Cô Thanh tâm kính mến!
Từ khi học cấp ba cháu đã rất yêu thích chuyên mục tư vấn của cô trên đài phát thanh nhưng từ khi học xong đại học rồi lấy chồng, gánh nặng cơm áo gạo tiền khiến cháu không còn nhiều thời gian để dành riêng cho mình nữa. Cho đến hôm nay, khi mà cháu không có ai để tư vấn cho mình vấn đề mà cháu đang không biết phải nên làm thế nào. Xin cô dành thời gian đọc và cho cháu một lời khuyên cho vấn đề mà cháu đang phải suy nghĩ rất nhiều này cô nhé.
Cháu sinh năm 1980, hình thức ưa nhìn. Cháu lấy chồng năm 24 tuổi, 25 tuổi sinh con trai đầu lòng, 33 tuổi sinh thêm một con gái. Chồng cháu hơn cháu 9 tuổi, già, xấu, kiệt và hơi yếu sinh lý. Cho tới giờ cháu vẫn tự hỏi mình rằng không hiểu cháu lấy anh ấy vì điều gì nhưng chắc chắn không phải vì cháu yêu anh ấy quá. Có lẽ vì duyên số cô ạ.
Vấn đề bắt đầu phát sinh ngay từ ngày cưới chính bởi sự quyết định đi đến hôn nhân vội vàng của cháu. Hôm cưới, mọi thủ tục xong xuôi cháu tìm phòng để thay đồ thì mới biết chồng và gia đình chồng không chuẩn bị cho vợ chồng mới một phòng riêng mặc dù nhà chồng rất rộng. Cảm giác buồn, tủi vì không được quan tâm khiến cháu không thể vui lên nổi mà chỉ trực khóc. Không có phòng riêng chúng cháu phải đi ngay trong ngày về nhà trọ mà hai đứa trước khi cưới đã thuê sẵn.
Rồi một năm sau cưới, suốt thời gian bầu bí cháu khóc triền miên vì chồng chẳng quan tâm hỏi han hay động viên được một câu. Tưởng lấy chồng già hơn tuổi thì được chiều hơn nhưng cháu đã nhầm. Tiền thì anh không đưa cho một tháng lương nào mà chỉ tìm cách lấy thêm tiền của cháu. Vì thuê trọ nên anh lấy lý do là không an toàn nếu để tiền ở nhà, vậy là anh tỉ tê với cháu để cháu đưa hết tiền mừng đám cưới, tiền tiết kiệm trước khi lấy chồng để anh cất ở cơ quan (vì anh có két riêng)cho an toàn. Mới lấy nhau một phần vì nể, phần vì còn tin tưởng nên cháu nghe lời và làm theo mà giờ mới thấy mình dại quá.
Sự thất vọng về người chồng của mình ngày một tăng khi cháu sinh con và ở nhà chăm bé. Đi đẻ mà anh không hỏi cháu được một câu là có tiền hay không, cũng không quan tâm đến vợ đau đớn như thế nào. Cháu thì vì giận mà cũng chẳng thèm hỏi đến tiền của anh, cứ tự một mình chi trả hết cô ạ. Cho đến khi ở nhà hơn một năm thì số tiền cháu tiết kiệm được dần dần tiêu hết, cháu bắt đầu phải hỏi đến tiền của chồng. Và cháu cũng bắt đầu biết thế nào là tủi nhục khi sống phụ thuộc vào người khác. Mối tháng anh đưa cháu chỉ một số tiền nhất định, làm thế nào cho đủ là việc của cháu, kể cả tháng đó cháu hay con có ốm đau thuốc men tốn kém như thế nào anh cũng không đưa thêm (số tiền đó chỉ đủ cho cháu lo cho 3 người ngày 3 bữa com bình dân thôi ạ). Có những lúc cháu không có một nghìn nào phải sang vay hàng xóm, nhục lắm cô ạ. Và trong một lần cãi vã, anh đã nói thằng con cháu không phải là con anh. Cháu cay đắng mà nói với anh rằng nếu anh không tin nó là con anh thì anh hãy đi làm xét nghiệm ADN. Nhưng cũng chính giây phút ấy tình cảm còn lại cháu dành cho anh cũng hết. Cháu đã viết đơn ly hôn nhưng rồi cháu không bỏ anh ấy được vì gia đình và vì con cháu nữa. Cuộc sống nhạt nhẽo bên người chồng vũ phu, gia trưởng, keo kiệt và xấu xí kiến cháu nhiều khi muốn phát điên. Con trai được một tuổi rưỡi,cháu đi làm lại và không còn phụ thuộc vào kinh tế của chồng nữa nhưng tình cảm thì ngày càng trở nên bế tắc.
Chồng cháu là người yếu sinh lý nên từ khi lấy anh cháu không biết thế nào là cảm giác hạnh phúc của một người đàn bà theo đúng nghĩa đen cũng như nghĩa bóng cô ạ. Anh chỉ đến bên cháu như việc đói thì ăn, khát thì uống, no rồi thì đi. Cảm giác cô đơn, trống trải trong chính ngôi nhà mình luôn thường trực mỗi khi đêm về luôn hành hạ cháu, khiến cháu không ngủ được.
Trải qua năm năm bên người chồng khô khan và lạnh nhạt, nỗi tủi hờn dần nguôi ngoai, cháu cam tâm hy sinh vì con để con có cả bố và mẹ ở bên. Nhưng anh đã không để cho cháu yên phận. Anh luôn tìm cớ chửi bới mỗi khi cháu đi làm về muộn như đi thăm đồng nghiệp ốm, bạn bè sinh nở hay bất kể là lý do gì. Mỗi lần như vậy, cháu thường đưa con ra ngoài để không cãi nhau to làm tổn thương đến con thì anh lại thay khóa hoặc khóa cửa bên trong không cho mẹ con cháu vào nhà. Khi đó, cháu lại phải tìm đến nhà cậu anh ấy để ngủ nhờ chứ không dám về nhà mẹ vì sợ anh vu khống là cháu đi ngủ với trai.
Đau khổ tụt cùng mà cháu không dám bỏ anh ta vì rào cản quá lớn của người chị gái cháu đã một lần ly dị chồng. Cháu chỉ biết cắn răng chịu đựng người chồng ích kỷ, bủn xỉn để bố mẹ không xấu hổ vì nếu cháu bỏ chồng thì ông bà buồn và xấu hổ với thiên hạ vì có hai con gái thì cả hai bỏ chồng thì nhục quá. Chính vì điều đó mà cháu cứ sống như thế cho đến hôm nay là đã được mười năm tròn rồi cô ạ.
Mười năm với hai đứa con, hai lần mổ đẻ tủi hờn, nhiều lần nằm viện chỉ có một thân một mình mà chẳng dám gọi đến bố mẹ sợ bố mẹ buồn thương con gái. Mười năm với không biết bao nhiêu lần chồng chửi rủa tất cả những ai liên quan đến vợ mỗi khi không vừa lòng bất cứ việc gì. Mười năm với không biết là bao nhiêu lần bị chồng đuổi ra khỏi nhà phải bế con đi ngủ nhờ nhà người khác. Nhưng tới giờ thì sức cháu đã kiệt, cháu không thể sống như thế này được nữa. Cháu là người có học, có việc làm và thu nhập ổn định cháu không muốn tuổi xuân của mình qua đi một cách lãng phí nữa. Cháu muốn sống chứ không phải là tồn tại như cháu vẫn tồn tại. Cháu muốn sống cho cháu chứ không phải sống cho người khác nữa.
Giờ đây và cũng là từ nhiều năm về trước nhu cầu sinh lý của cháu đã nguội lạnh, nhưng cháu vẫn có nhu cầu về sự chia sẻ, sự quan tâm của ai đó dành cho mình. Cháu thèm được yêu thương vỗ về mỗi khi buồn phiền, thèm được dựa vào vai ai mỗi khi mệt mỏi lắm cô ơi. Cháu đã hứa với chính mình rằng sẽ không bao giờ ngoại tình để bôi nhọ danh dự gia đình cháu, nhưng sẽ bỏ chồng chừng nào không còn chịu đựng được nữa. Và giờ là lúc cháu thấy mình không còn sức chịu đựng nữa cô ạ.
Ly hôn là cháu làm tổn thương con của cháu, là làm buồn lòng cha mẹ mình, là làm mất danh dự của chính mình và là điều mà cháu không muốn làm nhất. Nhưng giờ cháu mệt mỏi, ngột ngạt mỗi khi bước chân về nhà và cháu sợ mình sẽ tìm đến cái chết để giải thoát cho cháu mà không để lại tai tiếng cho bố mẹ. Cháu sợ mình có lúc nào đó nghĩ quẩn mà làm liều vì đã nhiều lần cháu nghĩ đến cái chế rồi. Hình như cháu đã mắc chứng trầm cảm thật rồi cô ạ.
Cháu phải làm sao bây giờ? Cháu có nên ly hôn khi mà con cháu còn nhỏ quá (bé thứ hai mới 2 tuổi), bố mẹ thì già yếu không biết còn sống được bao lâu nữa. Chị gái thì hai lần chồng, một anh trai chưa vợ thì bị bạn lừa mới phá sản. Anh còn lại thì cũng hai lần vợ. Nhà cháu mạt vận rồi, không biết kiếp trước gia đình cháu có ai ác không mà kiếp này anh chị em cháu khổ quá. Xin cô cho cháu lời khuyên sớm cô nhé để cháu có quyết định sáng suốt hơn.
Cháu chân thành cảm ơn cô!
Thanh tâm trả lời:
Cháu thân mến!
Qua những dòng tâm sự của cháu cô rất thương cảm và bất bình với người đã gây ra tình cảnh đau khổ triền miên cho cháu. Đúng là đã không thể giải quyết được để cải thiện hơn cho quan hệ của vợ chồng cháu thì giải pháp ly dị để giải thoát cho nhau là phải tính đến. Nhưng cô vẫn nghĩ, không lẽ một người vợ tận tình và chịu đựng vì chồng vì con như vậy mà lại không có sức lay chuyển cảm hóa một người chồng đã già dặn hơn cháu những 9 tuổi. Có một cái gì đó ở cháu hình như chưa thực sự thông cảm, chưa thực sự thấu hiểu một người chồng cao tuổi mang nếp nghĩ, nếp sống của người nông dân nhỏ nhặt , manh mún, gia trưởng. Vì nếu cháu am hiểu và thấu cảm với gia cảnh của người chồng nông dân hơn tuổi thì cháu đã không sửng sốt đến vậy ngay trong ngày cưới, cháu đã không chê chồng cháu yếu sinh lý, xong “việc” là lăn ra ngủ v.v. Bởi người vợ am hiểu, yêu chồng đóng vai trò rất lớn trong việc cải thiện khả năng sinh lý và kỹ năng làm “chuyện ấy” của chồng. Cháu đã chưa làm được nhiều để cảm hóa, cải thiện và tin tưởng nơi chồng cháu. Các cụ dạy “ tiên trách kỷ, hậu trách nhân” cháu ạ. Cháu muốn thay đổi chồng cháu, trước hết hãy thay đổi chính mình, hãy một lần yêu thương anh ấy thực lòng, vì anh ấy, tôn trọng anh ấy cháu sẽ thấy lòng mình thanh thản hơn, yêu các con hơn, yêu gia đình hơn, muốn sống hơn. Cho tình yêu mới được yêu thương, cho hận thù đổi lấy thù hận cháu ạ.
Chúc cháu thành công và hạnh phúc.
Tư vấn Thanh Tâm.