Vận hành ông "vua chiến trường" M107 175m quả không phải là điều đơn giản, trong ảnh, một khẩu M107 đang khai hỏa trong chiến dịch Khe Sanh năm 1968. |
Trong các loại pháo mặt đất tham chiến tại Việt Nam, cuộc chạm trán giữa pháo tự hành M107 175mm của Mỹ và M46 130mm của Việt Nam được xem là tiêu biểu. Đây là 2 loại pháo có tầm bắn xa nhất thời đó.
M107 175mm tại Bảo tàng chứng tích chiến tranh, TP.HCM, có hỏa lực mạnh nhưng tốc độ bắn quá chậm khiến "vua chiến trường" tỏ ra lép vế trước các loại pháo cỡ nòng nhỏ hơn nhưng có tốc độ bắn nhanh như M46 130mm. |
M107 có chiều dài tổng thể 11,25 mét, rộng 3,15 mét, cao 4,47 mét, trọng lượng 28,2 tấn. Nó được trang bị pháo M113 cỡ nòng 175mm đặt trên khung gầm xe M578.
Tầm bắn của pháo M107 175 mm khoảng 34 km được trang bị đầu đạn nặng 79 kg với bán kính sát thương hơn 50 mét. M107 được VNCH sơn chữ “vua chiến trường” trên nòng pháo nhằm phô trương sức mạnh của nó. Để vận hành ông “vua chiến trường” này khá vất vả, cần đến khẩu đội pháo lên đến 13 người.
Trên xe có 2 giá đỡ phía sau để chứa đầu đạn, 3 người đứng trên xe chịu trách nhiệm đẩy đầu đạn, liều phóng sau đó khóa nòng lại, những người còn lại vận chuyển đầu đạn, liều phóng, thông nòng sau khi bắn. Họ phải chạy ra khỏi xe một đoạn khá xa để bắn pháo vì xung lực sau khi viên đạn rời khỏi nòng rất lớn.
Để nạp đạn, nòng pháo buộc phải hạ xuống, sau khi nạp đạn xong nòng pháo lại nâng lên để bắn, tốc độ bắn tối đa chỉ có 2 phát/phút, trung bình một phát/phút.
M107 được Mỹ điều động đến tham chiến tại Việt Nam vào năm 1968 và nhiệm vụ của nó là phải chế ngự “voi sắt” M46 130mm của quân đội Việt Nam.
Pháo M46 khai hỏa trong chiến dịch Quảng Trị năm 1972, tuy cỡ nòng không bằng M107 nhưng tốc độ bắn nhanh hơn đã tạo cho M46 ưu thế vượt trội về hỏa lực. |
Pháo M46 1300 được gắn trên một khung có 2 bánh xe bọc cao su, có thể kéo đi bằng xe tải hay xe thiết giáp. Hệ thống hãm giật 2 xilanh được đặt trên và dưới nòng pháo. Pháo có một khiên chữ V bảo vệ tổ pháo, tuy nhiên khả năng bảo vệ của khiên này khá hạn chế và tổ đội dễ bị tổn thương trước đạn đối phương.
Hàng loạt pháo M46 đang khai hỏa mở màn chiến dịch giải phóng Buôn Mê Thuột tháng 3/1975. Ảnh: VTV. |
Pháo cũng có khả năng chống tăng cực kỳ lợi hại khi bắn trực tiếp với khả năng xuyên giáp đáng kinh ngạc. Đặc biệt, pháo được trang bị hệ thống hồng ngoại nhìn đêm để hỗ trợ khả năng bắn trực tiếp.
Hạ bệ ông vua chiến trường
M107 175mm tuy có tầm bắn xa, hỏa lực mạnh nhưng tốc độ bắn lại quá chậm và không có khả năng bắn gián tiếp. Trong khi đó, M46 130mm tầm tương đương M107 nhưng tốc độ bắn nhanh hơn rất nhiều, tốc độ bắn trung bình 5 phát/phút, tối đa 8 phát/phút. Với đấu pháo tay đôi, tốc độ bắn chính là nhân tố quyết định.
Trong những cuộc đấu pháo tay đôi tại những chiến dịch lớn như Khe Sanh, Quảng Trị, Đường 9 Nam Lào, chiến dịch Hồ Chí Minh, pháo M107 luôn tỏ ra lép vế trước M46.
Cùng với các loại pháo mặt đất khác như D74 122mm, pháo M46 đã tạo cho quân đội Việt Nam lợi thế áp đảo về pháo binh, điều đó đã góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.
Ngày nay, pháo kéo xe M46, D74 122mm cùng với các loại pháo tự hành khác vẫn là loại pháo chủ lực cấp chiến dịch của quân đội nhân dân Việt Nam.
QUỐC VIỆT
Theo Infonet