Trạm vũ trụ quốc tế (ISS) bắt đầu được xây dựng với kinh phí ước tính 100 tỷ USD từ tháng 2/1998 với sự tham gia của Nga, Mỹ, Canada, châu Âu và Nhật Bản. Cho tới nay đã có 15 nước cử phi hành gia và các nhà khoa học tham gia vận hành và nghiên cứu tại trạm vũ trụ này. Ảnh: AP |
Theo hãng thông tấn ABC, phi hành gia Mỹ Sunita Williams và nhà du hành vũ trụ Nhật Akihiko Hoshide đã có cuộc đi bộ ngoài không gian thứ 2 trong tuần qua, nhằm thay thế một bộ phận quan trọng của hệ thống phát điện cho trạm ISS.
Cả 2 phi hành gia đã tìm được cách di dời thiết bị chuyển mạch bị lỗi, nặng 100kg ra ngoài nhưng không thể đưa bộ phận thay thế vào đúng chỗ do “hóc” chốt. Nếu quá trình thay mới không được thực hiện, ISS sẽ không thể nhận điện do 2 trong 8 cánh pin mặt trời của trạm cung cấp, gây thiếu hụt năng lượng.
Đây được coi là một rắc rối lớn đối với các phi hành gia làm việc tại trạm ISS, khi chuyến tàu vũ trụ tiếp tế gần nhất phải mấy tháng sau mới có.
Mặc dù các kỹ sư tại Trung tâm Vũ trụ Johnson của NASA ở Houston (Mỹ) đã đưa ra nhiều phương án sửa chữa, nhưng hai phi hành gia Williams và Hoshide cảm thấy không khả thi. Trong lúc “bí”, họ đánh liều sử dụng bàn chải đánh răng để cọ sạch lớp bụi bẩn quanh chốt – những thủ phạm được cho là làm chốt bị “hóc” - và sáng kiến bất ngờ này tỏ ra có hiệu quả.
Chiếc bàn chải đánh răng – công cụ được hai phi hành gia Williams và Hoshide sử dụng “cứu’ trạm ISS. Ảnh: NASA |
Đến ngày 5/9, việc lau chùi bằng bàn chải đánh răng kết thúc và các phi hành gia đã có thể gắn thiết bị chuyển mạch mới vào đúng chỗ bên ngoài trạm ISS.
Nói về thành quả của 2 đồng nghiệp trên trạm ISS, từ Trung tâm kiểm soát sứ mệnh ở Houston, nhà du hành vũ trụ Mỹ Jack Fischer nhận xét: “Mọi việc giống như các bạn vừa giải cứu trạm ISS vậy. Nó gợi nhắc lại tình huống mà phi hành đoàn tàu Apollo 13 đã tự cải tiến công cụ cần thiết để cứu vãn sứ mệnh đó”.