Đồng bằng sông Cửu Long có những đặc sản mà du khách thoáng nhìn qua thấy 'rợn người' như món thịt chuột. Với người miền Tây, đó là một thú vui ẩm thực, là món thu hút khách du lịch nơi xa. Ai về thăm miền Tây mùa nước nổi đều nhất định phải ăn cho được miếng thịt chuột quay lu mới thỏa.
Khi ngoài đồng đã thu hoạch lúa xong, mùa nước nổi về, chuột không còn chỗ trú ẩn, dạt vào vườn. Vào thời điểm này bà con nông dân ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bắt đầu chuẩn bị đồ nghề để bẫy chuột, sôi động nhất là ở Sóc Trăng, Bạc Liêu, Hậu Giang.
Chuột sau khi đã được làm sạch, treo trong lu, quay chín vàng. |
Cách làm chuột quay lu cũng khá công phu. Chuột quay lu phải là những con mập, còn sống, nhất thiết phải nhổ lông chứ không được cạo. “Làm lông” phải biết “pha nước”, nước sôi quá khiến chuột bị tróc da, còn hơi nguội thì không đủ sức rứt lông ra. Sau khi chuột được làm lông sạch sẽ, để lại da ướp ngũ vị hương, gia vị rồi gài vào móc sắt đem treo giữa lu khạp (lu này dân miền Tây còn gọi là mái đầm), đậy nắp thật kín.
Dưới đáy lu khoét một lỗ thông ra ngoài nền đất âm để bỏ than vào nướng. Sau nửa giờ, giở nắp lu ra trở bề con chuột cho chín đều và đậy nắp lu lại, khoảng 15-20 phút thì lấy ra, thoa một lớp mỡ lên cho da để chuột bóng mướt, vàng ruộm, thơm phức. Thịt chuột phải ăn kèm với xoài băm nhỏ, rau răm, tía tô, húng nhủi, dưa leo chấm muối tiêu chanh mới đúng điệu.
Các quán nhậu miền Tây còn chế biến thêm nhiều món lạ từ thịt chuột như chuột xào lá quít, lá gừng, chuột nướng sả ớt, chuột khìa nước dừa, chuột rô-ti nhưng độc đáo và được ưa chuộng nhất vẫn là món chuột quay lu.
Món thịt chuột hấp dẫn thực khách xa gần. |
Loài chuột tuy bị lên án vì sự phá phách của nó nhưng những món ăn thơm ngon bổ dưỡng từ thịt chuột đã góp thêm vào sự đa dạng, phong phú văn hóa ẩm thực ở vùng quê sông nước miệt vườn nói riêng và ẩm thực Việt Nam nói chung. Ai đã một lần ăn thử chắc chắn sẽ còn muốn ăn thêm nhiều lần nữa.