Theo anh Thắng, nhân vật trong đoạn ghi âm, chiều 20/11 anh đi xe máy chở vợ và con nhỏ từ Bắc Ninh về Hà Nội, với 15 kg gạo và chiếc balo đựng quần áo trẻ em để phía trước xe. Khi vừa xuống khỏi cầu Thanh Trì (quận Hoàng Mai, Hà Nội) được một đoạn thì anh bị dân phòng và công an phường Yên Sở lao ra đường chặn lại.
Khi lập biên bản lỗi không gương chiếu hậu, thượng úy công an cho biết không có biên lai phạt tại chỗ nên anh Thắng phải tự lên kho bạc nộp tiền phạt. Thắc mắc về cách xử lý này, anh Thắng nhận được câu trả lời: "Tao không có loại biên bản ấy, mày lên kho bạc mà nộp… Mày chỉ đạo tao đấy à? Tao vả vào mồm mày bây giờ". Kèm theo đó là những câu chửi tục tĩu của viên công an.
Thấy người vi phạm vẫn tỏ thái độ không bằng lòng, thượng úy công an liền bực bội nói thêm: "Tao lập tiếp lỗi cồng kềnh cho mày biết thế nào là lễ độ".
Khi phát hiện anh Thắng dùng điện thoại ghi lại lời lẽ thiếu văn hóa này, viên thượng úy liền bắt anh phải tắt điện thoại và "quay cái gì thì xóa đi" bởi "không có quyền quay khi chưa hỏi ý kiến tao". Dọa nạt không có kết quả, công an này liền bảo anh Thắng nếu xóa đoạn ghi âm thì sẽ được trả lại giấy tờ, không bị phạt.
Trong bối cảnh Bộ Công an đang phát động phong trào "Công an nhân dân chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ" nhằm xây dựng lòng tin ngày càng lớn mạnh trong nhân dân thì việc xuất hiện đoạn ghi âm này đã khiến nhiều cư dân mạng bức xúc.
Không ít ý kiến cho rằng ngành công an cần mạnh dạn đấu tranh trước cái xấu để loại bỏ dần những "con sâu" này ra khỏi lực lượng công an nhân dân.
Ở nhiều phường tại Hà Nội, tình trạng dân phòng, công an vi phạm luật giao thông trở nên khá phổ biến. Ảnh minh họa: Tiến Dũng. |
Sau khi nhận được thông tin phản ánh về việc công an chửi bới người vi phạm, ông Linh tìm hiểu và xác định, thượng úy Đỗ Thế Anh là người ứng xử không đúng với người vi phạm giao thông trong đoạn ghi âm được tung lên mạng.
"Nghe giọng trong đoạn ghi âm thì đúng là giọng của Thế Anh. Tôi hỏi thì Thế Anh thừa nhận chiều qua có tình huống như thế và lúc đó cậu ấy ứng xử không đúng", ông Linh nói thêm.
Theo Phó công an phường Yên Sở, trước khi chuyển về phường công tác năm 2006, thượng úy Đỗ Thế Anh làm tại Cục Cảnh sát bảo vệ (Bộ Công an). Trong công việc, Thế Anh luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ, có trách nhiệm và chăm chỉ nhưng "không hiểu có vấn đề gì mà lại bức xúc đến thế".
"Nếu gặp anh Thắng tôi sẽ trực tiếp xin lỗi vì lính sai chỉ huy phải nhận trách nhiệm. Còn trước mắt tôi sẽ yêu cầu Thế Anh làm tường trình, kiểm điểm nghiêm túc", trung tá Phùng Ngọc Linh chia sẻ.
Cũng theo ông Linh, những vi phạm về phẩm chất đạo đức như nhận tiền, vòi vĩnh, đánh người… thì quy định của ngành xử lý rất nghiêm. Còn với vi phạm về thái độ như nói tục tĩu… thì có thể bị phê bình nội bộ, phê bình trong công an quận hoặc cắt thi đua 6 tháng, một năm… Cụ thể, vụ việc này "chưa có gì lớn" nên công an phường sẽ giáo dục cán bộ chiến sĩ, đưa ra đơn vị rút kinh nghiệm.
Đề cập tới cách ứng xử của người vi phạm, trung tá Linh cho rằng, anh Thắng đã nhận thức chưa đúng khi yêu cầu xử phạt tại chỗ lỗi không gương chiếu hậu bởi "với lỗi này sau khi lập biên bản thì chỉ huy công an phường còn phải ký quyết định xử lý nên không phạt tại chỗ được". Các lỗi vi phạm khác có mức phạt dưới 200.000 đồng sẽ được công an phường xử phạt tại chỗ, không phải tới kho bạc.
Trong khi đó sáng cùng ngày, trao đổi với VnExpress.net, Trưởng công an quận Hoàng Mai Trần Văn Tỉnh cho biết chưa nhận được thông tin về vụ việc. Ông Tỉnh đề nghị người dân gửi đơn phản ánh về công an quận để ông xem xét và xử lý.