[size=medium]Chính quyền Tổng thống Barack Obama bày tỏ quan ngại với giới chức Hàn Quốc về kế hoạch sử dụng thiết bị của “đại gia” viễn thông Trung Quốc Huawei cho mạng không dây của nước này. Đây được xem là bước tiến tiếp theo của Washington trong một chiến dịch thầm lặng nhẳm cảnh báo các nước đồng minh về sử dụng công nghệ của Trung Quốc.[/size]
Theo báo Wall Street Journal, nỗ lực trên của Mỹ với Hàn Quốc được thực hiện sau khi nước này có động thái tương tự với một đồng minh thân cận khác là Australia. Những nỗ lực này cho thấy, Chính phủ Mỹ đang quan ngại về việc Huawei ngày càng tham gia nhiều vào xây dựng các hệ thống viễn thông quan trọng cho các quốc gia đồng minh chủ chốt của Mỹ.
[size=small][/size]
[size=small]Theo giới chức Mỹ, Washington nhận thấy rủi ro rằng, thiết bị của Huawei có thể được sử dụng vào mục đích gián điệp và có thể xâm nhập vào mạng lưới của quân đội Mỹ - Ảnh minh họa.[/size]
Theo giới chức Mỹ, Washington nhận thấy rủi ro rằng, thiết bị của Huawei có thể được sử dụng vào mục đích gián điệp và có thể xâm nhập vào mạng lưới của quân đội Mỹ.
Năm 2011, Mỹ không cho phép Huawei tham gia xây dựng mạng không dây dành cho các trường hợp khẩn cấp của nước này, với lý do lo ngại an ninh quốc gia. Năm ngoái, Australia “cấm cửa” một đơn vị của Huawei tham gia đấu thầu giành hợp đồng liên quan tới hệ thống mạng băng thông rộng.
Tuy nhiên, việc Mỹ âm thầm nỗ lực ngăn chặn các bước tiến của Huawei cũng diễn ra song song với việc Washington chịu sự chỉ trích về những tiết lộ xung quanh nỗ lực “nghe lén” khắp thế giới của Cơ quan An ninh Quốc gia (NSA) nước này.
Theo giới chức Mỹ, trong trường hợp Australia cũng như trong trường hợp Hàn Quốc, chính quyền Obama đưa ra những quan ngại về Huawei trong các cuộc họp riêng. Các quan chức Mỹ nói rằng, chính quyền Obama muốn bày tỏ lo ngại một cách riêng tư, kín đáo thay vì công khai vì đây là một vấn đề nhạy cảm và các quôc gia được cảnh báo có thể cho rằng, chính quyền Obama đang muốn gây ảnh hưởng tới các quyết định về thương mại của đồng minh.
Động thái của Mỹ tại Hàn Quốc có thể gia tăng căng thẳng trong quan hệ giữa Washington với Bắc Kinh. Các quan chức quân đội và tình báo Mỹ từ lâu đã cảnh báo rằng, Trung Quốc là một mối đe dọa về an ninh mạng đối với hệ thống quốc phòng và các công ty Mỹ. Các quan chức Mỹ nói rằng, hệ thống viễn thông của Hàn Quốc đặc biệt nhạy cảm bởi sự hiện diện của các lực lượng Mỹ tại Hàn.
Việc Mỹ cảnh báo Hàn Quốc về sử dụng thiết bị của Huawei diễn ra trong bối cảnh chuyến thăm của Phó tổng thống Mỹ Joe Biden tới châu Á trong tuần này và căng thẳng xung quanh việc Mỹ thiết lập vùng nhận diện hàng không mới trên biển Hoa Đông. Nguồn tin từ Mỹ từ chối tiết lộ việc liệu ông Biden có nêu những quan ngại của Mỹ về Huawei khi tới thăm Hàn Quốc trong tuần này hay không.
Giới chức và các nhà làm luật của Mỹ cho hay, lo ngại của họ tập trung vào các kế hoạch của Hàn Quốc về sử dụng thiết bị Huawei cho việc xây dựng mạng viễn thông LTE toàn quốc. Các quan chức Mỹ nói rằng, Huawei được chọn làm một nhà thầu phụ trong dự án này của Hàn Quốc.Về phần mình, Chính phủ Trung Quốc và Huawei nói rằng, những lo ngại của Mỹ về các hoạt động của Huawei là vô căn cứ.
Phát ngôn viên William Plummer của Huawei nói, công ty này là một “nhà nắm quyền sở hữu trí tuệ hàng đầu thế giới về công nghệ LTE và nhà cung cấp hàng đầu thế giới các thiết bị mạng LTE thương mại, gần như trên tất cả các châu lục… Các thiết bị của chúng tôi đã được chứng thực và tin tưởng trên toàn thế giới, kết nối khoảng 1/3 dân số thế giới. Động cơ của những người có cách nói khác, vô căn cứ về Huawei thật là khó hiểu”.
Văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, các cơ quan quân đội và tình báo của nước này cùng nói rằng, hiện thời họ chưa thể có bình luận gì ngay về các lo ngại của Mỹ xung quanh Huawei. Một phát ngôn viên của Bộ Truyền thông Hàn Quốc nói, họ chưa tiếp cận với Mỹ về vấn đề này, và nói thêm rằng, các quyết định về thiết bị mạng là tùy tuộc vào các công ty trong nước có liên quan tới thiết lập mạng lưới.
Một phát ngôn viên của LG U+, một nhà mạng không dây thuộc tập đoàn LG, nói rằng, quyết định mua thiết bị LTE từ Huawei không nên bị đánh giá như một mối lo ngại về an ninh. “Huawei chỉ cung cấp thiết bị cho chúng tôi. Công ty Trung Quốc này không tham gia vận hành thiết bị trong hệ thống mạng không dây của chúng tôi. Mạng của LG U+ chỉ do chúng tôi vận hành”, phát ngôn viên này cho biết.
Nhà Trắng và Lầu Năm Góc từ chối đưa ra bình luận về các quyết định thương mại của Hàn Quốc. Một quan chức cấp cao của chính quyền Obama nói rằng: “Tôi không bàn về chi tiết các cuộc thảo luận ngoại giao của chúng tôi. Chúng tôi thực sự lo ngại về Huawei và điều này đã được thể hiện qua việc vào tháng 10/2011, Huawei bị loại khỏi chương trình xây dựng hệ thống không dây khẩn cấp của Mỹ do những lo ngại an ninh quốc gia của Chính phủ Mỹ.
So với các đối thủ khác, Huawei đưa ra mức giá thiết bị “mềm” hơn, nhờ đó trở thành lựa chọn hấp dẫn của nhiều nhà mạng và gây khó cho những nỗ lực của Mỹ trong vấn đề an ninh.
Giới chức Mỹ nói, họ đặc biệt quan ngại về việc các đối tác an ninh thân cận đưa thiết bị Huawei vào hệ thống mạng viễn thông quốc gia của nước họ, nhất là khi binh sỹ Mỹ đóng quân ở các quốc gia đó.
“Đó là cơ sở hạ tầng công nghệ của họ. Nước Mỹ không nhất thiết phải đưa ra lời khuyên cho họ. Nhưng những quan ngại của chúng tôi là đủ lớn để chúng tôi cảm thấy cần phải để họ biết những gì chúng tôi biết”, một quan chức cao cấp của Mỹ nói.