“Con chó ấy không phải là chó thường đâu, kiếp trước nó chính là bố anh đấy". Loài vật có thực sự có “linh hồn”? Vì sao lại có những tin đồn chó báo oán? TS Vũ Thế Khanh đã có những kiến giải dưới góc nhìn tâm linh.
[justify]“Kiếp trước con vật có thể là người”
Liên quan đến những thông tin dư luận đồn đoán chó báo oán sau vụ một thanh niên trộm chó bị đánh hội đồng đến chết tại thôn Trúc Hiệp (xã Hiệp Hòa, huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) vào đêm ngày 8/4, PV đã có cuộc trao đổi với nhà nghiên cứu tâm linh, TS Vũ Thế Khanh, Tổng Giám đốc Liên hiệp Khoa học Công nghệ Tin học Ứng dụng (UIA).
Kiến giải về vấn đề này, TS Vũ Thế Khanh dẫn việc tái sinh trong lục đạo luân hồi: “Từ xa xưa, trong kinh Phật, cũng như trong dân gian kể về nghiệp sát sinh sẽ phải gánh chịu những quả báo tai ương nhiều không xuể, nhất là lại sát sinh những con vật lớn, những con vật có tánh linh thì hậu quả càng khủng khiếp khôn lường. Trong giáo lý nhà Phật, khi con người chết đi thì thần thức (mà ta thường gọi là linh hồn) sẽ tùy duyên mà tái sinh trong lục đạo luân hồi, đó là: cõi Trời, A tu la, Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sinh, và Con người. Như vậy, căn cứ vào nghiệp lực khi ta gieo trong cuộc đời mà sẽ được gặt hái (thọ sinh) vào một trong các cõi giới tương ứng, cũng như khi ta ném một hòn đá thì chắc chắn nó phải có một điểm rơi”.
TS Vũ Thế Khanh cho rằng, sát hại chó sẽ bị báo oán.
TS Vũ Thế Khanh cũng dẫn giải câu chuyện về tái sinh để minh chứng. Cụ thể, trong các câu chuyện về tái sinh, có một chuyện kể về một người khi chết đã tái sinh vào kiếp con vật: Thuở Phật còn tại thế, Ngài đi giáo hóa qua một ngôi làng và đến một gia đình nọ, bỗng có con chó nhảy ra sủa ầm ỹ. Ngài liền mắng:
- “Hay ho gì cái kiếp chó ấy mà còn sủa”.
Sau khi bị mắng, con chó về nằm tại chỗ cũ và buồn rười rượi, đến nỗi bỏ cả ăn. Người chủ nhà thấy thế đi tìm Đức Phật và lớn tiếng rằng:
- “Này lão kia, tại sao lão lại mắng con chó nhà tôi để nó buồn, nó không ăn uống gì, nếu nó mà chết thì tôi bắt đền lão đấy”.
Đức Phật nói rằng:
- “Con chó ấy không phải là chó thường đâu, kiếp trước nó chính là bố anh đấy".
Người chủ nhà bực quá định lấy gậy phang cho Ngài một trận vì dám sỉ nhục bố mình.
Đức Phật ôn tồn nói:
- "Anh hãy bình tĩnh, nghe tôi nói đã, nếu sai thì anh đánh cũng chưa muộn, tôi sẽ đứng đợi đến khi anh làm xong. Trước đây khi còn tại thế, bố anh đã chắt chiu làm lụng, tích cóp được một lọ vàng, ông ấy chôn cất cẩn thận, định khi nào chuẩn bị qua đời thì sẽ trao cho anh. Nhưng vì ông ấy chết đột ngột nên không kịp chỉ cho anh chỗ chôn vàng. Nhân dịp con chó nhà anh đẻ, thần thức của ông ấy liền chui vào làm thân con chó để canh giữ chỗ chôn vàng. Bây giờ anh về nhà tìm chỗ nào con chó nó thường xuyên nằm tại đó, hãy đào chỗ ấy lên, khoảng vài gang tay là thấy lọ vàng, nhưng khi thấy anh đào được lọ vàng rồi thì con chó sẽ lăn ra chết”.
Người chủ nhà nghi nghi hoặc hoặc, nhưng anh ta vẫn về làm theo lời Phật nói, tìm nơi con chó thường hay nằm. Con chó thấy anh ta mang dụng cụ đến thì nó liền tránh ra một nơi để anh ta đào bới. Quả nhiên khi đào sâu đến hai gang tay thì đụng phải lọ vàng, con chó mắt sáng lên, mừng rỡ rồi nó lăn đùng ra chết.
Anh chủ nhà lúc đó mới thấy lời Phật nói là đúng, khóc than thương tiếc cho thân phận của cha mình, liền chạy đi tìm Đức Phật và xin Phật dạy cho cách cứu cha khỏi kiếp chó.
Đức Phật nói rằng anh hãy đem lọ vàng ấy đi làm điều thiện, làm công đức phóng sinh và khi làm điều đó thì anh nhớ đọc câu cầu nguyện hồi hướng công đức ấy cho cha mình.
Người chủ nhà làm theo lời Phật dạy, đem toàn bộ số vàng ấy làm công đức phóng sinh và hồi hướng công đức ấy cho cha mình. Một hôm anh nằm mộng, thấy cha mình hiện về, rất hoan hỷ, nói rằng nhờ công đức phóng sinh và làm điều thiện của con mà cha đã thoát khỏi kiếp súc sinh. Người cha khuyên con nên đi theo Đức Phật để công đức được viên mãn.
Người con nghe theo lời cha dặn trong mơ, đến đảnh lễ xin theo Đức Phật và sau này tu đắc quả vị A La Hán.
Như vậy kiếp trước của con vật cũng có thể là con người.
Sát hại chó sẽ bị báo oán
TS Vũ Thế Khanh nhận định, chó và ngựa là loài vật rất trung thành với người (khuyển mã chí tình). Tuy không biết nói nhưng nó rất thông minh và hiểu từng mệnh lệnh của chủ nhân. Nó tận tụy với chủ, thức suốt cả ngày đêm để canh giữ nhà, canh giữ gấc ngủ cho chủ. Có những con chó khi chủ nhân chết, nó ra mộ và nằm mãi ở đó. Người ta đã có câu ví “con không chê cha mẹ khó, chó không chê chủ nghèo”, như vậy “tư cách” đáng quý ấy của con chó được ví với lòng hiếu thảo của người con đối với cha mẹ.
TS Vũ Thế Khanh dẫn: “Có nhiều ví dụ kể về những báo oán kinh hoàng với chủ lò mổ chó. Có những chủ lò mổ chó không hiểu tại sao lại chui vào cái chảo nước sôi mà hàng ngày vẫn để làm lông giết chó. Ở chợ Kim Liên cách đây mấy năm có một gia đình làm nghề giết chó, một hôm có một con chó trước khi bị giết nó đã chắp hai chân trước để lạy chủ nhà hàng giết mổ, nhưng anh này vẫn không tha, vẫn đang tâm làm thịt con chó đó. Sau đó, gia đình đó đi tắm biển, đến đêm đi thuyền ra biển để câu mực, bỗng dưng thuyền bị lật và cả gia đình bị hại”.
Người dân đánh chết kẻ trộm chó cũng sẽ gây ra nghiệp chướng luân hồi.
“Ở số 1 Đông Tác, Kim Liên, chúng tôi đã chứng kiến nhiều gia đình đến đây cầu siêu vì gia đình họ gặp nhiều trái ngang về tâm linh. Có một gia đình ở Vinh (Nghệ An) lặn lội ra đây, kể rằng đêm đêm cứ nhắm mắt lại là thấy ma quỷ có sừng đuổi húc vào yết hầu. Khi ra số 1 Đông Tác cầu siêu 1 tuần, Liên hiệp bố trí cho nhà ngoại cảm soi phần tâm linh cho gia đình đó, thấy họ làm nghề mổ trâu bò nên linh hồn của các con vật bị giết hiện về báo ứng. Gia đình đó phải mất nhiều tuần cầu siêu và làm phóng sinh hồi hướng cho các con vật đã bị giết thì mới được ngủ yên”.
“Ăn thịt những con vật như chó, ngựa… tuy có nhiều đạm thật đấy, nhưng người ăn đã đánh mất tính từ bi nên thường sinh ra bệnh tật. Kẻ giết chó đã là dã man rồi, kẻ bắt trộm chó lại dã man hơn nữa. Chắc chắn trước sau những kẻ đó cũng bị báo oán”, TS Vũ Thế Khanh khẳng định.
Tuy nhiên, TS Vũ Thế Khanh cho rằng, dù kẻ trộm chó có tàn nhẫn thế nào thì người ta không được quyền đánh chết kẻ trộm chó, như vậy sẽ gây ra nghiện chướng luân hồi.
“Không nên tùy tiện quá tay đánh chết kẻ ăn trộm chó, vì như vậy lại sẽ gây ra nghiệp chướng luân hồi, oan oan tương báo, mà chỉ nên vây bắt rồi giao cho cơ quan pháp luật xử lý. Vì bất cứ lý do gì, việc người dân đánh hội đồng khiến nhiều kẻ trộm chó thiệt mạng là hành động vi phạm pháp luật rõ ràng và phải bị xử lý nghiêm trước pháp luật. Người dân không thể dùng hành vi phạm pháp để tự ý xử lý một hành vi phạm pháp khác”.
"Tuy nhiên, cũng nên kiến nghị với cơ quan lập pháp, hãy đưa ra hình thức xử phạt thật nặng, thậm chí phạt tù nhiều năm đối với kẻ bắt trộm chó về để làm thịt. Ở các nước văn minh, người ta không những không ăn thịt chó mà còn dành cho chó những ưu đãi không kém gì con người (nhất là chó cảnh sát), thậm chí họ còn phát một kênh truyền hình dành riêng cho chó”,TS Vũ Thế Khanh đề xuất.
[/justify]