Cơ chế “chiếc lò xo”
Phụ nữ quả không hiểu nổi tại sao người đàn ông của mình mới hôm qua thôi, thậm chí, mới chỉ sáng nay đang rất sôi nổi nồng nàn, bỗng nhiên trở nên xa lạ và nín thinh, hỏi không nói, gọi không thưa, cùng lắm chỉ ậm ừ cho qua chuyện. Những biểu hiện ấy thường làm phụ nữ phát điên, họ tìm đủ mọi cách để tra khảo, lục vấn xem chuyện gì đang xảy ra; một cảm giác bất an ập đến, họ thấy mình không còn được yêu nữa, rằng rất có thể “anh ấy” đã để tâm đến một người con gái khác… và rồi phụ nữ bị nhấn chìm trong vô vàn ước đoán đó. Tuy nhiên, những người phụ nữ vốn đa cảm đa nghi không thể nào ngừng được việc dằn vặt chồng và dằn vặt chính bản thân mình “đã làm gì sai”. Còn người đàn ông vẫn một mực nín lặng, họ không nói ra lý do vì sao họ trở nên lầm lì, hoặc nếu có nói thì chỉ là những lý do lãng xẹt nhất, chỉ có thể khiến người phụ nữ điên đầu thêm.
Một thời gian sau, người đàn ông đó lại trở nên nồng nàn không lý do, họ trở về là một quý ông biết chiều chuộng, quan tâm chăm sóc mà không có bất kỳ một lời giải thích nào cho sự nhạt nhẽo trước đó đã làm người phụ nữ khổ sở. Phụ nữ thì cho rằng đàn ông vô tâm, coi họ như “cơm nguội’ đỡ khi đói lòng và lúc không cần nữa thì họ lại nín thinh không thèm chăm sóc yêu thương nữa. Tệ hơn nữa, tình trạng này không chỉ diễn ra một vài lần mà nó như trở thành một chu kỳ nhất định.
Theo sự tổng kết của các nhà tâm lý học thì những hiện tượng trên xảy ra với tất cả đàn ông trên thế giới, không phân biệt màu da hay trình độ văn minh. Diễn tiến tình cảm của một người đàn ông được ví như một chiếc lò xo. Khi chiếc lò xo đó dãn ra hết mức, là khi tình cảm của họ đối với phụ nữ lên đến mức đỉnh điểm, nhưng sau đó, như một quy luật tất yếu, chiếc lò xo phải co lại, đó là khi người đàn ông rút về thế giới của riêng mình, không buồn để tâm đến ai. Đó không phải là do anh ta đã “no xôi chán chè” và trở nên hờ hững, mà đó là khi anh ta thuận theo quy luật tự nhiên trong diễn tiến cảm xúc của một người đàn ông. Họ buộc phải có những lúc thực sự cần được “yên thân” để tận hưởng sự “độc lập tự trị” của mình, để lại có thể tiếp tục yêu thương khi chiếc lò xo đó co hết mức và theo đà, lại có thể dãn ra.
Nếu một người đàn ông lúc nào cũng “ngoan ngoãn”, chiều chuộng và ân cần, thì đó lại là một dấu hiệu không tốt cho đời sống lứa đôi. Vì một nguyên nhân nào đó mà “chiếc lò xo” không được hoạt động theo đúng cơ chế tự nhiên của mình thì “chiếc lò xo” đó sẽ trở nên cáu gắt bực bội và một ngày có thể thay đổi hẳn tâm tính, nó đã phải dãn quá mức, cho đến khi mọi khớp lò xo trở nên méo mó và kiệt sức.
Nếu hiểu việc người đàn ông cứ thỉnh thoảng lại trở nên “xa lánh” vợ con mà không đưa ra được lý do, là một chu kỳ phát triển tự nhiên thì phụ nữ không nên hoảng sợ vì điều đó. Bản thân rất nhiều người đàn ông cũng không hiểu được tại sao họ lại như vậy, họ chỉ có một nhu cầu muốn được thỏa mãn đó là “được ở một mình”. Vì không hiểu cặn kẽ nên họ rất khó đưa ra đưa ra được lý do đủ thuyết phục người vợ để họ được yên.
Người từng trải nghiệm điều này, chị Huyền, một giáo viên cấp III xinh xắn thùy mị, đã từng rất tự hào về người chồng “không chút sơ suất” của mình, “anh ấy lúc nào cũng tỏ ra yêu thương và trìu mến, đến nỗi chỉ cần anh ấy nhíu mày một chút thôi là mình đã cảm thấy tủi thân vô cùng…”. Và đúng là chị đã có một khoảng thời gian được chồng quan tâm hết mực, tưởng như không một giây phút nào lơ là. Nhưng rồi bỗng một ngày chị thấy chồng mình thay đổi, anh trở nên cáu gắt vô cớ và không còn đáng yêu như xưa nữa. Chị Huyền rơi vào khủng hoảng với niềm tin rằng chồng không còn yêu mình nữa. Tuy nhiên, rất có thể rằng việc cố gắng vui vẻ và ở bên vợ trong một thời gian quá dài đã khiến chồng chị không có thời gian để rút về “hang sâu” của mình, nơi anh có thể hoàn toàn yên tĩnh và cân bằng lại cuộc sống, lấy lại trạng thái ban đầu của “chiếc lò xo” để có thể lại tiếp tục co dãn. “Chiếc lò xo” chồng chị Huyền đã ở trong một trạng thái dãn trong một thời gian quá dài, và do đó, mất khả năng đàn hồi tự nhiên mà người đàn ông nào cũng phải trải qua.
Theo tiến sỹ tâm lý Nguyễn Thu Hương, giảng viên khoa Tâm lý trường ĐH KHXH&NV, thì sai lầm của phụ nữ khi đối mặt với trạng thái tâm lý này của đàn ông là họ thường tiến hành những “lệnh trừng phạt” khi người đàn ông trở ra từ “hang sâu” của mình, khi nhu cầu được ở một mình của anh ta kết thúc. Lúc này, người đàn ông lại trở nên yêu thương chăm sóc như anh ta đã từng như thế, thậm chí còn nồng nàn hơn sau một thời gian “hồi phục”. Tuy nhiên, do cho rằng chồng đã có thái độ vô lý, người vợ thường tỏ ra giận dỗi, bất hợp tác trong cả việc chăn gối lẫn tình cảm, không chia sẻ cảm giác và thông cảm với chồng. Điều này khiến người đàn ông có thể sợ bị “trừng phạt” mà vô thức không dám tiến hành những cuộc “rút về ở ẩn” của mình nữa, và rồi, một người chồng cáu gắt và tức giận như trường hợp chồng chị Huyền đã nói, xảy ra.
Hiểu được chu kỳ này của đàn ông, phụ nữ có thể thoải mái với ý nghĩ rằng không phải chồng không còn yêu mình nữa, mà là anh ấy cần một khoảng thời gian cho riêng mình để cân bằng lại cuộc sống và điều đó là cần thiết để cả hai có thể duy trì được tình cảm một cách tự nhiên nhất: “Việc tiến hành những “lệnh trừng phạt” chỉ khiến đẩy người yêu và chồng mình ra xa và cuộc sống trở nên không có sự chia sẻ”, TS Thu Hương cho biết.
Theo Gia Đình