- Thật sự là tôi cũng thấy chán. Chán thiệt vì tôi không còn nữa cảm giác bất ngờ, hồi hộp, háo hức. Dù rằng, tôi vẫn rất cảm ơn những lá phiếu bình chọn của khán giả và tự thấy không phải là mình không xứng đáng sau những gì đã không ngừng đổ sức.
- Vì sao anh chán mà không dũng cảm từ chối ngay từ vòng đề cử?
- Tôi từng từ chối vài lần ở một số giải thưởng, nhưng một mặt, tôi vẫn không thể phủ nhận, giải thưởng ít nhiều là sự bảo chứng cho độ "hot" của một ngôi sao, nên ngoảnh mặt làm ngơ với nó là cả một sự "giằng xé".
Trước đây, tôi từng lo sợ bị soán ngôi, từng nghĩ phải không ngừng gia cố chắc hơn vị trí riêng để không một nhân tố mới nào có thể làm mình rớt hạng. Nếu tôi không còn được yêu mến, bằng chứng là các tin nhắn bình chọn, sự thật là buồn lòng biết bao. Thêm lần này, chắc sắp tới, tôi phải nghiêm khắc hơn với mình để có can đảm từ chối bớt giải thưởng. Bởi vì chừng nào tôi còn ngồi đó, và quyền quyết định là các tin nhắn, tôi cá chắc, các đối thủ của tôi sẽ không bao giờ "có cửa".
- Anh nghĩ trong nghệ thuật có sự "nhường nhịn" sao?
- Để xây dựng một cái tên đã khó, giữ nó trụ hạng, lại càng khó hơn, vì vậy, sự nhường nhịn rất khó khăn. Hơn nữa, nghệ sĩ Việt toàn những người tự ái cao như núi, khi tôi nhường, chưa chắc người ta đã thèm nhận. Sự rút lui của tôi chỉ chừa ra được một chỗ trống và khi có chỗ trống, người ta mới có thể đứng vào được và nắm lấy cơ hội.
- Chuyện "kẻ ăn không hết người lần không ra" này, anh nghĩ là do đâu?
- Về mặt tích cực, đó là do khả năng giữ độ "hot" của một ngôi sao, bằng vào thái độ làm nghề quyết liệt và cường độ lao động không ngừng nghỉ của họ. Điều đó đã tạo được một ấn tượng, một sự thiện cảm nhất định cho các đồng nghiệp, các nhà tổ chức và đặc biệt là các fan.
Mặt khác, không loại trừ, điều đó cũng có thể ít nhiều được thao túng bởi ý muốn của nhà tài trợ, những giá trị ảo từ sim rác và với nhà tổ chức đó là món lợi không nhỏ từ những cơn mưa tin nhắn.
- Đúng đó! Nếu tôi cứ được đề cử liên tục, chiến thắng hoài, năm nào mùa nào nhìn tới nhìn lui cũng chỉ những cái tên quen thuộc đó, đến mình cũng chẳng vui nói gì các đối thủ kế cận. Đợi đến lúc nổi lên các nhân tố mới thì họ già mất thì sao? Buồn thiệt!
- Còn vấn nạn "ngủ quên trên chiến thắng" thì sao?
- Nếu là ngủ quên, tôi đã ngủ quên nhiều năm nay rồi nhé!
- Khi một giải thưởng không có ghế ngồi cho các "diva", thay vào là các "sao thị trường", anh nghĩ lỗi đó thuộc về ai?
- Tôi nghĩ, nếu có lỗi, một phần không nhỏ có khi là… báo chí. Họ luôn "tiêm" cho các diva một liều thuốc có tên "áp lực", yêu cầu họ phải sang trọng, đẳng cấp và luôn vượt lên chính mình. Vượt mãi, vượt mãi, tới khi xa quá và… bay mất. Thế nên, nếu ưa phân biệt "diva" và "sao thị trường" thì cứ việc, nhưng điều đó nhiều khi chỉ nên biết trong lòng và với nhau, còn thực tế phũ phàng lắm: cát-xê luôn thấp hơn, thậm chí, họ còn có một khoảng cách khá xa, gần như không bao giờ được lựa chọn hát cuối chương trình và không phải là cái tên bự nhất trên băng rôn.
Dân mình nghe nhạc như ăn cơm, nên "món cung đình" người ta không xài hàng ngày được. May ra một số nhỏ là dân văn phòng chăm nghe các "diva", nhưng quân số này lại ít lắm và họ không mấy khi chịu bỏ tiền mua vé hay nhắn tin bình chọn. Thế nên, nếu thích ở trên trời thì cứ ở yên đó.
- Vậy khi các fan la ó vì thần tượng không đoạt giải, theo anh, lỗi đó thuộc về ai?
- Quả là "thương nhau như thế bằng mười hại nhau", "kiếm củi ba năm đốt một giờ" còn gì! Fan làm dại, vô hình trung khiến người ta nghĩ không hay về thần tượng. Anh làm cho thỏa cảm xúc riêng, dù không phải là không có chỗ đáng cảm thông, mà không biết cho bao nhiêu tội vạ là đổ lên đầu thần tượng. Trong khi, thần tượng mất bao nhiêu công mới gây dựng được hình ảnh, cùng một lực lượng fan hùng hậu như thế. Vì vậy, tôi không bao giờ cho phép người hâm mộ của mình được làm càn như vậy, vì nói cho cùng, nó chính là thể diện của mình.