riêng ngày hôm đó, hàng trăm bạn đã trao tặng hơn 50 triệu đồng giúp cháu chữa bệnh.
Hình ảnh bạn đọc đến tòa soạn Dân trí để mong được giúp đỡ, chia sẻ nỗi đau của bé Nhân ái
Sang ngày 22/7, số bạn đọc ủng hộ bé Nhân Ái đã lên đến hàng ngàn. Ngay lập tức, Hội "Cha mẹ bé Nhân Ái" được các ông bố, bà mẹ tự thành lập nhằm trông nom, chăm sóc bé Nhân Ái. Văn phòng đại diện báo Dân trí tại TP. HCM luôn chật ních người. Không chỉ đường dây nóng của Văn phòng quá tải, tất cả số điện thoại của phóng viên, nhân viên đều nóng bỏng. Nhiều bạn đọc từ nước ngoài như Mỹ, Pháp, Canada, Nga… gọi điện về hỏi thăm, chia sẻ và giúp đỡ. Anh Nguyễn Anh Tuấn, gọi từ Mỹ với giọng xúc động: "Hình ảnh của sinh linh bé nhỏ, đơn độc chống lại bệnh tật luôn ám ảnh tôi. Tôi muốn nhờ Dân trí tìm giúp người hộ lý chăm sóc riêng cho cháu 24/24. Tốn kém bao nhiêu vợ chồng tôi cũng sẵn lòng chi trả".
Tại bệnh viện, tình cảm yêu thương của bạn đọc đã khiến tất cả các thầy thuốc của bệnh viện bất ngờ. BS Vũ Hiệp Phát, Phó Trưởng Khoa hồi sức, người trực tiếp điều trị cho bé Nhân Ái thốt lên: "Tôi rất bất ngờ và cảm kích trước nghĩa cử cao đẹp của báo Dân trí và các nhà hảo tâm dành cho bé. Sự chia sẻ này sẽ giúp bé không còn cô độc. Chúng tôi sẽ làm hết sức mình để cứu cháu". Một bác sĩ ở Đức cho biết ông đang thu xếp về Việt Nam thăm cháu sớm nhất để cùng xem xét thêm về bệnh tình của cháu. Mỗi ngày có đến hàng trăm độc giả đến bệnh viện đề nghị được vào thăm Nhân Ái. Do số ngưởi đến thăm quá đông, để tránh nhiễm trùng cho bé, bệnh viện phải cử nhân viên trực hướng dẫn và giải thích cho các mẹ, các chị thông cảm.
Một người mẹ tâm sự: "Con gái bé bỏng ơi! Sao số phận của con lại bất hạnh đến thế này?". Rồi nước mắt giàn giụa, chị ôm mặt lao nhanh ra khỏi phòng bệnh. Số tiền bạn đọc giúp đỡ Nhân Ái tăng lên từng phút. Tính đến ngày 23/7, tổng số tiền ủng hộ từ những tấm lòng nhân hậu đã lên đến 700 triệu đồng. Một khối lượng rất lớn khăn tã, sữa và đồ chơi được bạn đọc chuyển tới Tổ trợ giúp bệnh nhân nghèo của Bệnh viện.
Thành lập tổ phóng viên chuyên trách 24/24
Do yêu cầu của độc giả mong muốn được cập nhật thông tin, Ban biên tập báo Dân trí đã cử hẳn một tổ chuyên trách trực 24/24 giờ để phản ánh mọi diễn biến dù nhỏ nhất về bệnh tình của Nhân Ái. Đồng thời tiếp nhận sự giúp đỡ và trả lời hàng ngàn comment của bạn đọc gửi về tòa soạn.
Trên báo Dân trí, chuyên mục "Nhật ký bé Nhân Ái" ra đời phản ánh từng diễn biến nhỏ nhất về tình hình sức khỏe của bé từng ngày, thậm chí từng giờ. 18giờ 40 ngày 3/8, "Nhấn Ái vẫn thở máy, nuôi bằng đường tĩnh mạch". Ngày 4/8, "Nhân Ái sốt cao và mệt hơn hôm qua". 19 g ngày 5/8, Nhân Ái hạ sốt, hết đi cầu ra máu"… 20 g 57 ngày 10/8: "Bé Nhân Ái đã bớt phù". 23g ngày 13/8: "Sức khỏe bé Nhân Ái vẫn như hôm qua"… Tuy thế vẫn không thỏa mãn yêu cầu của bạn đọc. Riêng Video clip "Rơi lệ nhìn Nhân Ái trên giường bệnh" có tới hơn 700.000 lượt người truy cập. Hàng ngàn cha mẹ dang rộng vòng tay xin được đón bé về nuôi. Chỉ trong vòng nửa tháng, hơn 2 tỷ đồng được gửi đến Nhân Ái.
Hàng trăm ngàn trái tim hướng về Nhân Ái
Ngày trái tim Nhân Ái ngừng đập (6/9/2010) là ngày ngập tràn nước mắt. Điện thoại tòa soạn reo liên tục như không bao giờ dứt. Trang Nhật ký bé Nhân ái liên tục nghẽn mạch. Bài "Trái tim bé Nhân Ái đã ngừng đập" đã làm xúc động hàng trăm ngàn trái tim độc giả (500. 641 lượt người truy cập). Hàng ngàn comment gửi về tòa soạn. Có người đến tận tòa soạn để hỏi tình hình khâm liệm. Điện thoại VP Dân trí lại quá tải. Nhiều người không tin nổi vào sự mất mát đó nên gọi điện để xác minh với hy vọng nhỏ nhoi. Nhiều người lại gọi đến như để tìm một sự an ủi, chia sẻ… Họ không hề có quan hệ máu mủ, ruột rà nhưng nhiều tháng qua, trái tim họ vẫn đập cùng nhịp đập và hơi thở của Nhân Ái.
Hàng ngàn cha mẹ bé Nhân ái đau đớn, lặng người khi bé Nhân ái mãi ra đi
Chị Giang Thị Kim Thoa, 29 tuổi, đang công tác tại P.6 (Q. Bình Thạnh, TP. HCM) hỏi: "Chị ơi, sao vậy được? Sao bé đi nhanh vậy?". Anh Hùng TP. Cần Thơ liên tục gọi điện để hỏi về tình hình hậu sự cho Nhân Ái. Chị Huyền Anh TP. Đà Nẵng nghe người bạn báo tin bé Nhân Ái mất khi đang đi trên đường thất thần đến mức phải dừng xe lại bên vỉa hè vì không thể đi tiếp. Anh Nguyễn Văn Dũng ở huyện Hóc Môn gọi điện hỏi lại: "Bé Nhân Ái mất rồi hả chị?". Nghe trả lời, anh bật khóc rất lâu rồi kể: "Hôm nay con tôi bị ốm, tôi đưa cháu vào bệnh viện, chiều nay mới lên mạng đọc tin. Trong ánh mắt bé có điều gì đó thật lạ…".
Anh Hiển - GĐ một công ty thuộc FPT từ Hà Nội bay vào để thắp hương cho bé, Doanh nhân Vao Văn Tuấn ở Hải Phòng liên tục gọi điện về toà soạn hỏi thăm. Đó chỉ là vài trong số hàng ngàn cuộc điện thoại từ khắp các tỉnh trong cả nước từ Hà Giang, Lạng Sơn, Lai Châu, Yên Bái… đến Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Đồng Tháp và cả các nước Đức, Nga, Nga, Mỹ, Canada đổ về chia sẻ nỗi đau "Thiên sứ về trời". Tiếng điện thoại vẫn đổ chuông không ngừng như tiếng chuông cảnh tỉnh tình yêu thương.
Một ngày tràn trong nước mắt
Cùng với hàng ngàn comment là hàng chục bài thơ khóc thương Nhân Ái. Bài "Phút cuối bên con" của Chân Phương đã làm mọi người vỡ òa trong cảm xúc tiếc thương."Con nằm đó gần trong gang tấc - Mà xa xôi ngỡ mấy ngàn trùng- Bởi tai mẹ không còn nghe con khóc - Mắt mẹ không còn nhìn vào sâu thẳm mắt con…". Rất nhanh chóng, bài thơ được nhạc sĩ nghiệp dư Tuyết Trinh phổ nhạc và được các ca sỹ Phương Thanh, Hoàng Bách hát trong niềm xót thương vô hạn. Nước mắt và Nước mắt. Một ngày đau buồn phủ lên Dân trí.
Sau câu chuyện về bé Nhân ái, phong trào thiện nguyện phát triển sâu rộng từ Bắc chí Nam để giúp đỡ những em bé có cùng cảnh ngộ như bé Nhân ái
Có ai đó nói rằng bé Nhân Ái là một thiên sứ từ trên trời xuống trần gian để thực hiện trọng trách thiêng liêng: Đánh thức lương tri, lòng nhân ái mà vì một lý do nào đó, một hoàn cảnh nào đó đã bị "ngủ quên". Trong bài "Đêm không ngủ", nhà báo Hồng Tâm viết: "Cuộc đời sao oái ăm và khắc nghiệt. Nhiều tháng bị ruồng bỏ, bơ vơ, cô đơn trong đau đớn bệnh tật, con đã sống kiên cường. Thế mà đến khi có hàng ngàn, hàng vạn người dang rộng vòng tay yêu thương, con lại ra đi. Phải chăng con đã cố sống để chờ đến ngày được nhận tình yêu thương cho thỏa khát khao. Rồi mới an lòng nhắm mắt. 300 ngày có mặt trên trần thế, con đã làm được điều kỳ diệu của nhiều cuộc đời: Đánh thức yêu thương và tính hướng thiện. Con khiến người người xích lại gần nhau hơn".
Nhân Ái đã đi xa nhưng con sẽ mãi mãi đồng hành cùng Dân trí bởi Tổng Biên tập đã quyết định treo di ảnh em ở văn phòng để "Từ nay, Nhân Ái sẽ đi theo suốt hành trình từ thiện của Dân trí". Hàng trăm con hạc giấy được gấp để chở linh hồn con về cõi Niết bàn.
Sự thức tỉnh và sức sống mang tên Nhân Ái
Em đã mất nhưng những gì em đẻ lại sẽ sống mãi với thời gian. Bài thơ "Phút cuối bên con" khóc Nhân Ái trở thành bài hot trên các mạng xã hội nhiều tháng và trở thành bài hát chính trong các lễ tang cháu nhỏ. Lễ cúng 49 ngày của em, không hẹn mà hơn 600 cha mẹ khắp mọi miền đất nước đã về bên em thật ấm cúng. Số tiền hàng tỉ đồng bạn đọc tặng bé giờ được dùng cho Quỹ Bé Nhân Ái để cứu giúp những trẻ thơ bị bỏ rơi hoặc không nơi nương tựa đang đứng trước ngưỡng cửa tử thần. Đó là các bé Nhân Tâm, Nhân Luân, Nhân Hậu, Nhân Nghĩa, Nhân Văn, Nhân Duyên, Nhân Trí… Có cả một "dòng họ Nhân" đang hình thành trên Dân trí.
Phong trào Nhân Ái được nhân rộng khắp mọi miền đất nước. Hội Cha mẹ bé Nhân Ái có mặt ở cả ba miền luôn đồng hành cùng Dân trí trong các hoạt động thiện nguyện. Hàng ngàn cha mẹ đủ mọi ngành nghề có chung nỗi đau mất con đã xắn tay tìm kiếm và yêu thương trẻ bất hạnh, bị bỏ rơi. Tất cả tình yêu thương con giờ đây được bù đắp cho những bé bị bỏ rơi với ước mong "để trên đời không còn bé nào phải đau như con gái Nhân Ái". "Nhân Ái đã làm thay đổi tôi". Nhiều bậc cha mẹ đã thốt lên như thế.
Sau bé Nhân ái, bạn đọc đã chung tay giúp đỡ cho những em bé họ Nhân có một cuộc sống mới
Nếu trước đây họ dồn hết tình yêu thương cho đứa con mình thì giờ đây các ông bố, bà mẹ còn dành tình yêu thương cho những số phận không may khác. Mẹ Trang từ Hóc Môn đã tâm sự "Cảm ơn Nhân Ái. Con đã làm thay đổi mẹ. Mẹ cảm thấy xấu hổ vì lâu nay sống ích kỷ quá…". Đặc biệt, có bạn trẻ điện thoại đến tòa soạn thổn thức: "Em đã hai lần đi phá thai. Đọc câu chuyện bé Nhân Ái, em ân hận, day dứt vì thương những đứa con không kịp chào đời." Hơn một năm đã trôi qua những tưởng nỗi đau mang tên Nhân Ái đã lặng lẽ chìm theo thời gian. Nhưng không, lòng mọi người vẫn rưng rưng nghĩ về em. Em đã dùng cuộc đời khổ đau, ngắn ngủi của mình để dệt nên sứ mệnh cao cả: Kết nối và Thức tỉnh!
Nhân Ái đã mất nhưng trái tim em không ngừng đập mà hóa thân vào triệu triệu trái tim nơi em đã đánh thức lòng nhân ái và tình yêu thương, sẻ chia. Một năm là thời gian đủ để quên đi biết bao buồn vui của kiếp người nhưng nỗi đau và niềm hạnh phúc của sẻ chia từ cuộc đời em vẫn đồng hành cùng độc giả. Chúng ta sẽ không bao giờ quên em, vị Sứ thần 10 tháng tuổi.