Sau khi chết, con người có "trở lại" mặt đất theo một vài dạng khác không? Giới khoa học phương Tây và các chuyên gia tâm lý đã dày công nghiên cứu một cách có hệ thống về "kiếp luân hồi" từ rất lâu nhằm phân tích dưới ánh sáng khoa học về bản chất vấn đề.
Dẫn đầu là một nhóm giáo sư thuộc Trường đại học Yale ở Mỹ từng thu thập khắp thế giới các bằng chứng liên quan đến “kiếp trước” hoặc sự “đầu thai vào kiếp sau”. Rồi họ nghiên cứu chúng một cách tỉ mỉ, logic và nghiêm túc. Nếu phát hiện ra điều gì đó “không bình thường”, họ liền phân tích một cách chuyên sâu hơn nhằm khám phá xem có liên quan gì tới “kiếp luân hồi” – theo quan điểm tín ngưỡng cố hữu không?
“Mảnh đất màu mỡ” cho các cuộc nghiên cứu nói trên đa số là các trẻ em. Roberta Morgan, sinh ngày 28/8/1961 ở tiểu bang Minnesota (Mỹ), bắt đầu kể về “kiếp trước” của mình trong thời còn là một bé gái. Người mẹ thì cho rằng con bé nói rặt những chuyện ngốc nghếch và luôn tìm cách ngắt lời đứa bé. Nhưng Roberta vẫn không ngừng kể về “cha mẹ trước đây” của mình. Em còn kể về chiếc ôtô mà “người cha kiếp trước” từng có và khẳng định rằng em đã cùng sống với “cha mẹ cũ” tại một khu trang trại. Khi bé gái lên 4 tuổi, em được dẫn tới một trại chuyên thuần ngựa nòi. Roberta rất tự nhiên và phấn chấn nói: “Con từng cưỡi ngựa thuần thục nhiều lần rồi”.
Thật ra, em đã trèo lên mình ngựa bao giờ đâu. Roberta còn đòi mẹ làm những món thức ăn “khoái khẩu” mà “mẹ trước” đã từng nấu. Em tả lại cách thức nấu các món đó hoàn toàn chính xác. Tới năm 9 tuổi, Roberta Morgan đột nhiên quên hẳn quãng đời “kiếp trước” của mình và không bao giờ nhớ lại được nữa (?!).
Còn Samlini Permac sinh đầu năm 1962 ở Colombo (Sri Lanka). Trước khi bé biết nói, cha mẹ nhận thấy rằng em rất sợ… nước. Mỗi khi người mẹ định tắm cho bé, đều gặp phải các phản ứng dữ dội cùng tiếng kêu khóc. Em còn rất sợ ôtô. Khi Samlini nói được, em đã mô tả “quãng đời trước đây” của mình một cách tỉ mỉ. Em kể: “Một hôm cha mẹ “kiếp trước” sai em đi mua bánh mì. Phố xá đang bị lụt, chiếc xe buýt đi sát bên cạnh, hất em xuống đồng nước. Em cố giơ tay quá đầu cầu cứu và hét lên: “Mẹ ơi!”. Sau đó, em bị chìm hẳn vào giấc ngủ vô biên”.
Cha mẹ của Samlini suy nghĩ rất nhiều về chuyện này. Sau đó một thời gian, họ biết được câu chuyện của một bé gái 11 tuổi từng bị chết đuối trong hoàn cảnh tương tự, y hệt câu chuyện mà cô con gái họ đã kể lại. Còn bản thân Samlini Permac không thể biết được sự kiện này vào bất cứ trường hợp nào, bởi đơn giản lúc ấy bé chưa ra đời (?!).
Hai trường hợp tiêu biểu trên được bác sĩ tâm lý học nổi tiếng người Mỹ John Stevenson - người đã nghiên cứu các hiện tượng về “kiếp trước” suốt nửa thế kỷ nay - kể lại. Ông cùng các đồng nghiệp thuộc Trường đại học Tổng hợp Virginia đã thử tìm các bằng chứng, được tồn tại như một “thực trạng X”, mặc dù không tìm được những yếu tố vô lý trong “các X” và họ cũng không thể lý giải chúng dưới ánh sáng khoa học được. Giáo sư Bác sĩ J.Steveson cùng các đồng nghiệp đi tới quyết định chỉ tồn tại một khả năng duy nhất: giống như “ảo giác” - nếu nói về khả năng phân tích khoa học hiện nay. Còn một nhà phân tâm học người Mỹ, Bác sĩ Scot Rogo. cũng đã từng dày công nghiên cứu các trường hợp liên quan tới sự “đầu thai” hoặc “kiếp luân hồi” hơn ba thập niên gần đây, cũng mới chỉ đưa ra các giả thuyết, chứ chưa “dám” nêu lên một kết luận khoa học chắc chắn nào cả.
Trước đây nhiều năm, đa số các nhà khoa học phủ nhận sự “đầu thai”, cho đó là một trò “hoàn toàn lừa bịp”. Nhưng ngày nay đa phần trong số họ đã thừa nhận hiện tượng này như là một phương cách chữa các chứng khủng hoảng tâm lý. Còn Giáo sư Tiến sĩ Abraham Kelsy, Trưởng khoa Y học lâm sàng của Viện Đại học New York, trong các thực nghiệm riêng của mình đã dùng những phương pháp giúp các bệnh nhân nhớ lại “quãng đời kiếp trước” của họ, và bằng cách này giúp họ giải phóng khỏi những vướng mắc hiện tại.
Ông giải thích: “Tôi đã rút ra được kết luận là, rất nhiều biểu hiện hiện tại của người bệnh là hệ lụy của kiếp trước và chính chúng là những trở ngại phong tỏa nghị lực của cuộc sống thực tại. Theo tôi, cơ thể con người luôn mang sẵn những thứ phi vật chất, những thứ vẫn tồn tại sau khi thân xác đã chết. Nôm na như người phương Đông gọi là “hồn”. Chính thứ “hồn” này được tái sinh - đầu thai lại. Niềm tin này của tôi càng được củng cố qua các phân tích tỉ mỉ về “chất lượng riêng” của mỗi cá nhân. Tại sao trong một gia đình, trẻ em thường khác biệt nhau, dù rằng chúng được sinh ra cùng cha cùng mẹ, có cùng một tổng thể gien và lớn lên trong cùng một môi trường? Rất nhiều trẻ em, khi đang chơi, luôn có xung quanh chúng “những người bạn vô hình” nào đó mà chúng luôn cho là đang hiện hữu thật sự. Tới độ 4-5 tuổi, thứ cảm giác ấy đột nhiên biến mất. Điều này theo các nhà khoa học chính là kỷ niệm về những người bạn "kiếp trước" của chúng.
Vẫn chưa có một nhà tâm lý học nào có thể giải thích một cách logic về những cá tính khác nhau, cũng như các “chất lượng cá nhân” khác nhau của đám con trẻ được sinh ra từ một gia đình chung. Trong từng trường hợp, thể hiện những dấu hiệu ảnh hưởng từ “kiếp trước”, được giới tâm lý học nêu ra các giả thuyết về những “biến dạng của tâm lý”: như mê ngủ, nghe hoặc đọc được ở đâu đó… Giới vương quyền Ai Cập thời cổ cũng từng hay nói về các “kiếp luân hồi”, cả Hoàng đế Pháp Napoléon, cũng như nhiều nhân vật lịch sử nổi tiếng khác cũng vậy – những người thường nhớ về "kiếp trước", để chỉ muốn tạo ra cái ấn tượng về “xuất xứ thần thánh” của họ. Đa phần trong chúng ta không hề gợi nhớ lại “kiếp trước” ngay cả qua những cách tân tiến hoàn thiện nhất. Trong trường hợp đó, không tồn tại quan niệm “đầu thai” trong thực tế. Ngoài ra cũng còn nhiều điểm bất đồng ngay cả giữa những người vốn luôn tin vào “kiếp trước”.
Tới giờ, giới khoa học vẫn chưa có sự đồng nhất về thực chất của tiến trình này, đó là cơ sở gây nên sự hoài nghi về khả năng “đầu thai” trong “vòng xoay luân hồi” của mỗi người.