Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục Trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em
PV: - Đồ Rê Mí là chương trình thực tế dành cho trẻ em rất được yêu thích. Tuy nhiên ở cuộc thi năm nay, nhiều ý kiến cho rằng trẻ con thi hát vừa như chạy marathon đến kiệt sức, lại vừa phải gồng mình đóng vai người lớn dưới bàn tay của đạo diễn. Là Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em, ông nhìn nhận điều này như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng An: - Đúng là chương trình hơi quá sức với trẻ bởi tham vọng của người lớn quá lớn, làm cho các em bé phải gồng mình như bạn vừa nói.
Tôi theo dõi thấy hầu hết các bé toàn hát rock, rap… làm mất đi sự ngây thơ của đứa trẻ. Trong giáo dục Bác Hồ có nói "tuổi nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình" thì đối với các em tham dự chương trình như Đồ Rê Mí cũng vậy.
Chương trình Đồ Rê Mí lần trước thấy có vẻ không bị gượng ép, không bị quá gò bó, nhưng đợt này tôi thấy cái kỳ vọng quá lớn của người lớn và tất nhiên các em bé vẫn ra sân khấu, vẫn trình diễn được.
Tôi không biết các bậc phụ huynh suy nghĩ như thế nào nhưng có lẽ người lớn, các nhà đạo diễn và ban tổ chức nên rút kinh nghiệm để làm thế nào các em bé không bị hao tổn quá về sức lực và ảnh hưởng đến cả tâm trí của các bé.
PV: - Theo ông, chương trình Đồ Rê Mí có đang thực sự ươm mầm tài năng như ban tổ chức đã tuyên bố?
Ông Nguyễn Trọng An: - Các em đang là những chồi non, đang vươn lên và bây giờ chúng ta phải uốn nắn các em như thế nào để vươn lên cho thẳng, cho đúng và cho đẹp.
Tất cả những bài hát thiếu nhi từ trước đến nay của các nhạc sĩ nổi tiếng bây giờ đều được biến tấu thành rap, rock hết.
Thực ra, trông thì có vẻ vui vẻ nhưng đúng là quá sức với trẻ em ở lứa tuổi đó.
PV: - Với thực tế như vậy, chương trình Đồ Rê Mí đang hướng tới tìm kiếm mẫu tài năng kiểu gì vậy, thưa ông? Nó mang tính định hướng giáo dục gì cho trẻ em trên cả nước như thế nào?
Ông Nguyễn Trọng An: - Điều này thật khó đánh giá vì kịch bản của Đồ Rê Mí mình cũng không biết được.
Kịch bản đó là do những nhà đạo diễn đưa ra, nó cũng giống như một chương trình giải trí thôi, không phải là một chương trình giáo dục tìm kiếm tài năng trẻ.
Tôi thấy đau khổ nhất là lúc các em bé ngước mắt nhìn lên để đợi những ông, những bà giám khảo đưa nốt nhạc.
Lúc đấy thực sự là một sang chấn tâm lý cho các cháu vì các cháu đang vui tươi, đang rất ngộ nghĩnh, rất mong đợi, kỳ vọng nhưng các nhà đạo diễn yêu cầu các em bé quá sức.
Như thế cũng là một sự bóc lột nếu theo quy định của công ước quốc tế về quyền trẻ em.
Người lớn có những màn nhảy gì, những thí sinh Đồ Rê Mí cũng màn trình diễn tương tự
PV: - Như vậy, mục đích của chương trình ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ?
Ông Nguyễn Trọng An: - Bản thân tôi cũng chỉ là một người dân và là một người có kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc trẻ em thôi nên để đánh giá việc này phải có một ban đánh giá độc lập gồm các chuyên gia giáo dục, tâm lý, văn hóa…
Họ sẽ nhận xét, đánh giá xem việc chuyển những bài hát thành pha trò cười, thành rap, rock… đã phù hợp chưa.
Thứ nữa là đánh giá về sức lực của trẻ em, về sức khỏe của các em bé trong thời gian vừa rồi.
Thứ ba là các bé bị sức ép như thế nào trong quá trình tập luyện.
Thứ tư, việc học hành của các em bị ảnh hưởng như thế nào?
Cuối cùng, chương trình này chọn ra cái gì thì phải xem lại kịch bản, yêu cầu, tiêu chí của chương trình.
PV: - Vậy theo ông, đối với trẻ em dù là một cuộc thi nhỏ chúng ta có cần ưu tiên giáo dục, bồi dưỡng văn hóa, nhân cách hay là chỉ cần tham gia cho vui như các chương trình giải trí khác của VTV?
Ông Nguyễn Trọng An: - Đương nhiên điều đó phải có vì đây là quy định của nhà nước. Ngay cả việc giáo dục trẻ em người ta cũng không cho phép dạy trẻ em như toán, dạy chữ… trước tuổi, trước khi vào lớp 1.
Trí não của các em vẫn còn đang non nớt bây giờ lại tham gia chương trình như vậy, trong đó có rất nhiều cháu bé 6 - 7 tuổi, một số đã bị rơi rớt lại ở vòng trước.
Nó bị quá sức ở chỗ phải theo yêu cầu, kỳ vọng của người lớn khiến các em quá sức cả về sức khỏe và tinh thần.
Tất cả sự quá sức đó đều gây ảnh hưởng cho các em mà hiện giờ chúng ta chưa đong đếm được.
PV: - Theo ông VTV có cần xây dựng lại tiêu chí của chương trình không?
Ông Nguyễn Trọng An: - Tôi tin cần phải có cái đích cụ thể, một kịch bản và một lộ trình cụ thể, phải có các chuyên gia về giáo dục, về tâm lý, văn hóa rà soát lại chương trình cho vừa tầm với các em bé, vừa mang tính văn hóa của Việt Nam vừa mang tính giải trí để khuyến khích các em phát triển tài năng về sau.
Tôi không biết VTV đã có hội đồng này chưa và hội đồng đó là ai. Nếu hội đồng đó chỉ có 3 ông bà ca sĩ, diễn viên thì tôi không biết thực tế là như thế nào.
Không chỉ vậy, hội đồng này phải có chuyên gia về y tế nữa vì các em ở độ tuổi này vừa chơi, vừa học hành quá sức như vậy.
Rồi cần có sự hỗ trợ của Nhà nước, của VTV để ươm những tài năng đoạt giải. Còn nếu nó chỉ là một chương trình giải trí đơn thuần thì không nên bóc lột các em như thế.
Cách các bé lấy khẩu hình y chang người lớn
PV: - Nhiều phụ huynh cũng vì tâm lý thắng thua mà chẳng ngại bắt các con phải thi theo ý của mình?
Ông Nguyễn Trọng An: - Đối với trẻ em, theo quy định của công ước quốc tế và theo luật là phải tôn trọng và lắng nghe ý kiến của trẻ em, dù đó là trẻ nhỏ.
Tuy nhiên, trong những cuộc thi phải có định hướng, hướng dẫn của người lớn. Cái đó chúng ta không phê phán được.
Tuy nhiên, cái cần phê phán ở đây là bắt các em phải dốc sức. Sự kỳ vọng, tâm lý canh tranh của các bậc cha mẹ đã ăn vào các bé, buộc các bé phải vươn lên nếu không sẽ bị loại. Cuộc thi nào cũng phải như vậy, tuy nhiên các bậc phụ huynh không nên áp đặt đối với tâm hồn, với cơ thể còn non nớt như thế.
Trong giáo dục có những trường, lớp chuyên về xiếc, thể dục dụng cụ… Ở đó, các bé đều phải tập luyện từ lúc 7 - 8 tuổi đến lúc lớn lên rất vất vả, đau đớn, bị các sang chấn. Nhưng đó là ươm tài năng theo một lộ trình khoa học cụ thể để sau này các em thành tài.
Còn đây chỉ là một trò chơi, một chương trình giải trí chứ không phải chương trình khoa học, chương trình giáo dục. Tôi không biết thông qua chương trình giải trí này để đào tạo tài năng hay cái gì?
Cháu tôi là Xuân Mai rất nổi tiếng, mọi người đều biết đến. Tôi được biết cha mẹ cháu phải nuôi dưỡng cháu, cho cháu tập luyện, ăn học như thế nào mới được như vậy.
Chương trình Đồ Rê Mí nếu muốn ươm mầm tài năng thì phải do bộ Giáo dục, bộ Y tế, bộ Văn hóa… có cuộc thi tuyển lựa chọn, rồi bắt đầu đào tạo. Còn đây chỉ là những gia đình có điều kiện, hay ghi danh… tôi không nắm được.
PV: - Ông có thể tiết lộ bí quyết bố mẹ Xuân Mai hướng con thành tài mà vẫn giữ được sự ngây thơ, trong sáng của bé?
Ông Nguyễn Trọng An: - Đó là câu chuyện dài. Bé Xuân Mai có bố là ca sĩ, mẹ có phòng thu nổi tiếng.
Lần đầu tiên thấy bố hát cháu học theo, bố thấy hay quá nên đã ghi băng cho cháu. Bà con hàng xóm cũng thấy hay. Có những em bé không chịu ăn, khi nhìn thấy băng đó là thích, vừa hát theo vừa ăn.
Từ đó bố cháu mời ca sĩ Ngọc Sơn về dạy, rồi luyện tập khi bé lẫm chẫm 3 - 4 tuổi và cuối cùng mới thu băng rồi phát hành…hoàn toàn không phải như chương trình giải trí tự nhiên thi xong rồi thành tài được.
PV: - Vậy bé Xuân Mai không ép buộc làm theo ý muốn của người lớn?
Ông Nguyễn Trọng An: - Cả bố cả mẹ Xuân Mai lúc đầu không kỳ vọng cháu sau này trở thành một người kiếm tiền giỏi. Hồi đó lương tháng mỗi người chỉ có 500 - 600.000 đồng/tháng nhưng bé Xuân Mai đã kiếm 180 triệu đồng/tháng nhờ bán băng đĩa và xuất băng đĩa ra nước ngoài.
Sau một quá trình theo dõi thấy đúng là cháu có tài năng như thế mới bắt đầu mời ca sĩ, mời chuyên gia y tế về, mới thấy em bé đủ khả năng học, luyện.
Từ đó, Mai cũng bắt đầu học tiếng Anh, tiếng Hoa, tiếng Nhật, nhưng bé vừa học vừa chơi và rất ngây thơ chứ không phải ép buộc.
Bé 'tỉnh bơ' trong câu chuyện hát hò, chơi vui. Và sau này Xuân Mai mới có thể thành như thế.
Đứa trẻ phải có tố chất tự nhiên, được ươm mầm trong gia đình và xã hội thì cái mầm đó mới không bị thui chột.
Xuân Mai chỉ phải tuân thủ nguyên tắc trong ngày như một thời gian biểu, khi nào ăn, khi nào chơi, khi nào học, nghỉ.
Cháu chấp hành kỷ luật một cách tự nhiên mà không cần một sự ép buộc, gò bó nào.
Chính vì vậy cháu mới phát triển và cho đến sau này thành ngôi sao nhí như vậy. Tất nhiên là phải có một quyết tâm rất cao của bản thân cháu lúc cháu lớn lên nữa.
Mặc dù nổi tiếng nhưng bé rất ngây thơ. Sau này lớn lên bố cháu mới thấy cần phải học tập để trở thành người tài nên bé mới thôi hát và sang Mỹ để học. Có nghĩa là, cái hướng tới vẫn là cái tri thức, là sự học. Và Xuân Mai cũng không phải quá nuối tiếc vì điều này.
PV: - Nếu con mình có năng khiếu, ông có cho con tham dự chương trình như Đồ Rê Mí hay không?
Ông Nguyễn Trọng An: - Con của tôi rất giỏi vẽ và đến bây giờ cháu đã trở thành giảng viên đại học.
Ngay từ lúc bé tôi đã cho cháu đi học để bồi dưỡng năng khiếu nhưng cái suy nghĩ tham gia sân chơi để giật giải phải tùy theo từng gia đình.
Biết đâu có những ông bố bà mẹ cho con tham dự Đồ Rê Mí là để con trở thành ngôi sao, hay có những ông bố bà mẹ mang con đến rồi thấy rằng bị hơi quá sức, nhưng đã trót cưỡi trên lưng hổ rồi…
Còn cá nhân tôi, nếu Đồ Rê Mí có cả một lộ trình như tôi nói thật minh bạch, rõ ràng thì rất nhiều người muốn và bản thân tôi cũng muốn.
Còn nếu đây là chỉ là sự ngẫu hứng để mua vui khi nó là chương trình giải trí thì chả ai dại gì cho con mình tham gia như vậy cả.
- Xin cảm ơn ông!
Huyền Biển (Thực hiện)
Nguồn : Phunutoday