Các nhà khoa học Mỹ tuyên bố đã khám phá ra kỹ thuật cô đọng các bức ảnh, video và những tài liệu khác vào các hạt tí hon lơn lửng trong nước. Công nghệ có tên gọi "tin học ướt" này một ngày nào đó có thể được ứng dụng vào bộ não, cho phép con người tính toán nhanh hơn và gợi lại được nhiều thông tin hơn.
Theo tạp chí Soft Matter, các chuyên gia thuộc Đại học Michigan (Mỹ) đã lưu trữ thành công thông tin trong "các bó chất keo", những hạt tí hon biến đổi trạng thái khi được đặt vào chất lỏng. Sự thay đổi trạng thái ở những hạt này có thể được dùng để mã hóa cùng các chuỗi 0 và 1, vốn đang được lưu trữ trong công nghệ phần cứng ở dạng rắn hiện nay.
Các nhà nghiên cứu nhận định, một thìa chất lỏng chứa các hạt nano như trên có thể lưu trữ tới 1 terabyte dữ liệu, tức là tương đương với hơn 2.000 giờ ghi âm.
Giáo sư Sharon Glotzer, một kỹ sư hóa học và là thành viên nhóm nghiên cứu, mô tả sự gắn kết của các hạt nano giống như một dạng khối rubic xoay quanh một lõi trung tâm. Một cụm bộ nhớ gồm 12 hạt liên kết với một khối cầu trung tâm có thể tạo ra tới gần 8 triệu trạng thái riêng biệt, tương đương với 2,86 byte dữ liệu, tức là đủ để mã hóa 3 ký tự dạng chữ.
Nếu các nhà khoa học có thể đếm tất cả các dạng khác biệt đó và hiểu cách thức chuyển từ trạng thái này sang trạng thái khác, khi đó họ có thể mã hóa thông tin, giáo sư Glotzer giải thích.
Trong các thử nghiệm, ông Glotzer và các cộng sự đã tạo ra một cụm bộ nhớ gồm 4 hạt trên khối cầu trung tâm. Bằng cách đun nóng chất lỏng, khối cầu gia tăng kích cỡ và các hạt tự tái sắp xếp chúng theo những cách nhất định.
Để việc lưu trữ thông tin trong chất lỏng trở thành ứng dụng khả thi, nhóm nghiên cứu cần tìm ra cách khóa nhốt các cụm bộ nhớ vào những hình dạng chuẩn xác ở thể tích chất lỏng lớn hơn. Và để tăng cường sức mạnh của bộ não, việc ứng dụng ngay lập tức công nghệ này có thể tạo ra những cảm biến thích ứng sinh học, chẳng hạn như giám sát lượng đường huyết ở những bệnh nhân tiểu đường.
Theo Tuấn Anh
Vietnamnet.Daily Mail