[justify]
[size=3][/size] |
[justify][size=3]
Một người bạn cũ thời học đại học của tôi báo tin, cô vừa kết hôn lần thứ hai, với chính anh chàng người yêu đầu, thời ở giảng đường đại học. Tôi còn nhớ láng máng anh chàng ấy, cao gầy, đi xe máy cũ và mặc áo sơ mi kẻ, vẻ ngoài không có gì nổi bật. Tôi hỏi, đám cưới trước bạn làm đình đám lắm, cỗ ba bốn nơi, từ Hà Nội về đến quê dâu quê rể, thế còn bây giờ, sao không mời nhiều?[/size][/justify]
[justify][size=3]
Đám cưới mười năm trước của bạn tôi, chú rể là một sếp nho nhỏ trong một công ty kinh doanh, áo cưới đẹp, cỗ đắt tiền ở khách sạn lớn và phòng riêng sang trọng, đó là tất cả những gì tôi biết về người bạn cũ, cho đến khi gặp lại lần này.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Bạn nói, đã trả hết cho nhà anh chồng tất thảy, thậm chí đi ra khỏi cuộc hôn nhân không có gì trong tay, không tiền không con cái, quay trở lại xuất phát điểm ban đầu của hơn mười năm trước. “Nhưng giờ đây tớ rất hạnh phúc!”, và bạn so sánh: “Chồng cũ cho tớ năm mươi triệu thì chỉ bằng cái móng tay của anh ấy, chồng mới chỉ đưa tớ lương tháng năm triệu nhưng đó là tất cả vòng ôm của anh ấy”.
Câu nói ấy làm tôi suy nghĩ mãi. Người đời cứ bảo rằng: “Dùng tiền để thử đàn bà, dùng đàn bà để thử đàn ông”. Nhưng người bạn hạnh phúc với “cuộc hôn nhân năm triệu” lại chứng minh rằng, thực chất, tiền là thước đo rất quan trọng khi ta yêu một người đàn ông. Thấy anh ta cư xử thế nào với tiền, sẽ biết anh ta cư xử thế nào với đàn bà. Và hoàn toàn không phải ai đưa cho bạn nhiều tiền hơn thì sẽ yêu bạn nhiều hơn! Thực sự là không![/size][/justify]
[justify][size=3]
1. Đàn ông tử tế không mượn tiền người yêu[/size][/justify]
[justify][size=3]
Và cả tiền của bố mẹ anh chị em người yêu, hay họ hàng của người yêu nữa. Hay nhờ vả xin việc hộ, thăm dò của hồi môn, xui bạn gái mượn cái này cái kia về cho mình dùng. Dù thực tế, rất nhiều người đàn ông (và cả phụ nữ nữa) nghĩ rằng, đã yêu thì tiền không thể nào so sánh với tình cảm.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Tình yêu chân chính đáng lẽ sẽ phải được trân trọng hơn bất cứ một khoản tiền nào mới đúng. Nhưng, đó là một điều lý tưởng hóa, là một sự trân trọng có điều kiện. Bởi cho dù bạn thật trân trọng mối quan hệ, không quá quan trọng tiền bạc, bạn vẫn cứ phải sống trong một xã hội mà ông chồng nào đưa hết lương tháng cho vợ là yêu vợ, cô bạn gái nào chia sẻ gánh nặng tài chính với người yêu mới là gái tử tế, thì bạn ráng làm gái tử tế, chứ đừng hỏi tình yêu vì sao đã bị tiền bạc hất lên, nhẹ bỗng trên cán cân tình.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Tôi có quen một cô bé, người yêu thường lấy tiền trong ví cô để trả tiền mỗi khi anh mời bạn bè ăn uống, đi chơi, hát Karaoke, mua đồ ăn về nhà nhậu nhẹt, mua bia về cả nhóm nhâm nhi chờ trận bóng đá chung kết. Tiếc là, tiền do cô kiếm ra một mình, còn bạn bè là bạn bè của mình anh mà thôi.[/size][/justify]
[justify][size=3] [/size][/justify]
[justify][size=3]Khi kể với tôi, cô bé nói:[/size][/justify]
[justify][size=3]
- Em không tiếc tiền cho anh ấy. Nhưng em không muốn dùng tiền của em để trả cho những người bạn thiếu liêm sỉ của anh ấy.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Thiếu liêm sỉ nghĩa là, điềm nhiên hưởng thụ trên tiền không phải của họ, cũng không phải của bạn họ.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Thời còn làm việc trong các dự án của một số ONG, tôi được tiếp xúc với rất nhiều những bà vợ ra nước ngoài làm thuê, gửi tiền về Việt Nam cho gia đình. Vất vả không làm họ khóc, nhớ nhà và nhớ chồng con không làm họ khóc, nhưng họ luôn khóc khi nhớ về tiền.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Là số tiền mà họ gửi về, mong dự trữ dành cho cuộc sống sau này dễ thở hơn, thì ông chồng ở làng quê Việt Nam thường đem tiêu ngay lập tức, đem cho chị chồng vay, em chồng vay (không hiểu sao, luôn là những họ hàng người thân của… nhà chồng!). Và những người đàn bà lặn lội kiếm tiền đã vật vã khóc không phải vì tiếc tiền, mà họ tiếc công sức và tiếc tình yêu cùng niềm tin.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Rõ ràng, những người phụ nữ ấy đã rơi vào tình huống nguy hiểm: Muốn giữ tình thì phải đưa tiền. Còn nếu khư khư giữ tiền, cự tuyệt đòi hỏi, thì sẽ tan vỡ ngay mối quan hệ yêu đương ấy. Và phụ nữ còn bị “kẻ tiêu tiền giùm” trút lên đầu vô số lời mỉa mai, công kích. Như thể, họ mới là người tốt đẹp, còn bạn chỉ là kẻ tầm thường, quá coi nặng tiền bạc, tính toán với ngay cả người yêu, hoặc chồng.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Nhiều khi, chúng ta thường quá nhấn mạnh vào những trường hợp chân dài bám theo đại gia vì tiền, hoặc những trường hợp phi công trẻ cố lái máy bay bà già cũng chỉ vì lợi lộc và vật chất. Định kiến “yêu chỉ vì tiền” ấy đã xóa cái nhìn thiện cảm với họ và giết chết những cơ hội của tình yêu đích thực. Nhưng, chúng ta đã không nhận ra rằng, chẳng cần làm đại gia, chẳng phải là chân dài, chúng ta cũng vẫn đang sống trong một xã hội mà bạn trai – bạn gái, vợ - chồng, bố - mẹ đang rơi vào bi kịch lầm lẫn giữa tiền và tình. Đó là: Mang Tình ra để mặc cả cho Tiền, và mang Tiền ra để đong đếm Tình![/size][/justify]
[justify][size=3]
Và chân dài lợi dụng đại gia, hay phi công trẻ dựa tiền người tình già dặn, chỉ là phần nổi của tảng băng chìm, mà chỉ vì chúng ta dễ dàng nhìn thấy họ, nên chúng ta thường đổ dồn vào chỉ trích lên án.
Thực chất, phần đông chúng ta đang để cái mớ lùng bùng tình-tiền của cá nhân ta dưới nước mà thôi. Chứ ta chẳng phải là nhờ nghèo hơn, xấu hơn mà không phải đối mặt với những tình nhân đào mỏ hay những bà vợ tham tiền.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Chừng nào xã hội còn sống bằng lý lẽ “của chồng công vợ”, “trọng nghĩa khinh tài” và “tiền anh cũng là của em, tiền em cũng là của anh” thì chừng đó, còn chỗ cho những kẻ vừa lợi dụng được tiền của vợ, vừa lên giọng đòi hỏi dạy dỗ vợ phải biết điều. Và còn chỗ cho những chàng người yêu vay tiền quên trả, xui bạn gái đi nhờ vả họ hàng nhà cô ấy giúp mình. Lại còn nói rằng, thế mới là YÊU!
[/size][/justify]
[justify][size=3]2. Nói gì với Mr. Money?[/size][/justify]
[justify][size=3]
Một lần, có một anh chàng bảnh bao vì hâm mộ mà mời tôi ăn tối. Tôi vẫn ăn mặc giản dị bụi bặm với đôi giày vải, còn anh chàng xuất hiện bóng bẩy với ngoại hình lịch thiệp. Chỉ vì quán ăn ngon cuối tuần quá đông khách, anh chàng đành cùng tôi ngồi chờ gần nửa tiếng ở ngoài cửa quán. Trò chuyện khi đó giúp tôi hiểu ra rằng, anh chàng chọn quán này vì đó là quán quen của anh ta, không thu phí đỗ xe ô tô, luôn có chương trình giảm giá, đồ ăn hợp khẩu vị của anh.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Và vì thế, anh dứt khoát chờ chứ không cùng tôi đi sang quán ăn ngay đối diện. Dù với tôi, cũng chỉ là một bữa tối, tôi chỉ quan tâm tới người sẽ ăn cùng tôi, câu chuyện ta sẽ nói với nhau, còn ngồi đâu, ăn gì không quan trọng. Trong khi người đàn ông kia lại quan tâm tới việc, quán nào “hoành tráng” hơn, giá cả hợp lý hơn và rõ ràng, anh ta để ý tới Giá Trị chứ chẳng quan tâm tới Cảm Nhận của tôi.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Bữa ăn bắt đầu một cách tẻ nhạt, bởi trong lúc tránh đám đông len lỏi tìm chỗ ngồi, tôi đã vô ý… đá nhẹ vào chân anh chàng. Và khi ngồi xuống, chờ món, anh ta mồm nói chuyện với tôi nhưng tay luồn xuống gầm bàn lấy giấy ăn kỳ cục lau vết bụi mà tôi đã vô ý quệt vào giầy da bóng loáng của anh ta.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Hình ảnh một người đàn ông ngồi trước mặt đàn bà nhưng lại cho tay xuống gầm bàn lén lút làm một cái gì đó, cảm giác thật tệ. Như thể, nửa trên bàn là thể diện ngời ngời đẹp đẽ đàn ông, nửa dưới bàn lại là bản tính và tính khí thật sự của anh ta.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Trong thực tế, có rất nhiều người đàn ông luôn nghĩ rằng, phụ nữ thích đàn ông giàu có hào phóng, nên bản thân họ phải tỏ ra điều đó. Họ sẽ đi đôi giày đắt giá hơn mức chi tiêu mà họ có thể kiếm được, họ sẽ đi làm hai năm chỉ để đổi chiếc xe máy tay ga hoặc đắt tiền hơn. Họ sẽ luôn tặng hoa cho ngày 8/3 chỉ bởi, số tiền mà họ định dành cho bạn, chỉ mua mỗi… hoa là còn coi được. Nhưng bản chất thật sự của đàn ông sẽ bộc lộ ra dưới gầm bàn, khi bạn không phải người tình chờ họ ở nơi hò hẹn mà bạn chờ họ ở nhà, trong vai một bà vợ![/size][/justify]
[justify][size=3]
Nói gì với người đàn ông vật chất, người không áy náy khi tận hưởng cái gì đó của bạn, người hỏi vay trăm triệu ngay sau khi yêu nhau ba tháng, lấy cớ là phát triển sự nghiệp cho tương lai cả hai ta sau này?[/size][/justify]
[justify][size=3]
I am not ready ![/size][/justify]
[justify][size=3]
Em chưa sẵn sàng. Một câu tiếng Anh ngắn gọn để giảm nhẹ sự trần trụi của lời cự tuyệt.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Em chưa sẵn sàng có tiền trong ví, em chưa có đủ tiền cho dự định của anh, hơn nữa, em chưa sẵn sàng để đầu tư tình yêu và tiền bạc vào người đàn ông như anh. Vì em chưa cảm nhận được trách nhiệm của anh, kế hoạch lâu dài của anh, sự an toàn của anh. Vì anh giống như người có thể quan hệ ngắn ngủi qua đường, không thấy có gì hứa hẹn tương lai lâu dài, ngoài hứa hẹn khoản nợ lâu dài.[/size][/justify]
[justify][size=3]
I am not ready! Hãy nói rằng, bạn chưa sẵn sàng để ôm lấy một mối nguy cơ tài chính mang hình dáng đàn ông. Bạn cũng không sẵn sàng trở thành chủ nợ, hoặc trở thành môi giới. Cả xã hội luôn mang tình cảm ra để bắt cóc, nhưng nếu bạn mang tiền để chuộc, bạn không chắc sẽ được nhận lại tình cảm, mà có khi, bạn mất cả chì lẫn chài, mất cả tiền, mất cả sự tín nhiệm lẫn người yêu.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Mr. Money không bao giờ trở thành Mr. Right của bạn. Vậy hãy tránh xa những người đàn ông hễ mở miệng là thấy nói đến tiền, nhưng lại là tiền của… bạn hoặc tiền của người khác. Bạn chưa sẵn sàng để bị uy hiếp bằng tình yêu, bạn càng không cần phải mang tiền ra để chứng minh tình yêu của bạn, giá trị của bạn. Chỉ cần yêu thôi là đủ, những điều khác, kể cả hôn nhân lẫn tiền bạc, hãy để nó diễn ra hài hòa và hợp lý, tự nhiên.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Chắc các bạn sẽ hỏi rằng, vậy tôi đã cư xử thế nào với anh chàng bảnh bao trong quán ăn hoành tráng kia? Tôi chẳng làm gì cả, vì tôi không có ý định ăn tiếp những bữa tối tiếp theo với chàng. Người đàn ông vật chất không phải là một thương vụ mà phụ nữ có thể đầu tư lâu dài.[/size][/justify]
[justify][size=3]
Bởi những giá trị mà chúng ta mang tới cho người đàn ông, đâu phải chỉ mỗi tiền?[/size][/justify]