Chuyện shock 2011-12-30 09:04:54

Chuyện cổ tích của người chị mù nuôi em tàn tật


[size=2]Họ là hai chị em ruột trong một gia đình nghèo. Người chị bị mù bẩm sinh, người em mắc chứng bệnh phù thũng, đờ đẫn. Cuộc sống của một người mù nuôi một người bệnh tật suốt bao nhiêu năm qua tưởng chừng chỉ có trong những câu chuyện cổ tích.[/size] Nhưng câu chuyện đó lại hiện hữu giữa đời thường về hai chị em Bùi Thị Hồng (62 tuổi), Bùi Thị Nục (56 tuổi) ở thôn thủ chính, xã Thành Trực, (Thạch Thành, Thanh Hóa).

Tuổi thơ đẫm lệ của hai chị em

Đôi vợ chồng Bùi Văn Khuyên và Quách Thị An, người dân tộc Mường, không nghề nghiệp, họ sống chủ yếu dựa vào vùng đất trống ven đồi, lao động bằng đôi tay chai sạn để kiếm miếng cơm, manh áo. Nhưng cuộc sống ở cái vùng heo hút này, làm việc quần quật cả ngày, có được của ăn của để đối với họ cũng rất hiếm hoi.

Rồi bất hạnh lại đến khi trụ cột của gia đình (ông Khuyên) qua đời sau một trận ốm, bỏ lại người vợ thơ dại cùng đứa con mù Bùi Thị Hồng, khi đó vừa được 5 tuổi.

Chồng mất khi bà An mang bầu khiến cuộc sống càng hiu hắt, tẻ nhạt. Đứa con thứ hai Bùi Thị Nục ra đời lành lặn, bà cảm thấy gánh nặng vơi đi phần nào. 3 mẹ con sống tần tảo trên túp lều ven đồi bằng việc trồng sắn, trồng ngô.

Hai chị em tật nguyền bám trụ nhau vượt qua giông bão cuộc đời
Cuộc sống ảm đạm trôi qua theo năm tháng. Mái nhà của gia đình họ là túp lều rách nát không có một thứ gì đáng giá, mọi thứ đều thiếu thốn đủ bề và quanh ra quẩn vào vẫn chỉ là mấy mớ rau quanh vườn và cây ngô, cây sắn trên lưng chừng đồi.

Cũng vì cái đói cái nghèo mà Nục học chưa hết lớp 2 đã phải bỏ học theo mẹ lên rừng lượm nhặt cây keo, cây nứa đem ra chợ bán.

Ngày ngày, người mẹ dẫn theo cô út lên rừng, còn Hồng ở nhà do bị mù nên việc đi lại với gặp vô vàn khó khăn. Lân la hết chỗ này chỗ nọ, nhiều lúc ngã chổng kềnh nhưng Hồng vẫn không nản mà tiếp tục đứng dậy đi. Vấp ngã nhiều rồi cũng thành quen. Những vật dụng trong nhà cũng không còn lạ lẫm nữa mà đã dần trở nên thân quen với bàn tay, đôi chân của bà. Từ việc múc nước, nhóm lửa, hay tự tay chẻ củi, mở khóa, Hồng đều có thể tự làm độc lập nhờ cảm giác cùng khả năng phán đoán nhạy bén của mình.

Bị mù bẩm sinh, nhưng cô Hồng vẫn cáng đáng tất cả mọi công việc để nuôi người em bệnh tật.
Thế nhưng khổ hạnh như vẫn bao trùm lên ba phận người khốn khổ ấy. Nục trong một lần theo mẹ lên rừng chặt cây keo cây nứa, do bất cẩn bị cây nứa va vào người ngã rúi rụi làm mặt mày xây xát, răng rụng mất hai chiếc, chân sưng tấy. Cũng từ tai nạn đó, Nục trở nên đờ đẫn như người mất trí.

Một tay hai nách nuôi con vừa mù vừa đần độn, bà An làm quần quật để nuôi 3 miệng ăn. Gắng gượng, dẻo dai lắm đến khi Hồng 14 tuổi thì sức khỏe của bà chùng xuống rõ rệt, không thể làm được như trước nữa và rồi sinh bệnh.

Da trắng bệch, chứng bệnh phù thũng vẫn đeo bám cô Nục
Mẹ bệnh tật, hai đứa con không biết làm gì nên hột gạo để có cái ăn đành dắt díu nhau đi ăn xin.

Tuổi thơ của hai chị em cứ thế trôi qua. Người em thập thọt đôi chân do vẫn còn di chứng tai nạn dìu dắt người chị mù lang thang khắp các nẻo đường kiếm ăn. Tối về 3 mẹ con lại cơm nắm tạm bợ từ ăn xin được sống qua ngày.

Cuộc sống cứ thế duy trì đến năm Hồng 38 tuổi thì bà An qua đời. 2 chị em vẫn tiếp tục hành nghề bằng công việc duy nhất là đi ăn xin, tối lại trở về cái túp lều “chuồng lợn” rách nát là tài sản giá trị nhất mà cha mẹ để lại.

Vượt qua giông bão

Như nhiều người phụ nữ khác trong làng, khi người phụ nữ đến tuổi trăng tròn sẽ có trai làng đến ngó nghiêng, tán tỉnh tâm sự, nhưng phận đời hẩm hiu của hai chị em tật nguyền này thì chưa một lần được hưởng cái phúc ấy, chưa một lần được biết “vị ngọt” của tình yêu và cuộc sống tươi đẹp bên ngoài đối với họ chỉ toàn là những thứ u ám, tối tăm và tẻ nhạt. “Người thân còn nhiều nhưng họ không coi mình ra gì vì bản thân tàn tật, không làm được gì mà ăn”- giọng bà Hồng chùng xuống.

Không chồng con, cũng chẳng người thân thích. Cuộc sống thường nhật của 2 chị em chỉ trông chờ vào những bát gạo, bát sắn của những người hàng xóm tốt bụng và nghề ăn xin. Đôi chân trần của 2 chị em cứ thế rong ruổi khắp đường núi để có được cái ăn qua ngày.

Đắng cay, tủi nhục là thế tưởng chừng sẽ là tận cùng của tủi nhục, đắng cay, nhưng cái khổ hạnh vẫn tiếp tục đeo bám tận cùng hai chị em tội nghiệp ấy.

Nục bước sang tuổi tứ tuần bị mắc một chứng bệnh lạ, người phù thũng, béo mọng, bụng ngày càng to phình ra, sức khỏe yếu, không thể đi lại như trước được nữa. Thương em vô ngần, nhưng người chị chỉ biết khóc và chờ đợi một phép màu kỳ diệu sẽ giúp em mình khỏi bệnh: “Bản thân bị mù không thể làm gì cứu em ngoài việc xin nhà hàng xóm ít gạo để em sống được ngày nào hay ngày đấy”.

Từ đó, Hồng không còn người dẫn đường mà phải tự mày mò một mình đi xin ăn. Như được ông trời dắt đường, đôi chân trần của Hồng cứ thế lê la khắp các nẻo đường, xóm ngõ. Đến gia đình nào Hồng cũng chia sẻ về bệnh tình của em mình nhưng mọi người đều lắc đầu ngao ngán.

May mắn thay, trong một lần lếch thếch đi xin ăn ở ngoài chợ làng, Hồng được một người mách cho địa chỉ một ông thầy lang có loại thuốc có thể chữa được bệnh phù thũng. Biết được tin này, Hồng lê la tỉ tê gặp ai cũng hỏi địa chỉ, đến nỗi đôi chân đã mệt nhoài nhưng Hồng vẫn không chùn bước vì thương em và nỗ lực của chị cũng được đền đáp khi tìm được địa chỉ của vị lang y lúc trời đã tối sầm. Cảm thương trước hoàn cảnh của hai chị em, ông thầy lang không những không lấy tiền thuốc mà còn cho chị thêm tiền và cho ở lại qua đêm vì sợ Hồng đi đường gặp rủi ro.

Bài thuốc do hai chị em lượn nhặt từ lá cây trên đồi
Hôm sau, bà mò mẫm mang thuốc về cho em. Như gặp được thuốc tiên, sau khi dùng thuốc của thầy lang, bụng của bà Nục không còn xệ và phình như trước nữa, sức khỏe được cải thiện đáng kể. Sau khi khỏi bệnh bà dẫn em gái đến cảm tạ thầy lang. Như thấu hiểu được hoàn cảnh bất hạnh của 2 chị em, ông đã truyền lại cho Hồng bài thuốc chữa phù thũng và căn dặn nếu bệnh của em tái phát cứ lên rừng lấy loại lá này nhào nặn thành viên khô, uống là khỏi.

Một tia hi vọng lóe lên, Hồng theo em về nhà và tiếp tục rong ruổi cuộc sống đi xin ăn. Cứ thế, con đường từ chợ làng đã hằn lên những dấu chân của 2 chị em. Thương cảm cho hoàn cảnh của 2 người, các gia chủ mà 2 bà đến xin đều hỗ trợ cho vài đồng, hoặc ít gạo, có khi là miếng thịt, miếng cá mang về.

Mơ ước có một chiếc máy nghiền!

Cuộc sống ăn xin cứ vạ vật với hai chị em trong túp lều rách nát. Cho dù là những con người cùng khổ nhưng họ vẫn không từ bỏ khát vọng, ý chí vươn lên. “Sống kiếp ăn xin trọn nửa đời người, tôi cũng muốn làm được một việc gì đấy để cuộc sống thêm phần ý nghĩa hơn”. Hồng nói cứng rắn hơn.

Nhờ có bài thuốc của ông thầy lang, Hồng cùng em gái mò mẫm lên rừng tìm loại lá có thế chữa được bệnh phù thũng mà ông thầy lang mách đem về phơi khô, sau đó hai chị em lại dìu dắt ra tận chợ huyện tìm máy nghiền, rồi lếch thếch về nhà nhào nặn thành những viên thuốc dạng viên. Chả mấy chốc, trong ngôi nhà đã đầy những loại thuốc, lá và rễ cây lạ.

Dạng thuốc nước và thuốc bột được hòa trộn vào nhau, nhào nặn thành dạng viên. Sau đó được mang ra chợ bán. Theo cô Hồng có thể chữa được bệnh phù thũng
Những viên thuốc sau khi được nhào nặn có dạng hình bi ve, hai chị em lại lầm lũi mang ra chợ làng bán. Không biết thuốc của bà có chữa được hay không nhưng bà nói mỗi lần nào mang ra chợ thuốc của bà cũng không còn một viên. Nhiều người còn đến tận nơi để xin lấy thuốc mang về.

Từ khi chuyển sang “nghề” bán thuốc, hai chị em bà không còn phải đi ăn xin nữa.

Niềm vui nhen nhóm khi năm 2010 chính quyền xã và bà còn thương tình đã xây tặng hai chị em bà một căn nhà tình nghĩa, thoát khỏi kiếp sống tồi tàn trong túp lều rách nát. Ngoài ra hai chị em cũng được hưởng trợ cấp 180,000/tháng, từ đó cuộc sống cũng đỡ khổ hơn.

Mong ước của hai chị em là có được chiếc máy nghiền để kiếm bữa ăn qua ngày

Anh Bùi Văn Cương, người hàng xóm chia sẻ: “Nhà bà ấy nghèo lắm, cha mẹ mất sớm chỉ để lại mỗi túp lều. Bà Hồng bị mù vẫn có thể nuôi được người em bệnh tật. Năm vừa rồi chính quyền cùng người dân có hỗ trợ xây cho hai chị em họ một căn nhà tạm bợ để có chỗ nương tựa tuổi già. Việc bà Hồng bán thuốc không biết có hiệu quả không nhưng nhiều người vẫn đến mua, một phần vì thương hại hai chị em, một phần vì họ muốn dùng thử những viên thuốc do một người mù có thể tự tay điều chế xem thế nào”.

Có được chỗ ở mới khi cái tuổi đã gần xế chiều, hai chị em bà mừng rớt nước mắt. Ước mong lớn nhất của bà Hồng hiện nay là có được một chiếc máy nghiền thuốc để hai chị em đỡ phải vất vả rong ruổi ra tận chợ huyện.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)