Với biệt danh “vòi” hồi cấp 2, thế mà sau ít lâu không gặp, cô nàng đã khác hẳn.
Bí quyết nằm ở chỗ “cái kẹp răng”. Hãy nghe cô nàng tâm sự…
Nắn chỉnh răng là gì?
Ồ, có nhiều cách gọi lắm: Nắn chỉnh răng, niềng răng, chỉnh hình răng… nhưng mà nói chung đây là quá trình dùng lực tác động lên răng để di chuyển, sắp xếp trở lại khớp cắn đúng. Nó có thể tác động để chỉnh các răng hô, móm, mọc lệch…
Lợi ích của việc nắn chỉnh răng?
Đấy, thì như tớ đã nói ở trên. Răng mọc không đúng đường lối thì có nhiều bất tiện lắm. Đầu tiên là mất đi hiệu quả thẩm mỹ, cũng chẳng dám cười nhiều, mỗi khi “lỡ cười” thì lại thấy ngại…
Ai chẳng muốn một hàm răng đều và mọc đúng vị trí phải không? Nhưng giá trị nhất là nắn chỉnh răng giúp cho răng khỏe hơn và phát huy đúng các chức năng cụ thể của từng răng, cải thiện chức năng nhai của răng, giảm sâu răng, viêm lợi.
Thời điểm nắn chỉnh răng?
À, cái này tớ cũng hỏi qua ông nha sĩ chỉnh răng cho tớ. Ông nha sĩ bảo: Còn phải xét theo thời kỳ phát triển của răng. Như này này:
Từ 6-7 tuổi là khi bắt đầu thay răng sữa, chúng ta nên đi kiểm tra răng miệng thường xuyên, nếu có bất cứ vấn đề gì thì có thể thực hiện nắn chỉnh răng hoàn hảo mà không gặp nhiều trở ngại. Lúc này, bọn mình chỉ phải mang hàm tiền chỉnh nha, ban ngày chỉ cần mang 1-2 tiếng, chủ yếu đeo suốt đêm, lúc ngủ nên ít ảnh hưởng đến thẩm mỹ hay các sinh hoạt hàng ngày. Đồng thời giá cả cũng rất phải chăng.
Từ 12-16 tuổi là giai đoạn thay hoàn chỉnh toàn bộ răng sữa bằng răng vĩnh viễn, và đây cũng là khoảng thời gian tốt nhất để nắn chỉnh hàm răng một cách toàn diện.
Với lứa tuổi trên 30, xương hàm đã phát triển hoàn chỉnh thì việc nắn chỉnh hàm sẽ mất thời gian lâu hơn mà hiệu quả có thể không được 100% như ý.
Quá trình chỉnh nha được tiến hành như thế nào?
Chà, cái này thú vị lắm. Trước khi đi “xử lý” bọn răng, tớ có hỏi qua kinh nghiệm một vài người. Ai cũng kể này nọ làm tớ hơi hoảng nhưng mà khi đi làm thật thì thấy cũng bình thường. Các công đoạn cụ thể như sau:
- Lần khám thứ nhất: Lấy mẫu răng bằng thạch cao và chụp 2 phim X-quang phục vụ cho chỉnh nha. Lúc này nha sĩ sẽ nắm được thực trạng hàm răng của bạn: hình thể răng, khoảng cách mất, còn, thừa, thiếu.
- Lần khám thứ 2: tư vấn đầy đủ về quy trình chỉnh răng. Bạn sẽ nắm được tình trạng răng của mình, thời gian chỉnh răng trong bao lâu, các chi phí cần thiết cho việc điều trị. Bạn sẽ được gắn mắc cài ngay nếu đồng ý với các tư vấn của nha sĩ.
- Các lần khám tiếp theo đúng lịch của nha sĩ, cách nhau khoảng 2 tuần, 1 tháng, rồi 2 tháng: nha sĩ chỉnh dây cung và mắc cài, xử lý các vấn đề cụ thể xảy đến với bạn trong quá trình đeo niềng chỉnh răng.
Thời gian điều chỉnh đó kéo dài bao lâu?
Nhiều bạn hỏi tớ câu này, các bạn ấy bảo mang kẹp răng lâu quá thì xấu chết, nên muốn nhanh nhanh. Nhưng thời gian bao lâu tùy thuộc vào tình trạng răng cụ thể của từng người, thường thì mất từ 12-24 tháng. Nhưng vì miệng cử động liên tục với nhiều lực tác động hàng ngày đến răng bởi việc nhai, nuốt, nói… nên ngay cả khi răng của bạn đã được đưa về vị trí khớp cắn đúng của nó, bạn vẫn nên đeo khí cụ chỉnh nha thêm một thời gian để cố định răng chắc chắn với vị trí mới.
Khí cụ và chi phí chỉnh nha?
Theo lời giới thiệu của ông nha sĩ thì có 2 loại khí cụ chỉnh nha là khí cụ tháo lắp và khí cụ cố định.
- Khí cụ tháo lắp: là loại mà tự bệnh nhân có thể tháo lắp dễ dàng theo ý muốn, giá cả lại phải chăng từ 1-4 triệu đồng, nên dễ được chấp nhận. Thích hợp với những trường hợp xương hàm đang phát triển. Tuy nhiên, kết quả lại phụ thuộc quá nhiều vào sự hợp tác của người bệnh và không điều chỉnh được những răng phức tạp. Dùng loại này rất vướng nên khi ăn thường phải tháo ra mỗi ngày phải tháo lắp nhiều lần.
- Khi cụ cố định: gắn chặt trên răng, kết quả điều trị ít phụ thuộc vào bệnh nhân, hiệu quả tốt với những răng mọc lệch phức tạp. Nhưng chi phí của nó lại rất cao, dao động trên dưới 10 triệu. Ngoài ra, còn có các khí cụ tháo lắp chuyên dùng để giúp trẻ nhỏ loại bỏ các thói quen xấu ảnh hưởng đến quá trình mọc đúng chỗ của răng.
Tớ đã chọn loại tháo lắp. Chi phí rẻ hơn, nếu cần có thể tháo ra được và tất nhiên là sẽ không tốt bằng loại kia. Tiền nào của nấy mà. Với lại bác sĩ bảo tớ dùng loại đó là ổn rồi.
Chỉnh răng có đau không?
Phải nói trước là có khó chịu, nhưng rồi sẽ quen dần. Nhưng nó không làm cho răng bạn lung lay quá mức hay bị rụng, bị đau tức xương hàm đến không chịu nổi vì nó diễn ra từ từ trong thời gian rất lâu. Nếu bạn cảm thấy việc chỉnh răng khiến mình không chịu nổi vì đau thì cần trao đổi với nha sĩ để có sự cân chỉnh niềng răng vừa phải cho phù hợp.
Chăm sóc răng khi mang hàm chỉnh răng thế nào?
Rất nhiều người thấy ngại khi được nha sĩ tư vấn cho việc chăm sóc răng miệng khi đeo hàm chỉnh răng vì nó mất thời gian hơn và cần làm chu đáo hơn. Với loại khí cụ tháo lắp việc vệ sinh dễ dàng hơn. Còn khí cụ cố định, sau mỗi bữa ăn bạn phải lấy sạch thức ăn bám trên khí cụ rồi đánh răng sạch sẽ. Bạn có sự hỗ trợ của loại bàn chải chuyên dùng, nhưng bản thân bạn cũng phải tự mình nỗ lực. Rất nhiều người đã từ bỏ được thói quen ăn vặt sau khi đeo hàm chỉnh răng.
Nói cho cùng thì “khổ tận rồi sẽ có ngày cam lai”, giờ tớ đã có một hàm răng như ý muốn và tự tin với nụ cười tươi mỗi ngày. Vì thế, tớ cũng muốn chia sẻ vài kinh nghiệm cho các bạn đang có ý định đi chỉnh răng. Mong rằng, những điều này sẽ giúp ích cho các bạn.