(TT&VH Online) - Có một lần đã lâu, khi dạo vòng quanh Hồ Giươm tôi bắt gặp dòng chữ “còn 943 ngày” trên đồng hồ điện tử đếm ngược dựng bên hông nhóm tượng đài Cảm tử cho Tổ quốc quyết sinh, cạnh đền Bà Kiệu. 943 ngày, tức là gần 3 năm. Liệu có đủ thời gian để làm bộ phim lịch sử nào về 1000 năm Thăng Long- Hà Nội không nhỉ? Chẳng quen ai trong giới văn nghệ sĩ mà hỏi nên tôi đành giữ trăn trở đó trong lòng.
Ở các nước kinh tế phát triển có những dự án phim được thực hiện vô cùng nhanh chóng. Harry Potter của J.K Rowling ra mắt tập nào thì gần như ngay sau đó đã thấy rầm rộ quảng cáo bộ phim cùng tên sắp ra lò; Mật mã Da Vinci của Dan Brown tương tự, năm trước ra truyện năm sau đã đọc thấy tin tài tử Mỹ Tom Hank được chọn vào vai chính, nhà biểu tượng học R.Langdon cho phim. Rất nhiều các cột mốc lịch sử lớn của thế giới được lên màn ảnh rộng. Nhìn sang Trung Quốc, riêng về Phổ Nghi - vua cuối cùng của Trung Hoa phong kiến - cũng có đến 2 phim: một do Italia làm, một do Trung Quốc lục địa làm; riêng trận Xích Bích cũng có 2 tập phim thật hoành tráng chiếu khắp nơi năm nay.
Bức chiếu dời đô tại Đền Đô
Đất nước ta có một lịch sử vô cùng oanh liệt, ai cũng tự hào: từ Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Ngô Quyền, Trần Hưng Đạo, Quang Trung… cho tới hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Nhiều, nhiều lắm những sự kiện lịch sử hào hùng mà chúng ta mong muốn sẽ có những tác phẩm nghệ thuật xứng tầm với chúng. Nhưng nước ta còn nghèo lắm, làm phim ở ta, ai cũng biết không thể sánh với chuyện làm phim quốc tế kể trên được. Tạm gác những ước mong lâu dài ra một bên, tôi bỗng thấy chưa bao giờ tha thiết mong mỏi có một tác phẩm nghệ thuật lớn đánh dấu sự kiện Hà Nội 1.000 năm tuổi như hiện nay. Có bao nhiêu thủ đô trên thế giới có chiều sâu văn hiến như Hà Nội của chúng ta? Có lẽ không nhiều. Mỗi lần đi qua chiếc bảng điện tử đếm ngược thời gian tôi lại bồn chồn. 1.000 năm. Trời ơi, một cái mốc không phải ai cũng có cơ may chứng kiến. Các loại hình nghệ thuật khác – múa, chèo, tuồng…- chắc chắn đều đang ráo riết chuẩn bị chào mừng sự kiện trọng đại này, nhưng phải có một cái gì đó lên phim chứ- mà là phim ra phim kia! Nghệ thuật thứ bảy mới là đại chúng nhất, đem công chúng đến với lịch sử một cách nhanh nhất, đông đảo nhất , sao lại lặng tiếng im hơi thế này? Chiếc đồng hồ điện tử cứ vô cảm trừ dần quỹ thời gian. Việc dựng phim Thái tổ Lý Công Uẩn và phim truyền hình Trần Thủ Độ còn đang khúc mắc chưa biết ra sao. Buồn quá!
Hôm Chủ nhật 26/7 vừa qua, khi xem bài “Làm phim Chiếu dời đô: không dùng tiền ngân sách để thử sức mình!” trên báo TT&VH, ngọn lửa hy vọng lại bùng lên trong tôi. Hóa ra xung quanh mình có rất nhiều người nặng lòng với Thủ đô. Đam mê, có tài, có tâm, quyết tâm vượt qua những rào cản thực hiện bộ phim để cho ra mắt đúng giờ G. Một tin thật đáng mừng!
Nhà biên kịch Hồng Ngát, Giám đốc đơn vị sản xuất, cho biết phim Chiếu dời đô được dựng bằng kinh phí xã hội hoá. Lâu nay từ “xã hội hóa” được hiểu ngầm là “tiền hóa” nhưng theo tôi từ này còn mang nghĩa rộng hơn nhiều. Nhà Phật có từ “thí” - một từ cổ nhưng nghĩa rất rộng chỉ sự tương trợ giúp đỡ nhau trong nhân gian. Ai có tiền “thí” tiền, ai có công “thí” công, ai có tài “thí” tài, “thí” khả năng. Ví dụ, bác sĩ khám bệnh miễn phí cho người nghèo, sinh viên đi dạy học xoá nạn mù chữ rẻo cao… Như vậy, “xã hội hóa” không chỉ là góp tiền - tất nhiên tiền là quan trọng nhất - mà còn là vô số phương tiện khác nhau. Bằng đam mê cháy bỏng, chị Hồng Ngát, tác giả kịch bản Triệu Tuấn, đạo diễn Lưu Trọng Ninh và các cộng sự đang thí tâm và và thí tài năng của họ cho 1000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Làm phim là một công việc rất chuyên môn, phức tạp và tốn kém không dám lạm bàn. Tôi xin góp 500.000đ vào tài khoản của đoàn (0011003122537- Sở giao dịch Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam) và sẵn sàng làm một việc gì đó cho đoàn làm phim dù nhỏ nếu cần. Món tiền của tôi chỉ là giọt nước trong biển kinh phí làm phim, có thể chỉ đủ một lần trả tiền bà hàng nước chè xanh nào đó trên nẻo đường gian khó làm phim mà thôi, nhưng dù sao cũng là một động viên nhỏ bé của một người bình thường yêu Hà Nội. Dù chưa biết phim sẽ ra sao nhưng tôi rất tin tưởng và hân hoan với lòng nhiệt tình thí tâm, thí tài của các anh chị trong dự án làm phim.
Chiều nay, bảng điện tử báo cho hay chỉ còn hơn 430 ngày nữa nhưng lòng tôi an vui hơn trước nhiều. Bờ Hồ xe chạy một chiều, tôi làm một vòng hồ đến trước tượng vua Lý Thái Tổ. Dừng xe, tôi kính cẩn thưa: “Tâu Đức vua, quyết định lịch sử Người cầm trên tay sắp được trải rộng ra trên màn ảnh đấy ạ. Hình như nhà vua mỉm cười, mắt hướng về Tháp Rùa lao xao trước mặt. Chiếu dời đô, không thể có cái tên phim nào hay hơn, đầy đủ ý nghĩa hơn thế…”
P.T.M.T (một độc giả TT&VH)