(TT&VH Cuối tuần) - Để thực hiện một live show, có nhiều lý do lắm, nhưng phổ biến là: kỷ niệm một chặng đường hoạt động nghệ thuật. Ẩn chứa trong mục tiêu ấy là một “tham vọng” - mà không một chủ nhân live show nào muốn nói ra - là làm mới tên tuổi, thăm dò vị trí và sức hút của mình đối với công chúng. Vì thế, có những live show đậm đặc “nhân tố mới” bao gồm: ca khúc mới, khách mời vừa mới vừa đông, phong cách mới khác người - khác cả chính họ trước đây… đành phải nhận lấy sự thất bại đến nao lòng! Giá trị của một sản phẩm văn nghệ, dù thế nào chăng nữa, cũng phải được công chúng chấp nhận và đón nhận.
>> Tập hợp các bài viết về giải Cống hiến
Chuyện tình yêu của Quang Dũng là một live show nhiều cái “cũ”, từ bài hát đến cách hát. Sau đêm diễn rất thành công, có một nhận xét tuy hơi “tả chân” về cách hát của Quang Dũng, nhưng theo tôi đó cũng là một nét “cũ” thuộc về sản phẩm hàng hiệu mà chẳng ai dại gì “tân trang”, “mông má”. Thật khó hình dung Quang Dũng hát mà không nghiến chữ, không nhắm mắt, không quơ tay múa chân, lắc lư cái đầu và lắc lư cái mình rồi chạy qua chạy lại suốt chiều ngang sân khấu như nhiều ca sĩ khác. Nhưng đừng vội cho rằng vì vậy, xem Quang Dũng hát không thấy… mới!
Đêm đó, nào là Love story, A time for us, Comme toi, Sayonara, Speak sofly love, Hận tình trong mưa, Trái tim lầm lỡ, Thuyền viễn xứ… cùng với những hình ảnh lãng mạn của Roméo-Juliette, Jack-Rose của Titanic “đổ bộ” vào không gian âm nhạc làm khán giả lịm người. Những tình khúc bất hủ của những chuyện tình bất hủ hòa quyện với những bản tình ca viết đã lâu rồi, nhưng lại dường như dành cho mọi thời. Mà, khán giả đâu có ít - đầy hết khán phòng từ trên lầu xuống dưới đất. Chỉ cần vài tiếng chép miệng chán ngán “lây nhiễm” theo kiểu “hiệu ứng domino” là bể show. Nhưng, từng chặp một, khán giả bung ra những tràng pháo tay cổ vũ khó diễn tả thành lời, vì trong đó không chỉ là sự tán dương, khen ngợi ca sĩ mà còn có cả sự cộng hưởng cảm giác hạnh phúc khi được thưởng thức những bài hát hay, trong một chương trình hay. Cảm giác này thật khó tìm thấy trong nhiều chương trình ca nhạc mang tính chất “ẩm thực” lắm món mà chẳng ngon. Vì nó khó tìm, nên khi có nó, đó lại là cái mới!
Khách mời ít và cũng… cũ: nghệ sĩ saxophone Trần Mạnh Tuấn và diva Hồng Nhung. Lại những bài đã từng quen: Tình nhớ, Ru đời đi nhé… Ê kíp thực hiện chương trình cũng cũ nốt - cũ đến độ chỉ cần nhắc cái tên cũng thấy được người đó đứng trước mặt: đạo diễn Huỳnh Phúc Điền, các nhạc sĩ Lê Quang, Hoài Sa, Quốc Bảo, Vĩnh Tâm! Nhưng, đó cũng vẫn là cái “cũ” của những thương hiệu đạt độ tin cậy có thể làm nên chút gì mới thực sự không gây khó chịu, trong thời buổi lao nhao này. Sàn diễn thiết kế đơn giản như chính tình yêu đích thực vốn đã không màu mè, những tình khúc cũ chiếm hết 2/3 chương trình nhưng phần nhạc với hòa âm được soạn mới mang màu sắc hiện đại hơn, nghe đỡ “buồn” hơn. Và, quan trọng hơn hết, tiếng hát của người ca sĩ đã quyết lòng chọn dòng nhạc trữ tình, lãng mạn để sống chết với nó, để khán giả còn có dịp nghe những ca khúc hay thường được mào đầu ở phần intro “vừa, chậm, buồn, tha thiết” mà không phải bất cứ ca sĩ nào cũng có thể thành công, đặc biệt là thành công trên một chặng đường dài. Đó là đam mê của họ và đó là cống hiến của họ cho sự nghiệp âm nhạc không chỉ riêng của chính mình.
Cái gọi là “nhân tố mới” không nhất thiết phải là mới toe, mới bóc tem, cái mới đôi khi bước ra và bừng lên từ cái đã cũ. Làm được điều đó và được khán giả đón nhận chẳng phải dễ dàng gì, trong thời lên ngôi của hip-hop, của rock, của… nhảy tưng tưng, hú hét ầm ào vỡ cả tim!
Bạch Mai (Báo Phụ nữ TP.HCM)