Nó được chú ý còn hơn cả chiếc quần (đang mặc) của các vơ-đét hàng đầu thế giới trên sàn diễn thời trang, và kinh khủng hơn, người ta lại chỉ chú ý để bình phẩm đến phần “nhạy cảm” của chiếc quần.
Phản cảm, đó là điều mà dư luận đánh giá. Càng phản cảm hơn khi cô mặc chiếc quần “thấu da” đó trong một chương trình từ thiện vì người nghèo. Phản cảm đến nỗi, dù chiếc quần đó đàng hoàng trưng lên sân khấu nhưng một số tờ báo khi đưa lên phải làm mờ đi, chẳng khác gì xử lý một bức ảnh…sex!
Khổ chủ tất nhiên nói rằng mình bị trách oan, cô còn cho rằng “chính việc bị làm mờ đi khiến cho mọi người hiểu lầm là nó (phần che đi) rất ghê gớm. Với kiểu quần này, để đảm bảo độ an toàn và thẩm mỹ, Hằng đã mặc một chiếc quần màu da phía bên trong”.
Đến đây thì mọi người hiểu: Cái mà người ta nhìn thấu qua chiếc quần lưới mỏng tang, tưởng là… da thịt “thật” của nghệ sĩ, kỳ thực không phải. Đó chỉ là chiếc quần da (không phải da người) nên có thể gọi là da giả!
Một chiếc quần da đã che kín được phần da thịt thật rồi, nay lại được phủ thêm một chiếc quần thêu ren ở bên ngoài nữa, như thế có nghĩa là “phòng thủ hai lớp”, “một tầng da, ba tầng quần”, tương đương với lối cửa sổ “ngoài chớp, trong kính” của kiến trúc. Kín đáo có lẽ có thể sánh với chiếc quần “trinh tiết”.
Minh Hằng biểu diễn trong chương trình ca nhạc - thời trang từ thiện "Đêm mỹ nhân" tại Quảng Bình
2. Thế nhưng… Xưa nay không chỉ đồ thật mới gây phản cảm. Một hình manơcanh thạch cao cũng có thể gây phản cảm không kém gì đồ thật, nếu nó mô phỏng một cách thô tục cơ thể con người.
Trong khi đó da thịt người thật, nude trăm phần trăm, nhưng được trưng ra một cách thẩm mỹ thì vẫn là nghệ thuật. Chẳng hạn, chúng ta đã được xem rất nhiều tác phẩm body art, vẽ trên cơ thể khỏa thân 100% của người mẫu, hoàn toàn không có lớp “giả da” nào phủ lên da thật nõn nà. Nhưng không phải vì thế mà body art gây phản cảm.
Trở lại chiếc quần của Minh Hằng. Dù sau lớp quần thêu ren kia là một bộ đồ da giả, nhưng nó lại đập vào mắt người ta như… da thật, và nó lại thể hiện thiếu tế nhị ở chỗ cần phải tế nhị, thì nói thực, sẽ gây phản cảm không kém gì hở da thật.
3. Đây là một tác phẩm thời trang thất bại. Có lẽ người thiết kế tác phẩm này, cùng người mặc nó (kèm theo chiếc quần giả da ở bên trong) đã quan niệm sai lầm về thẩm mỹ. Giá trị thẩm mỹ không ở tự thân các sự vật hiện tượng, mà nó là “quan hệ tương tác” giữa chúng với người thưởng thức. Nói một cách dễ hiểu, là nếu anh gây cho người thưởng thức cảm xúc như thế nào thì giá trị thẩm mỹ của anh là như vậy. Chiếc quần của Minh Hằng gây cảm giác hở hang lỗ chỗ, khoe da thịt thì mặc nhiên nó là kém thẩm mỹ, phản cảm, dù có biện hộ là đã kín đáo cỡ nào.
4. Trong thời đại bùng nổ thông tin, các paparazzi tràn ngập khắp nơi và việc soi cảnh hở hang đã thành “công nghệ” rồi thì các nghệ sĩ rất nên cân nhắc trong ăn mặc. Chỉ một sai sót nhỏ thôi, cũng sẽ bị đưa lên và bị hàng triệu triệu người soi vào những chỗ “nhạy cảm”.
Điều đáng buồn là khi xu hướng sexy, gợi dục trở nên phổ biến thì có nghĩa là nghệ thuật đang bế tắc, và các nghệ sĩ cũng đang bế tắc trong việc xây dựng một hình ảnh riêng cho mình. Công chúng đang bế tắc về giải trí nên cứ đi soi kỹ chỉ một cái quần. Truyền thông cũng bế tắc khi “treo” cái quần ấy lên “top” của hàng chục trang mạng trong mấy ngày liền.
Tất nhiên, các bạn cũng có thể nghĩ như vậy khi đọc ý kiến này của tôi. Quả thực tôi sẽ không góp thêm vào những ồn ào xung quanh một cái quần, nếu như Minh Hằng không biện hộ một cách sai lạc về thẩm mỹ như trên. Và nếu như dư luận không chỉ ra cái sai từ gốc, thì nghệ sĩ còn tiếp tục tái diễn cái sai đó ở nhiều nơi khác.
(Theo Thể thao văn hóa)