Chưa một lần được hưởng sự ấm áp của vòng tay cha mẹ, hai đứa trẻ ngây thơ ấy đã phải lưu lạc khắp nơi chỉ vì sự vô tâm của người làm cha.
"Định ăn quỵt hả? Đã không tiền lại nhậu nhẹt. Ngày mai không trả tiền, tao đốt nhà, rõ không?", tiếng ông chủ quán oang oang phía sau lưng Phạm Ngọc Bội, 35 tuổi.
Ba chân bốn cẳng thoát khỏi quán nhậu, vừa đặt chân vào nhà Bội đã nghe giọng của bà chủ nhà: "Để nhà mốc lên mới trả tiền tôi à? Trả hết tiền rồi dọn đi chỗ khác cho tôi nhờ".
Bội gắt lên: "Được rồi, có tôi trả ngay chứ để tiền làm mắm chắc?". Bội bước vào nhà. Gian nhà trọ trống trơn. Mấy cái nồi khô khốc lỏng chỏng một góc. Cả căn nhà lạnh lẽo và ảm đạm. Hai đứa con của Bội, bé Phạm Khánh Minh, 3 tuổi và Phạm Thành Tốn, chưa đầy 1 tuổi, đang nằm ngủ lăn lóc giữa nhà. Bội ngắm hai đứa con rồi gật đầu, búng tay hả hê: "Đã có cách".
Túng tiền, hận vợ nên bán luôn cả con
Hôm ấy, Bội mua về cho con rất nhiều món ngon. Hai đứa bé bỡ ngỡ trước hành động yêu thương của ông bố thích lê la quán rượu hơn ở nhà. Minh hớn hở chạy nô trong nhà. Miệng Minh bị bô cười nói: "Mẹ Tuyết đâu bố? Mẹ Tuyết ơi, bố mua cho Minh với em Tốn nhiều quả ngon lắm nhé".
Bội không để ý đến niềm vui đơn giản của con trẻ. Nghe con gọi mẹ, anh ta càng thêm bực bội. "Nó đã bỏ con cái ra đi, không thương yêu gì thì đừng có trách thằng này", Bội lẩm nhẩm.
Vợ Bội là Lê Cẩm Tuyết. Sau một thời gian cặp kè, Bội và Tuyết thuê nhà sống với nhau như vợ chồng từ năm 2002, Năm 2004 và 2006, Minh và Tốn chào đời. Đó cũng là lúc mâu thuẫn nảy sinh ngày càng nhiều. Chuyện họ mắng nhiếc, đánh nhau, đập bát xảy ra như cơm bữa. Chỉ tội cho hai đứa những lúc cha mẹ lao vào nhau như hai kẻ thù, chúng chỉ biết khóc thét.
Hết yêu thương, trong lòng Tuyết chỉ có nỗi căm thù người đã từng đầu ấp má kề. "Mình không thể trói buộc đời ở đây", nghĩ đến cuộc sống phía trước, người mẹ ấy đàn đoạn bỏ lại hai đứa con, dứt ra đi. Nỗi hận mạnh hơn tình mẫu tử, Tuyết bước chân đi cho tiếng con gọi mẹ.
Vợ bỏ đi vài tháng, Bội một mình phải nuôi hai đứa con khi anh ta thích nhậu hơn thích làm. Thế là tiền nợ nần ăn của Bội cứ tăng theo cấp số nhân. Không ít lần trong cơn say đay nghiến con: "Chúng bay xinh xắn đấy, nhưng phải chăng không phải là con mẹ mày".
Chỉ vài tháng sau, chẳng có ai cho Bội vay, nợ. Túng tiền hận vợ, tình thương yêu con trong lòng người cha ấy cũng kiệt. Trong đầu anh ta chỉ có suy nghĩ: "Làm sao có tiền càng nhiều, càng nhanh càng tốt".
Một buổi sáng, Bội đánh răng rửa mặt sạch sẽ cho hai con mình dịu dàng bảo: "Hai đứa đi chơi với bố không?". Chị em Minh ngây thơ, chọn chiếc áo đẹp nhất, tíu tít theo bố. Hai đứa trẻ vô tư ngắm đường phố đông đúc, đòi mua thứ này, thứ kia.
Bội phớt lờ mọi vòi vĩnh của con: "Lát nữa có người mua cho". Trong đầu người cha những suy nghĩ đen tối cứ xoay vần. Anh ta lẩm nhẩm: "Một đứa chắc cũng được ít nhất là 7 triệu đồng". Hai đứa trẻ vẫn vô tư trong niềm hạnh phúc được bố chở đi chơi. Chúng đâu biết mình sắp bị người bố ruột đem bán lấy tiền.
Ba bố con dắt díu nhau đến bệnh viện Từ Dũ, Q.1, TP.HCM. Bội tiến đến một người chạy xe ôm chừng 50 tuổi: "Ông biết chỗ nào cần con nuôi không? Tôi muốn kiếm ít tiền, bí quá". Đảo mắt nhìn xung quanh, tay xe ôm đáp lời Bội: "Lấy bao nhiêu tiền một đứa?".
Bội thì thầm: "Rẻ thôi, 7 triệu". "Tôi giúp anh không công chắc?" tay xe ôm nói sẵng giọng. "Ai lại thế, nếu giới chỗ cho tôi bán được con, tôi sẽ bo cho ông 500.000 đồng". "Đợi đấy", tay xe ôm xưng tên Hoàn nói, rồi quay xe đi ngay.
Hoàn tìm gặp Lê Ngọc Miền, một tay cò mua bán trẻ em. Sau khi nghe Hoàn nói về bị mua bán, Miền ra giá ngay: "Phải xem có bệnh tật gì không đã. Ông về chở bố con nó đến cổng bệnh viện Chợ Rẫy cho tôi coi mặt. Xong việc, tôi cho ông 1.000.000 đồng".
Ngay lập tức Hoàn quay về cổng bệnh viện từ Dũ đón bố con Bội. Bé Tốn được đưa vào bệnh viện Chợ Rẫy thử máu. Mặc cho con khóc thét, Bội vẫn bình thản kéo tay bé Minh đi chỗ khác. Con bé cũng nước mắt ngắn dài gọi em không dứt.
Khi có kết quả, Miền hẹn Bội gặp mặt vào hôm sau ở trung tâm Thuận Kiều Plaza, Q.5, TP.HCM.
Bán con trai chưa đủ, bán luôn cả con gái
Đúng hẹn, Hoàn chở cha con Bội đến. Nhận tiền xong, Bội quay sang cảm ơn Miền rối rít, rồi bảo: "Cho em xin số, mình còn gặp lại nhau lần nữa". Miền dẫn bé Tốn đi. Thằng bé vẫn tươi cười vì tưởng được đưa đi mua đồ chơi.
Bé Minh thấy người khác dẫn em đi, liền bảo: "Cho chị đi chơi với. Bố ơi, em Tốn được đi mua đồ chơi, mua cho cả con nữa, bố nhỉ". Bội nhét xấp tiền vào túi, kéo con về nhà.
Sau khi đem bán đứa con trai chưa đầy một tuổi, Bội không mảy may hối hận. Mỗi lần bé Minh hỏi đến em trai, Bội nạt ngang: "Nó theo mẹ Tuyết rồi". Với số tiền bán con trong tay, Bội sung sướng, vung tay nướng tất cả vào những cuộc nhậu. Hai tháng sau, Bội không còn một đồng dính túi.
Một ngày không còn tiền tiêu, Bội cảm thấy bứt rứt khó chịu. Vò đầu bứt trán một lúc, Bội cầm điện thoại và gọi cho Miền: "Em muốn cho nốt đứa lớn. Mười ba triệu thôi, chịu không?". Thấy Miền chần chừ, Bội mua chuộc: "Xong việc không quên ơn bà chị đâu".
Hôm sau, Miền thông báo lại cho Bội: "Đã tìm được mối mua. Hai ngày nữa dẫn con bé ấy đến cổng bệnh viện Hùng Vương, Q.5". Đúng ngày hẹn, Bội dắt con gái đi và bảo: "Lát nữa có cô này dẫn mày đi gặp mẹ Tuyết và thằng Tốn. Mày cứ đi theo bà ấy là được. Tao hết nuôi được mày rồi nên trả lại cho mẹ đó".
Miền nhanh chóng trao cho Bội đủ 13.000.000 đồng. Bội mỉm cưới đắc chí rồi rút ra 600.000 trả công cho Miền. Anh ta thản nhiên đẩy con gái vào tay Miền: "Đưa nó đi". Miền lôi Minh đi như chạy trốn. Bước chân bé bỏng kéo giật đi không theo kịp, cứ vấp víu.
Hoảng sợ, Minh quay lại gọi: "Bố ơi, con đi với bố cơ". Tiếng gọi của Minh lẫn vào tiếng náo loạn đông đúc ở cổng bệnh viện. Người bố kia ngoái nhìn lại một lát rồi thản nhiên bước chân đi về quán nhậu.
Câu hỏi lớn về hai chữ lương tâm
Số phận hai đứa trẻ bất hạnh không biết sẽ ra sao nếu bà nội của chúng không sang tìm cháu. Thấy con trai suốt ngày lê la nhưng vẫn rủng rẻng tiền bạc, mẹ Bội sinh nghi. Bà hỏi thăm: "Cái Minh, thằng Tốn đâu?". Những lúc như thế, Bội quanh co: "Chúng về ở với mẹ" hoặc "Nó đi chơi họ hàng chưa về".
Nóng ruột, bà liền làm đơn báo công an. Bội lập tức được mời lên làm việc. Sau một lúc quanh co chối cãi, người cha nhẫn tâm ấy đã thừa nhận bán con mình. Những mũi trinh sát điều tra lập tức tỏa đi khắp nơi để tìm hai đứa trẻ.
Một sáng nọ, anh Nguyễn Văn Thắng, nhân viên trung tâm bảo trợ xã hội tỉnh Vĩng Long, đi xung quanh cổng kiểm tra an ninh, đột nhiên thấy bé trai khoảng một tuổi, mặt mũi nhem nhuốc, mình đầy vết muỗi cắn đang nằm ngủ ngay trước cổng trung tâm. Anh đón bé vào trung tâm. Đó chính là bé Tốn.
Hai tháng sau, trung tâm lại đón thêm một bé gai khoảng ba tuổi. Ban đầu, khi được người trong trung tâm dẫn vào cô bé tỏ vẻ sợ hãi, khóc mãi không thôi. Thế nhưng, khi vừa nhìn thấy bé Tốn, cô bé đã chạy vội đến gần và ôm chặt cậu bé, miệng cứ gọi: "Tốn ơi, chị Minh đây".
Số phận đã mỉm cười với hai đứa trẻ bất hạnh. Cuối cùng chúng cũng được bà nội đón về nhà. Nếu Minh và Tốn không may mắn gặp được trung tâm bảo trợ xã hội, không biết các bé sẽ bị xô đẩy về đâu khi tiếng gọi cha, mẹ còn chưa sõi. Lương tâm của những người cha mẹ như Bội, Tuyết để ở đâu?