Tin tức - pháp luật 2014-06-22 23:52:43

chàng lính đảo và l"òng hiếu thảo với người mẹ"... tật nguyền.


Ngôi nhà nhỏ của chàng lính trẻ Huỳnh Hoàng Hải (24 tuổi, đóng quân trên quần đảo Trường Sa) nằm sâu trong con hẻm trên đường Tô Ký (phường Tân Chánh Hiệp, quận 12, TP HCM). Bà Võ Thị Mỹ Lệ (56 tuổi, mẹ Hải) lấy ra một xấp ảnh chân dung của con trai rồi tự hào: “Hải hiện giờ là lính đảo Trường Sa. Trước đây làm nghề taxi nhưng vì yêu biển trời, Hải nhất định gác lại nghề và xung phong vào quân ngũ”. 
Chỉ tay vào bức hình, người phụ nữ luống tuổi cho biết, Hải đang đứng cùng đồng đội ở một hòn đảo nhỏ thuộc quần đảo Trường Sa. Cậu thanh niên da đen trũi nhưng nụ cười khỏe khoắn. “Lâu lâu, Hải cũng gọi điện về hỏi thăm, động viên tôi giữ gìn sức khỏe vì chân tật nguyền. Nó luôn bảo, tôi hãy vững tâm vì ngoài đó cháu luôn khỏe. Cái thằng nhỏ, lớn rồi mà lúc nào cũng vô tư như trẻ con”, bà Lệ rưng rưng tự hào.
Bà Lệ quê ở xã Hòa Hưng (huyện Cái Bè, tỉnh Tiền Giang). Hồi còn chiến tranh, bà bị địch bắn cụt chân lúc mới 12 tuổi. Chồng bà là ông Huỳnh Hoàng Hội (58 tuổi) sống ở huyện Hóc Môn, trước đây từng là bộ đội tham gia ở chiến trường Campuchia. Vì cuộc sống mồ côi cha mẹ, lại không ai thân thích nên ông Hội đã về Tiền Giang mưu sinh. Ông bà quen nhau khi ông Hội làm thuê cho hàng xóm nhà bà, hai người gặp gỡ cảm mến nhau rồi cưới. Đến giờ, họ đã có với nhau 4 mặt con.
Bà Võ Thị Mỹ Lệ nước mắt cứ lăn dài nơi gò má khi nhớ về con.
Sau ngày cưới, bà Lệ cùng chồng làm thuê cho một xưởng gỗ ở cạnh nhà, vất vả quanh năm suốt tháng nhưng đồng lương ít ỏi không đủ để trang trải mọi sinh hoạt. Thế rồi, bà Lệ tính kế đi buôn để thêm đồng ra đồng vào. Bà tích góp những đồng tiền lẻ, đến chợ Tân Xuân mua trái cây rồi bắt xe lên ngã tư An Sương bán.
Ngày đầu tiên với những thúng cam, xoài, nho, ổi…, hai ông bà cũng thu được khoản lãi nhỏ 20.000 đồng và bắt đầu bén duyên với nghề từ đấy. Vợ chồng bà Lệ chẳng dám hy vọng cái nghề buôn thúng bán bưng sẽ giàu mà chỉ mong đủ ăn, nuôi con nên người.
Năm 1990, cả gia đình bà Lệ khăn gói chuyển lên Sài Gòn, nhờ người quản lý chợ Tân Chánh Hiệp (huyện Hóc Môn) thương tình cho thuê một khoảnh đất để bán trái cây. Nhớ lại những ngày mới lên Sài Gòn lập nghiệp, người phụ nữ trải lòng: “Kỷ niệm tôi nhớ nhất là trong nhà chỉ có 4 cái bát mẻ, một kg gạo cũng phải chia ra cho đủ mấy ngày. Ăn cơm còn phải chia phần. Có bữa, nhìn các con ăn xong còn háu đói, vợ chồng lại thấy tủi vì không thể lo đủ cho con. Hồi ấy, dọc đường Tô Ký nhà nào cũng có nhiều lá giang, chúng tôi đi xin về nấu canh ăn với cơm. Xin mãi thì cây trụi lá rồi chết nên người ta cũng ngán”.
Các con bà Lệ lớn lên trong nghèo khó nhưng họ luôn đoàn kết và đùm bọc lẫn nhau. Ông Hội kể, Hải là con út trong nhà. Khi lên Sài Gòn, cậu chưa được 2 tuổi, ngày nào cũng ăn canh chua lá giang với rau muống nên ngán. Cứ đến bữa thấy mẹ đưa chén cơm ra, Hải lại khóc ngằn ngặt. Ba anh chị lớn hiểu gia cảnh nên ngoan ngoãn đỡ chén cơm từ tay mẹ mà húp lấy húp để. Còn Hải chỉ im lặng khi nghe mẹ vỗ về: “Con ráng ăn, mẹ sẽ đi chợ mua thịt cho con”.
Vậy mà vì vợ chồng nghèo nên chẳng bao giờ lời hứa đó thành hiện thực cả. Bà Lệ rưng rưng nhớ lại: “Tui nói thế, Hải lùa hết chén cơm. Mười bữa nó khóc đúng cả mười. Quanh năm suốt tháng nhìn thấy con phải ăn canh chua, tôi cũng xót lắm. Nhưng sau nhiều đêm trằn trọc, vợ chồng tôi quyết dù nghèo phải nhịn ăn nhịn mặc cũng cho các con đến trường học lấy cái chữ”.
Nhớ lại khoảng thời gian một năm về trước, ngày Hải quyết định đi lính ra đảo, bà Lệ lại ngậm ngùi. Vào thời điểm đó, Hải đang là nhân viên lái taxi tại sân bay Tân Sơn Nhất cho một hãng du lịch có tiếng ở Sài Gòn.
Hơn một năm cầm lái, đến một ngày, Hải ở nhà chứ không đi làm như thường lệ. Bà Lệ thấy lạ nên hỏi con thì Hải vỗ nhẹ vào vai mẹ rồi bảo: “Con xin nghỉ luôn rồi mẹ. Sáng mai, con khám sức khỏe để đi nghĩa vụ quân sự. 7 năm mới có một lần tuyển hải quân nên ba mẹ cho con đi nhé”. Bất ngờ trước quyết định của con nhưng sau một hồi suy nghĩ, vợ chồng bà Lệ cũng đồng ý: “Nếu con muốn đi, ba mẹ không cản. Con hãy làm tất cả vì biển đảo quê hương”.
Thế nhưng ít ai biết rằng, Hải vốn nằm trong diện “miễn quân” do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mẹ lại tật nguyền. Vì vậy, hành động xuất phát từ trái tim được bà con lối xóm tán thưởng, cán bộ cấp trên vô cùng cảm kích.
Lần hiếm hoi Hải gặp cha khi đang được huấn luyện tân binh tại Thủ Đức.
Sau hơn 4 tháng học quân lệnh, ngày 14/6/2013 Hải chính thức lên tàu nhập ngũ, nhận công tác tại đảo Sinh Tồn thuộc quần đảo Trường Sa. Những ngày đầu lênh đênh trên biển trước khi ra nhận nhiệm vụ, Hải vẫn canh cánh một nỗi nhớ nhà. Lúc tàu dừng ở đảo Song Tử Tây, anh đã gọi điện về cho mẹ: “Mẹ ơi, con đang hưởng sinh nhật trên tàu, 12h đêm trăng đẹp lắm, biển mênh mông”. Không kìm được dòng lệ đang lăn vội, bà chỉ cất tiếng hỏi: “Con có thấy gì nữa không”, Hải khẽ đáp: “Con chỉ thấy mình mẹ thôi”.
Bà Lệ kể, hồi còn ở nhà, dù bận bịu lái xe nhưng Hải luôn tranh thủ phụ giúp công việc cho cha mẹ. Ngày nào, anh cũng thức dậy từ 2-3h sáng cùng ba đẩy xe trái cây ra chợ, phụ mẹ dọn hàng. Hôm nào không phải phụ mẹ bán, Hải lại tất tả về nhà lo cơm nước cho cả gia đình. Chị Ngọc Loan, chị gái của Hải kể: “Nhìn mẹ tối ngày khoác bộ quần áo đã sờn, Hải đã dành dụm tiền lái taxi để mua cho mẹ bộ mới. Mỗi lần thấy mẹ mặc áo mới, nó lại khen mẹ đẹp nhất nhà. Thấy mẹ tật nguyền đi lại khó khăn, Hải luôn để ý quan tâm, không bao giờ khiến mẹ phải lo nghĩa”.
Bà Lệ kể: “Có lần, Hải gọi điện về nghe giọng tôi khàn tiếng. Đầu dây bên kia, nó đã giục giã: 'Mẹ đi khám đi, không có tiền thì lấy xe máy của con đi cầm lấy tiền mua thuốc mua gạo. Sau này ra quân, con sẽ đi chuộc. Khi xuất ngũ, con sẽ mua cho mẹ sợi dây chuyền vàng chứ từ nhỏ con chẳng bao giờ thấy mẹ đeo sợi dây chuyền nào hết”.
Kể đến đấy, bà lại lấy tay gạt vội nước mắt. Biết trong gia đình có con trai đi lính ngoài hải đảo, hàng xóm xung quanh thường qua hỏi thăm tình hình ngoài biển có căng thẳng lắm không, ông Hội nói chắc nịch: “Ngoài đảo, những người lính đang cầm chắc tay súng. Nếu có chiến tranh, tôi sẽ ra Trường Sa ở với con trai. Hai cha con kề lưng đánh giặc”.
Mới đây Hải có gọi về. Qua điện thoại, chàng lính đảo thủ thỉ: “Đời con lính chiến, cõng súng trên vai như ôm mẹ. Mẹ đừng lo, dù chuyện gì xảy ra tay con luôn cầm chắc súng”. Đầu tháng 8, Hải sẽ được xuất ngũ nhưng anh đã làm đơn xin ở lại biển đảo dài hạn để tiếp tục bảo vệ Tổ quốc.
Theo Giadinh.net.vn


 
[size=medium] [/size]
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)