Teen 24h 2009-04-24 06:55:35

Cha mẹ đau đầu vì teen "siêu quậy"


Chị lại chết lặng khi vô tình đọc được một dòng chat của con với bạn: “Tao sờ vào nó chả thấy cảm hứng gì”…


Hơn năm qua, mẹ Uyên luôn đau khổ, dằn vặt vì không bảo được con gái. Uyên hay chơi bời, thỉnh thoảng lại bỏ nhà đi 'dạt' và khi trở về thì chống chế: 'Mẹ cũng hư sao lại nói con?'

Trước đây, mẹ Uyên từng ngoại tình.

Uyên đang học lớp 11 tại một trường cấp 3 ở Hà Nội. Mẹ em tìm đến văn phòng thám tử - tâm lý với tâm trạng rối bời. Chị kể, con gái rất dại dột và hay bị bạn bè lợi dụng về cả tài sản lẫn tình cảm, đặc biệt, cháu không bao giờ nghe lời mẹ vì chị từng có lỗi với gia đình. Bất lực, chị nhờ thám tử xem Uyên thường làm gì và giúp chị hiểu được vấn đề của con.

Các thám tử phát hiện, Uyên hay chơi với các bạn trai và cô đang có hai người yêu. Uyên thường bao bạn bè ăn uống, chơi bời và khi gặp trắc trở trong chuyện tình cảm, em hay van vỉ, hoặc bỏ tiền ra để mong họ ở bên. Với người yêu, cô bé cũng sống "hết mình".

Điều nguy hiểm nhất là hai cậu người yêu của Uyên là bạn thân, đã "sang tay" bạn gái cho nhau, trong đó một người đang nghiện heroin và cả hai chỉ gần gũi cô bé để lợi dụng lúc hết tiền.

Khi biết những thông tin này, bố mẹ Uyên rất hoảng sợ. Được trấn tĩnh, anh chị nhờ nhà tâm lý tiếp cận để nghe chia sẻ từ con gái nhân thời gian cô bé đang đau khổ vì mất bạn, người yêu cũng thờ ơ. Không ngờ, em khá vô tư bộc lộ rằng em cần tình cảm, cần bạn bè và làm hết mình để giữ gìn quan hệ đó, kể cả biết bạn không tốt.

"Em biết như thế là sai vì sách báo, thầy cô và cả bố mẹ đều dạy thế. Em biết là em không có đạo đức, em dại dột, nhưng em phải sống như em muốn, không thì em chẳng thấy có gì giá trị… Bố mẹ chẳng hiểu gì em cả", Uyên bày tỏ.

Ông Hoàng Dương Bình, Trưởng văn phòng thám tử và tham vấn tâm lý Hoàng Nhân (phố Nguyễn Phúc Lai, Hà Nội), cho biết, nhiều phụ huynh khi thấy trẻ có các hành vi mà theo họ là sai trái thì thường kết tội con hư hỏng, hỗn láo. Nhưng thực ra, trong tâm hồn trẻ mới lớn, kể cả trẻ có hành vi không tốt, vẫn là sự thành thật, háo hức khám phá và tìm kiếm cái đẹp.

Tuy nhiên, vấn đề lại nằm ở chỗ cái đẹp theo quan niệm của trẻ đôi khi cách rất xa so với giá trị mà người lớn đặt ra. Chẳng hạn, chúng coi trọng tình bạn, cách sống đẹp, có thể xả thân, sống hết mình vì điều đó thì người lớn lại cho là nhảm nhí, vô lối, nguy hiểm… Và khi bố mẹ càng cấm đoán, càng can ngăn thì trẻ lại càng muốn thoát ra khỏi cái "khuôn" hơn.

Như trường hợp của Hưng (15 tuổi) ở Thanh Trì chẳng hạn.

Phát hiện trong cặp sách của Hưng có dao, bà mẹ tá hỏa tìm đến văn phòng thám tử nhờ xác minh xem con trai có theo băng nhóm nào không, có làm điều gì nguy hiểm… để chủ động ngăn chặn, uốn nắn. Theo lời bà kể thì Hưng (16 tuổi), học sinh lớp 10 một trường dân lập ở Hà Nội, rất hư, hay bỏ học, đề đóm.

Qua tìm hiểu, các thám tử phát hiện, Hưng hay tụ tập cùng một nhóm bạn gồm các thành phần cá biệt, thường xuyên đánh nhau, gây sự với học sinh các trường khác. Nếu một người trong nhóm bị cà khịa hoặc có khi chỉ vì những lý do rất vô lý như bị ai đó "nhìn đểu" hay dám "nói chuyện với bạn gái mình"… là cả nhóm ra tay. Tuy nhiên, nếu tách ra, chỉ một mình thì Hưng là cậu bé khá lành, thậm chí hơi nhát.

Khi nói chuyện với nhà tâm lý, Hưng bày tỏ suy nghĩ: "Bạn bè là phải sống đẹp, khi bạn có chuyện thì mình phải hết lòng. Em biết là em sai so với quan điểm bố mẹ và mọi người nhưng vì bạn em có thể chấp nhận mọi thứ". Thế nhưng mẹ em không thể nào chấp nhận được cách suy nghĩ đó, cấm em chơi với đám bạn kia và gọi họ là "những đứa hư hỏng". Hưng càng tỏ vẻ chống đối.

"Muốn con thay đổi từ 'hư' sang ngoan, từ ham chơi thành ham học… ngay lập tức là một trong những mong ước hão huyền của nhiều phụ huynh", ông Bình chia sẻ. Theo ông, đó là một quá trình rất dài và cha mẹ phải thực sự nhẫn lại và cố gắng, phải thay đổi cách suy nghĩ, cách nhìn nhận và cư xử của mình trước, rồi mới hy vọng sự tiến bộ ở con được.

Ông kể lại một trường hợp điển hình tìm đến văn phòng thám tử gần đây.

Dù rất nghiêm khắc và quyết đoán nhưng vẫn không có uy với cậu con trai 15 tuổi, chị Hương (Đống Đa, Hà Nội) buộc phải nhờ đến các nhà tham vấn tâm lý và thám tử giúp đỡ.

Theo lời chị thì Hưởng - con trai chị, luôn cố tình làm trái ý mẹ: Chị mua đàn piano về cho con học thì Hưởng ngó lơ, chị mời thầy dạy vẽ tới thì Hưởng quyết không học. Cậu lại đeo khuyên tai, ăn mặc theo kiểu bụi phủi. Mới đây, thấy con đi học về với mái tóc nhuộm xanh đỏ, chị và ông cậu đã đè đầu Hưởng ra cắt trụi. Thế là Hưởng bỏ học luôn một tuần.

Lần khác, chị lại chết lặng khi vô tình đọc được một dòng chat của con với bạn: “Tao sờ vào nó chả thấy cảm hứng gì”. Vừa rồi, lấy cớ mẹ xúc phạm, Hưởng bỏ nhà một mình lên chợ Lạng Sơn để sắm một lô mặt nạ kinh dị… tặng cậu bạn thân.

Trước những sự việc đó, chị lo lắng không yên, vừa sợ con bị lệch lạc về giới tính, vừa lo cháu làm điều trái pháp luật nhưng không thể bảo hay giữ Hưởng được.

Thực ra, không như chị nghĩ, các thám tử xác định, Hưởng chẳng có vấn đề gì ngoài những hành vi đặc trưng của tuổi mới lớn, thể hiện những hành động khác lạ để chứng tỏ cái tôi. Cậu phản ứng với mẹ chỉ nhằm chống lại sự áp đặt.

Sau khi được tư vấn, chị Hương bắt đầu học chấp nhận con, từ cách ăn mặc, lối suy nghĩ, bạn bè mà không phán xét rồi quan tâm, lắng nghe tâm sự của con. Con trai chị từ chỗ chống đối mẹ đã tin tưởng mẹ hơn và bớt dần những hành vi sai trái.

Theo ông Bình, khi con "có vấn đề", trong những hoàn cảnh nhất định, bố mẹ vẫn dùng những biện pháp như khuyên giải, ngăn chặn, cầm giữ, trừng phạt, thỏa hiệp… Nhưng điều quan trọng hơn là bạn hãy mở lòng, đặt mình vào trẻ để hiểu, chia sẻ và qua đó khơi gợi để các em tự biết hành vi nào phù hợp, gạt bớt những rủi ro của các hành động nguy hiểm, thậm chí là phạm pháp.

Và điều quan trọng là dù có làm gì thì bạn cũng không được làm tổn thương những ý tưởng, giá trị và lối sống mà trẻ đề cao, tôn thờ trong tình bạn, tình yêu.



Nguồn: vnexpress


* Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi.

Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)