Chuyện shock 2010-04-07 16:15:58

Có bao giờ bạn hỏi "Tại sao?"


Vì sao nhện nước không bị chìm?


Nhện nước.

Thật dễ hiểu vì sao nhện nước có thể trôi nổi và lướt đi trên bề mặt ao hồ và các con suối. Nhưng đến tận giờ, người ta vẫn chưa rõ bằng cách nào loài côn trùng này không bị chìm, ngay cả trong mưa bão quăng quật hoặc khi nước cuốn.

Khi nghiên cứu dưới kính hiển vi cực mạnh, các nhà khoa học Trung Quốc đã phát hiện thấy quanh chân của chúng là hàng nghìn sợi lông tí hon, mỗi sợi chỉ dài khoảng 50 micromet. Các sợi lông này xù ra những chùm tơ cực nhỏ, "bẫy" không khí vào bên trong và tạo ra lớp đệm ngăn cách chân của nhện với mặt nước, đồng thời làm tăng sức nổi của con vật.

"Tính kỵ nước của lớp bọt khí này có thể đã hỗ trợ chúng đứng vững trên mặt nước", Lei Jiang, thuộc Viện hàn lâm khoa học Trung Quốc ở Bắc Kinh, đồng tác giả của nghiên cứu, nhận định.

"Các đụng chạm nhẹ hoặc nhiễu loạn có thể phá vỡ cân bằng này. Song, lớp đệm khí ở chân của nhện nước có thể giúp chúng di chuyển nhanh chóng và lấy lại thăng bằng trên mặt nước, ngay cả trong mưa bão hoặc các biến động khác".

Jiang lưu ý rằng những đặc điểm tương tự mà các động vật khác cũng có, như bộ lông trơn trên cơ thể vịt, đều hoạt động theo cùng một cách. Tuy nhiên, hầu hết chúng kém hiệu quả hơn.

Nhện nước (Gerris remigis) sống chủ yếu trong các ao, hồ, sông ngòi, là loài tiến bộ nhất trong tự nhiên về khả năng cư ngụ trên mặt nước. Hai cặp chân dài mảnh khảnh giúp chúng nổi và đi lại trên đó dễ dàng như ta đi trên cạn. Chúng còn có một đôi chân trước nhỏ hơn, sử dụng trong việc bắt mồi.

Đôi chân của chúng có thể tạo ra chỗ trũng tới 4 milimét mà vẫn không phá vỡ mặt nước, và mang tới 15 lần trọng lượng cơ thể mà không chìm. Khả năng nổi phi thường này cho phép con vật nhảy tưng tưng trên mặt nước, giống như quả bóng cao su trên đường, giúp nó dễ dàng tiếp cận với con mồi cực nhanh. Nhện nước có thể lao vào bữa ăn với tốc độ bằng cả trăm lần chiều dài cơ thể chỉ trong một giây. Hãy hình dung để làm được như thế, một người cao 1,8 mét sẽ phải bơi với tốc độ 644 kilomét mỗi giờ!

Vì sao người ta yêu?



Một nghiên cứu mới nhất đã khẳng định tình yêu lãng mạn không chỉ là sự bùng nổ cảm xúc, mà còn là một động lực tự nhiên, cũng mạnh mẽ như cơn đói vậy.

Các nhà nghiên cứu đã chụp não của những người đang yêu khi cho họ xem bức hình của người yêu mình. Hoạt động tích cực trong vùng tặng thưởng đã khiến nhóm đi tới kết luận rằng tình yêu đôi lứa tạo ra một động lực thể chất, rất khác so với sự thôi thúc tình dục, nó cứ âm ỉ cho đến khi người ta kiếm được phần thưởng của mình. Điều này thôi thúc các đôi luôn mong mỏi, thèm khát để đến được với nhau, cho dù có mất bao lâu.

Người đứng đầu nghiên cứu, nhà nhân chủng học Helen Fisher tại Đại học Rutgers ở New Jersey (Mỹ), cho biết về mặt khoa học, sex và sự lãng mạn là 2 thứ khác biệt. Và động lực của tình yêu thực sự gồm 3 ham muốn khác nhau.

"Thứ nhất là động lực tình dục khiến bạn đi tìm kiếm thứ gì đó mơ hồ. Tiếp đến là tình cảm lãng mạn, sự ngây ngất của mối tình đầu cho phép bạn tập trung năng lượng và bảo tồn thời gian tìm hiểu. Và cái thứ 3 là sự gắn kết".

Thứ mạnh nhất trong 3 ham muốn này không phải là sex, mà là sự lãng mạn. "Mọi người không thèm đến chết vì sex. Tôi đã đọc các bài thơ trên toàn thế giới, thậm chí từ cách đây 4.000 năm. Mọi người sống vì yêu, chết vì yêu, họ ca hát, nhảy múa vì tình yêu". Fisher, đồng thời là tác giả cuốn Why We Love, nói.

Trong khi nhiều phụ nữ tin rằng bộ não của đàn ông bị chi phối bởi sex, nhưng Fisher cho biết vẫn có bằng chứng cho thấy đàn ông bị chi phối mạnh mẽ cả bởi sự lãng mạn. "Đàn ông yêu nhanh hơn phụ nữ, bởi họ yêu bằng mắt. Và 3/4 người tự kết liễu đời mình vì tình là đàn ông, chứ không phải phụ nữ", Fisher nhấn mạnh. "Đây là một động lực mạnh mẽ, một phần tất yếu của nhân loại. Sẽ không thể tồn tại nếu đàn ông không yêu cuồng nhiệt như phụ nữ".

Tác giả thừa nhận rằng đàn ông bị chi phối bởi hình ảnh, nhưng có một lý do quan trọng cho điều đó: "Trong hàng triệu năm, đàn ông phải đi tìm kiếm đàn bà, và đo đạc, nhận định liệu cô ấy có thể là người sinh cho anh ta những đứa con khoẻ mạnh".

Ông Fisher bổ sung: "Trong những anh chàng tham gia thử nghiệm, phần não liên quan tới sự kích thích hình ảnh của họ cũng hoạt động. Điều đó có nghĩa là khi nhìn vào hình ảnh của người yêu, họ cũng đang sử dụng mọi cơ chế thị giác".

Ngược lại, ở những phụ nữ xem bức hình của người yêu, não họ lại kích hoạt một vùng khác. Cả đàn ông và đàn bà đều có những phản ứng tình cảm khác nhau… hưng phấn, say mê, ám ảnh… Nhưng ở phụ nữ, một phần não liên quan tới sự hồi tưởng trí nhớ cũng được kích hoạt. "Đó chính là vì trong hàng triệu năm nay, phụ nữ luôn phải ghi nhớ liệu anh ấy đã đi kiếm đồ ăn về cho mình. Và phụ nữ vẫn luôn nhớ. Họ nhớ mọi chi tiết của mối quan hệ".

Nhưng nếu sự lãng mạn, chứ không phải sex, mạnh mẽ và quan trọng đến vậy trong cuộc sống, và nếu bộ não cho thấy đàn ông cũng bị thôi thúc mạnh mẽ bởi sự lãng mạn như đàn bà, thì tại sao cảm xúc yêu đương lại phai nhạt nhanh đến vậy?

"Tôi cho rằng điều đó xảy ra vì một lý do quan trọng, nó giúp chúng ta tập trung năng lượng với một người vào một thời điểm, từ đó giúp bảo tồn thời gian và sức lực cho việc tìm hiểu. Chúng ta có thể sẽ chết vì suy kiệt, và sẽ không thể làm được việc mình cần làm, nếu chúng ta luôn có những cảm xúc mạnh mẽ này trong cả đời".

Fisher bổ sung: "Tôi cho rằng điều thông thường sẽ là bạn chuyển khỏi cảm giác yêu đương mãnh liệt đó sang một cảm giác sâu sắc, yên bình và hợp nhất hơn với người đó - sự gắn kết liên quan tới một hệ não khác".

Mọi người không hẳn thoát khỏi tình yêu, mà họ đi tới sự gắn kết. Nhưng có một cách để giữ gìn cảm giác lãng mạn đó - làm những việc mới lạ cùng nhau.

"Tình yêu chắc chắn sẽ thay đổi qua thời gian. Nếu bạn muốn duy trì sự si mê, thèm khát, hưng phấn và quên mình với người ấy, hãy làm những điều mới mẻ cùng họ. Nó sẽ gia tăng làm lượng dopamine trong não. Đó là một trong những hoá chất chủ yếu liên quan tới tình yêu lứa đôi".

George Washington từng nói trong tất cả những thứ ông đã làm trong đời, điều quan trọng nhất với ông là một buổi chiều với một phụ nữ đặc biệt. "Mọi người sẽ không bao giờ quên tình yêu", Fisher khẳng định.

Song Minh (theo ABC)


Phả hệ loài người từng có một 'chú tí hon'


Khuôn đúc xương sọ Liang Bua 1.
Các nhà khoa học vừa khám phá ra một giống người tí hon mới, sống ở Indonesia vào cùng thời điểm mà tổ tiên của chúng ta chinh phục thế giới. Sinh vật cao 1 mét này cư ngụ trên đảo Flores cách đây chỉ 18.000 năm.

Phát hiện được xem như một trong những khám phá quan trọng nhất của lĩnh vực này trong nhiều thập kỷ qua.

Các nhà khảo cổ Australia đã khai quật được những mảnh xương của giống người tí hon trên tại khu vực có tên gọi Liang Bua, một trong những hang động đá vôi lớn trên đảo Flores, một hòn đảo biệt lập của Indonesia. Bộ hài cốt gần nguyên vẹn được đưa lên ở độ sâu 5,9 mét. Đầu tiên, nhóm nghiên cứu cho rằng đó là xác của một đứa trẻ, song những phân tích sâu hơn đã tiết lộ một thông tin hoàn toàn khác.

Độ mòn trên răng và các vòng tăng trưởng trên hộp sọ xác nhận đó là một người trưởng thành, với khung xương chậu có đặc điểm của nữ giới và một cái xương chân cho biết "cô" đứng thẳng được như con người hiện nay.


Một người Homo floresiensis có thể trông giống như thế này.

Mẫu vật có niên đại 18.000 năm, được gọi là Liang Bua 1, được xếp vào một loài mới gọi là Homo floresiensis. Nó cao khoảng 1 mét với cánh tay dài và một hộp sọ có kích thước bằng quả bưởi lớn, nhưng não bộ lại chỉ bằng 1/3 của chúng ta.

Sau bộ xương đầu tiên, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy các phần hài cốt thuộc về 6 cá thể khác của giống người này.

Liang Bua 1 chia sẻ lãnh thổ với một loài chuột có kích cỡ bằng con chó, những con rùa khổng lồ và thằn lằn bự, trong đó có rồng Komodo. Chris Stringer, trưởng nhóm nguồn gốc loài người tại Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên London, cho biết các cánh tay dài là một đặc điểm thú vị, và có thể là bằng chứng cho thấy Homo floresiensis dành phần lớn thời gian trên cây. "Chúng tôi không rõ điều này. Nhưng nếu rồng Komodo lởn vởn quanh đó, có thể bạn sẽ muốn mang con lên cây vì ở đó an toàn hơn", Stringer nói.

Ông cũng cho biết các nghiên cứu sâu hơn về bàn tay và chân sẽ cung cấp lời giải cho câu hỏi này.

Các nhà nghiên cứu phỏng đoán Homo floresiensis dường như đã tiến hoá từ một giống người khác có tên gọi Homo erectus (mà hài cốt từng được tìm thấy trên đảo Java của Indonesia). Homo erectus có thể đã tới đảo Flores khoảng 1 triệu năm trước đây, phát triển ra vóc dáng tí hon này do sự biệt lập của hòn đảo. Song, điều đáng nói quanh giả thuyết này là giống người trên hẳn phải tới Flores bằng thuyền, trong khi khả năng chế tác thuyền để vượt đại dương lại được xem là nằm ngoài khả năng của người Homo erectus.

Việc phân tích chi tiết bộ xương có thể giúp xác định khoảng thời gian tồn tại của giống người tí hon này. Khảo sát bước đầu cho thấy họ xuất hiện khoảng 70.000 năm trước, nhưng có thể còn xa hơn nữa, cách nay 800.000 năm. Bằng chứng cuối cùng về họ được xác định có niên đại 12.000 năm trước, khi một vụ phun trào núi lửa đã huỷ diệt phần lớn sự sống hoang dã trên đảo Flores.

Song song, các nhà nghiên cứu cũng hy vọng sẽ tìm thấy ADN trong những mẩu xương, nhờ đó có thể tìm ra mối liên hệ giữa các loài.

Phát hiện đã gợi ra nhiều hướng lập luận mới. Chẳng hạn, nếu nhánh người tí hon này vẫn còn tìm thấy ngày nay, và cho đến gần đây mới tuyệt chủng, thì liệu có những giống người khác đang tồn tại ở đâu đó hay không? Và kích cỡ nhỏ xíu của họ chứng tỏ rằng con người cũng chịu những áp lực tiến hoá y hệt như với các loài thú khác, buộc phải co nhỏ cơ thể khi sống trên những lãnh thổ cách ly và chịu sức ép sinh thái.





Vì sao đụn cát rì rầm?



Các sinh viên trượt xuống đụn cát để ghi lại âm thanh phát ra.
Giống như tiếng kêu của chiếc máy bay phản lực tầm thấp, hay tiếng o o của dây diện đặt dưới sâu, những âm thanh rì rầm do một số đụn cát phát ra từ nhiều thế kỷ vẫn là bí ẩn với các nhà khoa học.

Âm thanh được tạo ra khi cát trên bề mặt đụn lăn xuống. Các nhà khoa học xưa nay tin rằng ma sát giữa các hạt cát đã tạo ra tiếng động lạ lùng này. Nhưng Melany Hunt, một giáo sư kỹ sư cơ khí tại Viện Công nghệ California ở Pasadena (Mỹ), cho rằng còn có điều gì khác diễn ra ở đó.

Ba năm qua, bà và các sinh viên đã tới sa mạc ở miền đông California và Nevada, trượt trên các đụn cát để cho chúng chảy xuống và ghi lại các sóng âm do đụn cát tạo ra. Nhóm nghiên cứu phát hiện thấy âm thanh tiếp tục xuất hiện ngay cả khi cát đã ngừng chuyển động. Ngoài ra, âm thanh mà chúng tạo ra trong mùa đông cũng khác với khi trong mùa hè.

Sử dụng radar, Hunt và cộng sự đã xác nhận sự tồn tại của một dải cát cứng, ẩm ướt nằm sâu khoảng 3 mét bên dưới bề mặt đụn cát. Nó gây ra bởi nước mưa thấm qua cát trong một thời gian dài. "Nếu bạn tìm thấy nước ở độ sâu này trong đụn cát phản xạ tín hiệu radar, có thể nó cũng phản xạ các tín hiệu âm thanh", Hunt nói.

Hunt tin rằng khi cát trên bề mặt đụn bị tác động, ma sát giữa các hạt tạo ra tiếng động và tiếng động này dội đi dội lại giữa lớp cát khô trên bề mặt và lớp cát ẩm bên dưới. "Đó là lý do vì sao những đụn cát nhỏ không tạo ra âm thanh", Hunt giải thích. "Chúng không đủ lớn để tạo ra những lớp cát ẩm cứng bên dưới.

Ngoài ra, vì mùa ảnh hưởng đến độ ẩm trong cát, nên lý thuyết về lớp cát ẩm cũng giải thích được tại sao âm thanh lại khác nhau giữa các khoảng thời gian trong năm.

Những tài liệu ghi nhận âm thanh của đụn cát đã có từ nhiều thế kỷ. Cuốn Tales of Travel, xuất bản năm 1923, đề cập rằng nhà thám hiểm Marco Polo đã biết về hiện tượng này. Các bộ tộc ở vùng Sahara châu Phi thì coi nó như là lời nhắn nhủ của đấng tối cao tới họ thông qua cát.


Thuỷ tinh có bị ăn mòn không?




Thuỷ tinh được xem là một vật liệu kỳ diệu vì khả năng chống ăn mòn cao. Không nói đến nước, chứ các loại axit rất mạnh như axit sunfuric, nitric, clohydric, và cả nước cường toan dùng để hoà tan vàng, thuỷ tinh cũng "chấp" hết. Có điều, người ta đã lầm khi nghĩ rằng thuỷ tinh không có đối thủ.

Các nhà khoa học từng cho rằng thủy tinh là bình đựng vạn năng, và đã bỏ vào đó axit flohydric. Không lâu sau, các bình này trở nên mờ đi. Tại sao vậy? Thì ra, axit flohydic có thể tác dụng với silicat, thành phần chủ yếu của vật liệu làm bình. Chính nhờ phản ứng này mà người ta tạo được các dấu chia độ, hoa văn,… trên các bình thuỷ tinh. Axit flohydric tác dụng với silicat theo phản ứng sau:

CaSiO3 + 6 HF = CaF2 + SiF4 + 3 H2O

Do đó, thuỷ tinh bị ăn mòn. Phương pháp khắc, đánh dấu trang trí theo kiểu này được gọi là phương pháp khắc ăn mòn.

Vì bình thuỷ tinh không đựng được axit flohydric, nên người ta phải tìm một vật liệu khác, đó là chì. Nguyên tố này trơ đối với axit flohydric. Ngày nay, chất dẻo được thay thế cho chì để làm bình đựng vì nó khắc phục được tất cả các nhược điểm trên.
Không thể thực hiện tác vụ do chủ đề hiện đang ở trạng thái lưu trữ

Chủ đề cùng mục


Lời Ca Khúc Điểm nhanh Hợp âm az Chords up Tin xe nói về xe

Bản quyền bởi VietYO.com v3.0 - Viet Nam Youth Online
Diễn đàn mở của cộng đồng người Việt trẻ online - Liên hệ (info @ vietyo.com)