[justify]
Chiếc Captiva trong công đoạn đánh bóng sơn trước khi xuất xưởng |
[justify]Xóa "quá khứ đau buồn"[/justify]
[justify]
Theo chân anh bạn có xe bị TNGT đang sửa chữa tại một gara trên đường Lĩnh Nam, Hà Nội, ban đầu tôi chỉ muốn tìm tòi thêm một số bí quyết nghề nghiệp của thợ sửa chữa xe hơi. Nhưng, những gì tận mắt chứng kiến và nghe những người thợ kể lại, tôi đã thay đổi ý định ban đầu. Nằm cuối con phố Lĩnh Nam, một trong những nơi tập trung nhiều gara sửa chữa xe hơi nhất ở Hà Nội hiện nay, gara P.H được cánh lái xe đường dài và dân buôn bán ô tô cũ tìm đến nhiều nhất. Dân lái xe thì đa số là mang xe bị tai nạn đến sửa chữa, còn dân buôn đến để "săn" những chiếc xe bị nạn nhằm mua lại. Như được sinh ra thêm một lần nữa, sau khi lột xác, nhiều khả năng chúng sẽ thuộc về một chủ xe mới và đa số chủ xe tiếp theo sẽ mãi mãi không biết đến "quá khứ đau buồn" của chiếc xe.[/justify]
[justify]
Bước vào gara, đập vào mắt tôi là không gian rộng chừng hơn 1.000 m2 với hàng chục chiếc xe đang trong quá trình hồi phục, nhiều chiếc méo mó không còn hình dạng của chiếc xe nữa, chỉ trơ lại chiếc khung sắt lồi lõm do va đập mạnh, dưới sàn xe vẫn loang lổ vết máu khô và kính xe nát vụn. Tiếp chúng tôi là chị Trần Cẩm Ly, vợ anh Hoàng chủ gara. Chị Ly cho biết, chiếc xe Chevrolet Captiva của anh bạn tôi đang trong quá trình hoàn thiện, nhiều khả năng sẽ hoàn thành trước dịp nghỉ lễ 30/4. Xe này gặp tai nạn trên đường đi Lạng Sơn, lái xe ngủ gật đã đâm vào gốc cây ở lề đường. Rất may khi đó trời tối nên không va vào ai, và may hơn nữa là 5 người ngồi trên xe chỉ bị thương, riêng lái xe là bị nặng nhất với 2 xương sườn bị gẫy và chấn thương ở vùng đầu. [/justify]
[justify]
Những mánh lới [/justify]
[justify]
Ban đầu chị Ly tỏ ra khá thận trọng khi biết tôi muốn viết bài đăng báo về gara của vợ chồng chị, bởi rất có thể nó sẽ ảnh hưởng tới công việc làm ăn của gia đình, nhưng sau khi nghe tôi giải thích chị niềm nở và không cảnh giác khi nói chuyện. Chị Ly cho biết, gara được thành lập từ năm 2001, là toàn bộ cơ ngơi, vốn liếng của gia đình chị dốc vào, ban đầu ở đây cũng giống như những gara khác là nhận sửa chữa tất cả các loại xe, nhưng sau 2 năm hoạt động, do anh Hoàng chồng chị có nhiều khách quen biết chạy xe đường dài, xe chở hàng hóa liên tỉnh… Sửa chữa uy tín, không làm giá thay thế phụ tùng, tiền công vừa phải nên gara của vợ chồng chị được cánh lái xe truyền tai nhau tìm đến ngày một nhiều. Lâu dần, nơi đây chỉ còn lại những khách hàng "chuyên biệt" như vậy và đến nay 100% xe đang sửa chữa ở đây đều là xe gặp TNGT. Tuy lúc nào cũng có ít nhất 10 xe, khi cao điểm lên đến 20 xe nằm chờ phục chế, nhưng một điều lạ là rất ít khách hàng ra vào như các gara khác bởi có lẽ chủ xe đã ra đi, hoặc không muốn nhìn chiếc xe của mình khi chúng vẫn còn méo mó, cũng rất có thể chủ xe cũng đang trong quá trình "hồi phục" ở bệnh viện nào đó… "Nhiều trường hợp xe đã hoàn thành nhưng gọi điện thì chủ xe "né" không muốn đến nhận xe, họ tìm đủ lý do để kéo dài thời gian tới nhận xe, bởi đây là lúc chủ xe đang rao bán chiếc xe gặp nạn, khi nào có khách mua mới lấy xe, vừa đỡ mất công đi lại, mất tiền gửi xe ở các bãi công cộng…" - chị Ly cho biết.[/justify]
[justify]
Cũng theo chị Ly, do chồng đi ngoại giao nhiều nên công việc sổ sách, thu chi của gara gần 30 đầu thợ này đều do chị quán xuyến. "Nhiều lúc đến gara chị có cảm giác như đang trong bệnh viện", chị nói. Gara cũng được chia theo các nhóm thợ như dạng từng phân xưởng trong nhà máy, nhóm phụ trách gò, hàn, nhóm sơn, nhóm nội thất, điện. Sau nhiều năm trong nghề, gara của chị đã lột xác không biết bao nhiêu chiếc xe gặp nạn, từ những xe "cỏ" có giá 200 - 300 triệu đồng cho đến cả "siêu" xe chục tỷ đồng đều đã ra vào nơi đây. Anh Thành, một thợ sửa chữa của gara cho biết, xe gặp TNGT lại chính là hàng "hót" được dân buôn bán xe cũ săn lùng bởi xe loại này dễ ép giá. Sau khi "mông má", chúng lại bóng bẩy chẳng khác gì những chiếc xe mới. Hầu như xe đã được bán cho dân buôn sẽ bị họ "đơn giản hóa" việc sửa sang thay mới phụ tùng đi rất nhiều theo hướng giảm chi phí ở mức thấp nhất. Điển hình là vụ chiếc Toyota Innova của ông khách ở Vĩnh Phúc, dù mới sử dụng được 2 năm, sau khi tai nạn đưa xe đến gara này đã được dân buôn mua lại ngay tại xưởng với giá chỉ 300 triệu đồng. Dù lưới két nước, ro tuyn lái, bánh răng quả dứa của xe này đã hư hại hoàn toàn nhưng chủ xe mới chỉ đòi phục chế. Dù được thích là sẽ không an toàn và nguy hiểm như thế nào khi không thay mới nhưng chủ xe mới không nghe nên chiếc xe đó đã được mang tới một gara khác sửa chữa. "Chỉ tội cho những ai mua phải chiếc xe đó", anh Thành tâm sự. [/justify]
[justify]
Còn theo chị Ly, nhiều năm làm trong nghề chị chứng kiến nhiều vụ xe gặp nạn rất thảm khốc và ly kỳ. Tất cả những xe sửa chữa ở đây từ nhiều năm trước chị đều ghi lại BKS, mức độ hư hại, công việc sửa chữa… Chẳng hạn như chiếc xe Kia Morning mang BKS Hà Nội, 2 năm trước đã gặp nạn ở đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, 2 trong số 3 người ngồi trên xe thiệt mạng. Theo suy đoán của chị, chiếc xe này đã được bán lại ngay sau khi sửa chữa xong tại gara của mình. Và cách đây 2 tháng, tình cờ nó đã trở lại gara dù chủ xe mới này không hề biết nó đã từng đến đây. Thật ly kỳ, vụ tai nạn lần này cũng xảy ra trên cung đường đó (chỉ cách đoạn tai nạn lần trước khoảng 200m) và cũng cướp đi 2 mạng người. Sự việc vẫn được giấu kín giống như cam kết của chị với khách hàng. [/justify]
[justify] [/justify]