Làm ca sĩ, rồi kinh doanh, chưa kể ngày xưa từng làm thợ cắt tóc và bán đồ trả góp… còn bây giờ vừa bán luôn cả hai căn nhà để lấy 6 tỉ đồng đầu tư làm phim, Đàm Vĩnh Hưng có vẻ chưa chịu ngừng thách thức những giới hạn mới dù tuổi đã ngoài 40.
Những ngày này, người ta gặp hưng sẽ thấy nụ cười mãn nguyện vì cô học trò cưng Thảo My vừa đoạt giải quán quân Giọng hát Việt 2013 dưới sự dẫn dắt của anh. Dễ hiểu tại sao với lần thứ hai ngồi “ghế nóng” cuộc thi này, anh đã giành chiến thắng về cho học trò, bởi ở Hưng có cái tình, cái nghĩa của người làm nghệ thuật lẫn sự tính toán, mưu lược của người làm kinh doanh.
Bán hai căn nhà chỉ để làm phim
Dám nghĩ dám làm, dám chơi dám chịu, đôi lúc có cả “máu liều” của một bậc đàn anh Sài Gòn, tuy nhiên nhiều khi lại rất tình cảm và “sướt mướt”. Đó là những điều người ta luôn mặc định về Đàm Vĩnh Hưng trong suốt nhiều năm quan sát anh trong showbiz.
Hưng có hai mặt trong một con người: một mặt của con người nghệ sĩ nhưng một mặt mang bản chất thương nhân. Có một thời, các thương nhân bị ghét cay đắng, thậm chí bị coi là con buôn. Anh cho rằng: “Thương nhân bị gọi là con buôn thì nghệ sĩ cũng từng bị coi là con hát thôi. Họ đều phải chứng minh bằng chính uy tín và chất lượng sản phẩm tiêu dùng hoặc âm nhạc của mình. Đừng bắt nghệ sĩ là thánh thần tiên bụt, họ cũng chỉ là những người rất bình thường và có những nhu cầu cuộc sống như bao người bình thường khác”.
Hưng là người nặng tình, vì chẳng ai lại lập bàn thờ hai người dưng trong nhà mình (thờ đạo diễn Huỳnh Phúc Điền và nghệ sĩ cải lương Thanh Nga). Chẳng những thế, sau nhiều lần bị mắng vốn và chế giễu bởi các đàn anh, đàn chị, Hưng vẫn cứ đến các buổi biểu diễn của họ để tặng hoa, tỏ lòng yêu quý, mong được làm show, ra đĩa chung. Trường hợp của ca sĩ Bảo Yến là một điển hình. Dù từng bị đàn chị chỉ trích trên mặt báo nhưng không dưới hai lần, Đàm Vĩnh Hưng chia sẻ anh muốn cộng tác cùng Bảo Yến, chỉ cần chị chịu đến hát.
Không những duy tình, Hưng còn trọng người tài. Ở Việt Nam, chỉ có vài vị đạo diễn khiến anh nể phục thì trong đó có Lưu Huỳnh. Chính vì trọng cái tài của anh Lưu Huỳnh, Hưng quyết định đầu tư cho bộ phim Hiệp sĩ mù với chi phí dự toán ban đầu lên tới 12 tỉ đồng. Đây là con số không hề nhỏ với một cá nhân khi kinh tế Việt Nam đang ở đáy khủng hoảng. Trong lúc các doanh nghiệp “im lặng” chờ thời điểm này trôi qua thì Hưng lại bán đứt hai căn hộ ở khu Sky Garden để lấy 6 tỉ đồng đầu tư trước vào phim.
Đàm Vĩnh Hưng gọi đó là cách “thử sức mình” và cũng vì “ngưỡng mộ Lưu Huỳnh nên nếu đóng phim, tôi sẽ làm với anh Huỳnh trước”. Ai cũng biết đạo diễn Lưu Huỳnh không phải là tên tuổi đóng mác với dòng phim thị trường nên khó đảm bảo làm phim sẽ “cháy vé”. Nhưng Đàm Vĩnh Hưng, vì trọng tình, nên cứ tin, mặc dù anh chỉ được xuất hiện trong phim với một vai phụ.
Paul Scharder, cha đẻ của các phim American Gigolo (Trai gọi Mỹ), Taxi Driver (Người lái taxi)… từng chia sẻ về những ngày đầu ông mới tham gia Hollywood: “Để trở thành nghệ sĩ thì thật khó khăn và lâu dài. Trở thành doanh nhân đương nhiên là dễ hơn rồi”. Và có vẻ vai trò doanh nhân của Mr. Đàm có dễ dàng hơn thật, ít nhất là không tiêu hao chút xíu tài sản nào của bản thân, thậm chí các mặt hàng, chuỗi kinh doanh của anh còn được ví như “nấm mọc sau mưa”.
Làm giàu với nghề hát lẫn nghề buôn
Hưng từng góp 30% cổ phần trong hệ thống cháo Cây Thị, nhưng sau một năm, anh rút vốn vì không kham nổi đà phát triển quá nhanh của Cây Thị khắp các vùng miền trong nước. Anh bảo: “Sáng nào 6 giờ, tôi cũng phải thức dậy đi khai trương cửa hàng nên mệt quá không chịu nổi. Hơn nữa, có một vài điều không vui giữa nội bộ cổ đông nên tôi muốn tránh và xin rút cổ phần ra sớm dù kinh doanh phát đạt”.
Ngay sau đó, anh góp vốn đầu tư quán Hủ tiếu mì sườn Tùng Hưng, vì “một tháng được chia mấy chục triệu đồng tiền chợ, vậy sao không làm?”. Trong năm 2013, “ông hoàng nhạc Việt” tiếp tục đầu tư thương hiệu hải sản Vua Biển với 100% tự có. Hưng lấy sản phẩm từ các nhà máy ở Nha Trang, gia công tại xưởng và đang có ý định đầu tư phát triển trong tương lai. Chỉ trong 3 tháng đầu, Vua Biển phát triển đại lý khắp các tỉnh thành.
Hai thái cực kinh doanh - nghệ thuật của Đàm Vĩnh Hưng có sự tách bạch rõ ràng và ranh giới hẳn hoi. Cả hai nửa ấy, anh phải xử lý hài hòa, khéo léo trong một con người mình. Lên sân khấu, Hưng không còn dính líu gì tới kinh doanh, anh có thể cháy bỏng và có thể “chết vì nghệ thuật” trên sân khấu. Tuy nhiên, khi bước lên thương trường kinh doanh, anh lại phải quyết liệt và làm hết bổn phận, không còn chỗ cho vai trò ca sĩ cảm tính tồn tại. Vậy mà, đôi khi cái lằn ranh ấy bị xóa nhòa bởi một điểm chung giữa hai nửa. Đó chính là tận tụy, hết mình và đi tới tận cùng với công việc.
Thử nhìn lại những con số anh đã đạt được trong 16 năm qua như thế nào? Số tiền đầu tư anh bỏ ra ít nhất nhưng lượng tiêu thụ lại bán chạy nhất thuộc về album Tình ơi xin ngủ yên. Album đầu tay này anh chỉ tốn chút tiền mua vỏ nhựa, bìa giấy mỏng, mất vài triệu đồng tiền sản xuất nhưng con số phát hành lên đến vài chục ngàn đĩa trong và ngoài nước. Hưng cho biết: “Tới giờ vẫn còn bán”.
Bằng tư duy nhạy bén, tính toán kỹ lưỡng của một thương nhân, Đàm Vĩnh Hưng luôn là 1 trong 10 cái tên “ăn khách” nhất trên thị trường đĩa nhạc. Cụ thể năm 2007 - 2008, album Qua cơn mê bán trên 70 ngàn bản, đến giờ vẫn in và bán tiếp. Hoặc bài hát Say tình vẫn được khán giả yêu cầu hàng đêm trên sân khấu trong gần 10 năm qua. Ngoài ra, còn có hơn chục bài hit mang về nhiều tiền nhất từ Xin lỗi tình yêu, Nửa vầng trăng, Bình minh sẽ mang em đi…
Trở lại 16 năm về trước, Đàm Vĩnh Hưng vừa đi làm tóc, vừa kinh doanh bằng hình thức mua bán đồ trả góp. Tất cả sự nhạy bén trong làm ăn mà anh có được đều từ bà ngoại. Nhưng mười mấy năm sau, trong anh chỉ còn “nhân cách nghệ sĩ” ở lại. Anh tự nhận mình chỉ sống hạnh phúc bằng đồng tiền làm ra từ nghệ thuật. Hưng nhận thấy các tính cách nghệ sĩ như phóng khoáng, bất chấp, cảm tính… trong mình vẫn rất cao nên nếu anh muốn quay lại con người kinh doanh thì phải thay đổi, phải học lại từ đầu.
Hưng kể sư phụ mình từng hài hước giễu: “Kinh doanh không phải cứ làm như kiểu Đàm Vĩnh Hưng, thấy vui, thấy đẹp là được.” Vì Hưng từng “chết đắng” trong thương vụ kinh doanh thời trang vào năm 2008. Khi ấy, Hưng thích “làm theo kiểu của mình”, đồ mua bên Mỹ về theo ý tưởng anh đưa ra, gồm có đồng hồ, quần áo, túi xách, dây nịt một màu, một kiểu hoa văn… Các sản phẩm ấy Hưng thuê hẳn một villa, bày mannequin, trưng bày sang trọng sao cho mãn nhãn, rồi anh chỉ bán trong 3 ngày không hơn. Kết quả Hưng đi toi hơn 2 tỉ đồng, nhưng thỏa mãn được thú “điên”. Đến giờ, nhà anh vẫn chất đầy đồ hiệu của đợt hàng khi ấy để dành tặng bạn bè mỗi dịp sinh nhật.
Vậy nên, với thương vụ bán cá Vua Biển lần này, Hưng phải học rất nhiều. Học từ cách chào gói sản phẩm đến cách huấn luyện nhân viên phục vụ quầy hàng. Anh khẳng định: “Tôi chỉ là bộ phận rất nhỏ, như con thuyền nhỏ trong đại dương có nhiều cánh buồm lớn. Việc buông neo thì thuyền nào cũng sẽ buông rồi, cũng như việc người ta vẫn đang kinh doanh ngoài kia. Trong khi thị trường mà tôi kinh doanh rất mở rộng, người ta vẫn ăn uống hàng ngày, thực phẩm phải sạch sẽ hơn, bảo đảm an toàn chất lượng hơn, phù hợp giá cả hơn nên sản phẩm của tôi nhất định có chỗ đứng”.
Vậy thì không hề vô cớ chút nào khi khẳng định chính “máu liều” và tính cách “dám làm, dám chịu” của Hưng là cần thiết. Nó là yếu tố giúp anh có được những dấu ấn rõ nét và khác biệt ở vai trò nghệ sĩ cũng như thương nhân.
Chiêu trò gọi tên Đàm Vĩnh Hưng
Với người nghệ sĩ trong nghề lâu năm như anh, thị phi là điều không thể tránh khỏi nếu muốn chạm được đến đỉnh cao danh vọng. Cũng vì thế, mỗi năm anh đều đặn vướng vào dăm ba chuyện scandal.
Trong dịp lễ hội hóa trang Halloween mới đây, anh khoác chiếc áo blouse trắng có đề chữ “Bác sĩ Cát Tường” khiến dư luận lên án và Cục Nghệ thuật biểu diễn chính thức gửi công văn “nhắc nhở” anh về cách cư xử. Không ít người cho rằng anh cố tình gây chuyện chú ý để được truyền thông và khán giả… để ý, cũng như anh đã từng giơ chiếc nhẫn kim cương về phía thí sinh trong Giọng hát Việt, hoặc cắt làm tư chiếc khăn hàng hiệu giá gần nghìn đô-la để… làm nơ buộc cổ.
Đem chuyện này trao đổi với Mr. Đàm, anh trả lời có phần cay đắng: “Chưa có năm nào mà tên Đàm Vĩnh Hưng được trưng dụng khủng khiếp như năm nay. Bất kỳ chuyện gì truyền thông cũng lôi tên mình vào để thu hút lượt truy cập. Điều đó chứng tỏ tôi còn hot, còn ngon lắm”.
Và những ngày tới, cái tên Đàm Vĩnh Hưng sẽ còn được trưng dụng dài dài vì cô học trò Thảo My trong đội của anh vừa giành giải quán quân The Voice (Giọng hát Việt) mùa thứ 2. Người ta sẽ còn đồn đãi chuyện mua giải, chuyện anh o bế Thảo My mà loại đi các giọng ca “khủng” khác. Chưa hết, sắp tới, người ta cũng sẽ bất ngờ khi anh trở thành một thành viên ban giám khảo của cuộc thi X Factor (Nhân tố bí ẩn) mùa đầu diễn ra tại Việt Nam.
Nhưng thực chất, “ông hoàng nhạc Việt” không cần bận tâm nghĩ đến chiêu trò. Bản thân anh với cách sống riêng đã đủ lắm chiêu rồi. Scandal là một cách thu hút sự chú ý của đám đông ngoái nhìn mình, nhưng nếu nhận ra nghệ sĩ chẳng có thực tài ngoài “thùng rỗng kêu to” thì họ sẽ quay đi. Đàm Vĩnh Hưng không bao giờ để người ta quay nhìn mình và thấy “chẳng có gì”, mà anh luôn biết làm nổi bật bản thân bởi những gì thuộc về mình chứ không cần vay mượn.
Nói vậy không có nghĩa là cuộc đời anh không phải trả nợ, đặc biệt là nợ tiền. Sự thiếu thốn tiền bạc và những tiền lãi phải trả hàng tháng đã từng là gánh nặng của anh. Ba anh có tới 4 đời vợ, long đong từ giàu nứt đố đổ vách tới nghèo khổ phải đi đạp xích lô. Má anh là vợ hai, phải bươn chải nuôi hai đứa con (anh và em gái). Bà làm chủ hụi, có lúc tiền bạc dư dả, anh tha hồ chơi và bao bạn bè, nhưng có lúc nợ nần bủa vây, anh phải còng lưng ra làm đủ thứ việc để kiếm tiền trả nợ giúp má.
Ai cũng chỉ có 24 giờ mỗi ngày, nên những ngày phải làm việc nhiều, Hưng phải bớt giờ ngủ đi. Mỗi đêm anh thường thức đến 3-4 giờ sáng nhưng chỉ đến 8h30 sáng là bật dậy. Rất nhiều ca sĩ trẻ mới vào nghề hay vướng show và hủy vì không cân bằng được thời gian, nhưng những nghệ sĩ như Hưng thì không có lý do gia đình hay sức khỏe nào có thể mang ra ngụy biện để hủy show cả. Ốm đến đâu cũng lết lên sân khấu hát, rồi xong về ngủ tiếp.
Đàm Vĩnh Hưng tâm sự: “Đám tang của bà ngoại, Hưng còn phải tháo tang để ở nhà rồi đi hát xong về nhà chịu tang tiếp. Đâu có ai hẹn được ngày chết. Hưng có thể nói rằng hôm nay nhà có tang để xin nghỉ, nhưng như vậy không chuyên nghiệp. Không phải cứ nằm đó khóc lóc, than thở mới là thương. Bà ngoại thương mình thì sẽ hiểu Hưng phải đảm bảo sự nghiệp”.
Người không hiểu sẽ nghĩ Hưng không thân với bà ngoại, nhưng bà lại là một trong những người ảnh hưởng tới tính cách Hưng nhiều nhất. Khi ba bỏ gia đình đi, chính ông bà ngoại đã chăm lo cho anh và dạy anh những gì quan trọng trong cuộc đời. Hưng được bà ngoại thương yêu và anh cũng thương bà bằng tình cảm của một đứa trẻ thiếu thốn tình cảm. Chính tình cảm là điều mà suốt cả phần đời còn lại anh theo đuổi nó và đưa nó vào những đêm hát của mình.
Quá khứ đã qua vẫn để lại trong trí nhớ của Hưng về những ngày bận rộn tới mức chỉ mong điện thoại bị mất ở đâu đó để bản thân có thể được tận hưởng cảm giác bình yên hiếm có. Trong một ngày quay cuồng giữa công việc chẳng lúc nào ngừng lại, với anh, được ngủ đã là thư giãn.
Nhưng, ngay cả nhiều năm gần đây, khi vị trí trong xã hội và trong nghề nghiệp của Hưng đã đạt được thành công nhất định, anh vẫn tiếp tục guồng quay làm việc ấy. Không hẳn vì tiền, không phải để đánh bóng tên tuổi, mà có lẽ vì sự thiếu thốn tình cảm từ nhỏ. Nhà phân tâm học Freud nói, “con người về cơ bản là miếng mồi của tuổi thơ anh ta”, cái gì thiếu ở lúc còn thơ thì lớn lên người ta sẽ tìm mọi cách để bù vào. Có thể, khi trở nên nổi tiếng, nhận được sự yêu thương, ngưỡng mộ từ công chúng, chính tình cảm ấy phần nào bù đắp được sự thiếu thốn tình thương và chăm sóc của cha mẹ trong Hưng thuở nhỏ.
Sẽ còn rất nhiều điều khó hiểu đằng sau con người muôn mặt của “ông hoàng nhạc Việt”, nhưng riêng anh chỉ tự nhận rằng: “Tất cả mọi quyết định của tôi đều rơi đúng thời điểm thích hợp với giai đoạn đó, nó như định mệnh ông trời đã an bài sẵn cho tôi vậy”.
Nhà của Đàm Vĩnh Hưng phải có giá 200 tỉ đồng!
Nếu có người mua lại nhà anh với giá trăm tỉ, anh có bán không?
Tôi sẽ ra khỏi nhà, không mang theo thứ gì với cái giá được trả là 200 tỉ đồng.
Anh có bao nhiêu chiếc xe hơi?
Ba chiếc.
Anh có bao nhiêu tiền gửi trong ngân hàng?
Không có.
Nghe nói anh đã mua nhà ở Mỹ?
Tôi mua nhà bên đó lâu rồi, từ năm 2004 - 2005.
Anh mua bao nhiêu căn?
Hai căn, một ở Orlando và một ở Atlantic City.
Hình như anh có cả thẻ xanh nữa?
(Cười lớn) Tôi nghe tin này lâu rồi. Đúng là lời đồn!
Vai diễn trong phim Hiệp sĩ mù của anh sẽ là vai chính?
Vai chính người khác, tôi chỉ đóng một vai phụ, nhỏ thôi, nhưng cũng được nhận tiền cát-sê.
Ngoài thử sức với điện ảnh, anh sẽ thử vai trò nào mới nữa không?
Tôi thích làm một người hướng dẫn, thích dạy và chỉ bảo người ta về âm nhạc, biểu diễn. Tôi đang dựng một trung tâm đào tạo và cung cấp tất cả những loại hình giải trí như vũ công, ca sĩ, MC… Về cơ sở hạ tầng thì đã xong, phòng học nhảy lớn cỡ 150m2, một tầng chuyên dạy luyện thanh gồm 6 phòng, một tầng chuyên dành biểu diễn, có cả sân khấu. Tôi sẽ lên lớp, truyền dạy cho các em biết biểu diễn, phong cách. Tôi muốn là người cho các em những kiến thức cơ bản nhất của người làm giải trí, về bài vở, quan sát, tâm lí ra sao… Về mặt chuyên môn, tôi sẽ mướn thầy giỏi, thầy xịn về dạy.
Anh bỏ bao nhiêu vốn đầu tư?
Chắc chừng 2-3 tỉ đồng là được.
Anh có định đầu tư gì nữa không?
Vậy là đủ mệt rồi. Sắp tới, tôi sẽ ngồi chính trong X Factor, vì đã nhận lời.
Họ trả cát-sê nhiều bằng tiền anh đi hát không?
Chắc chắn không bằng tiền đi hát với thời gian bỏ ra như thế, nhưng tôi vẫn làm vì thích. Tôi thích ngồi làm huấn luyện viên, có rất nhiều yếu tố khiến mình phải ngồi. Sao giữa bao nhiêu con người tài giỏi ở Việt Nam không chọn họ lại chọn mình?