Ngọc Nga mãn nguyện với cuộc sống hiện tại. |
Có một dòng nhan sắc Việt đang chảy máu
Ca sỹ Hồng Hạnh gần 20 năm hạnh phúc bên người chồng Nhật. Hoa hậu Nguyễn Diệu Hoa lấy chồng Ấn Độ đã sắp được 10 năm. Ca sỹ Hồng Nhung trẻ như thuở đôi mươi bên anh chồng Mỹ.
Người mẫu Ngọc Nga sống trong ngôi nhà có những ô cửa sổ nhìn đẹp như bức tranh cùng anh chồng Úc. Siêu mẫu Phi Thanh Vân lúc nào cũng sánh bước bên chồng Pháp. Mỹ Uyên lấy chồng người Ý, Bằng Lăng lấy chồng người Đức, Kim Hồng lấy chồng người Anh….
Rồi siêu mẫu Trương Ngọc Ánh, người mẫu Vân Anh, người mẫu Tống Bạch Thuỷ, Kim Hương, Á hậu Trịnh Kim Chi, Diễn viên Hiền Mai… đều có ông xã là Việt kiều Mỹ, Úc, Bỉ…
Họ có chung một điểm là đã không chọn trai Việt làm chồng, và chung một điểm nữa là sau hôn nhân, đa số đều hạnh phúc. Siêu mẫu Ngọc Nga kể: “Tôi là người may mắn nhất khi lấy được anh. Ông xã tôi là người không chỉ mang lại hạnh phúc tuyệt vời cho vợ con mà còn tôn trọng quá khứ của vợ.”
Kim Hồng tâm sự: “Ông xã tôi là người Anh, nhưng tôi vẫn không thấy khác biệt với người Việt chúng ta nhiều. Nếu có khác là anh ấy rất tôn trọng sự tự do của tôi. Không ép buộc vợ làm điều gì nếu cô ấy không thích. Ngoài ra, tôi cũng may mắn có chồng biết chia sẻ công việc và những chuyện vui buồn trong nghề người mẫu. Những gì tôi làm, dù anh không thích nhưng anh ấy vẫn luôn ủng hộ tôi. Ông xã tôi luôn muốn vợ mình giao thiệp rộng bên ngoài để học thêm nhiều điều”.
Bằng Lăng hạnh phúc bên chồng ngoại quốc. |
Tại sao đàn ông Việt thất thế?
Đừng vội quy kết nhan sắc tham tiền. Bởi đa số các ngôi sao đều không nghèo, và họ cũng biết rõ các đại gia Việt cũng nhiều người giàu lắm chứ.
Có lẽ tại chính sự trọng nam kinh nữ, hai chữ “hi sinh” và “chịu đựng” như thứ mặc định của phụ nữ, trở thành một bổn phận đã làm các nhan sắc mệt mỏi mà chạy trốn.
Nhìn vào truyền thuyết, khi người đàn bà dẫn 50 người con lên rừng, nhìn vào sử Việt thời những người đàn bà cưỡi bành voi ra trận, bước chân vào những ngôi làng Việt cổ, có bên đình bên chùa, bên dành cho nam giới, bên dành cho nữ giới, mới thấy bốn chữ “nam tôn nữ ti” của đạo Khổng theo chân kẻ đô hộ sang từ ngàn năm bắc thuộc cũng chưa chắc đã lật đổ nổi tinh thần một con mẹ Đốp.
Trong khi văn hóa Việt giáo dục đàn bà về sự nhún nhường cộng với bản chất bao dung, sẵn lòng hy sinh, có thể hoá đá chờ chồng thì cũng làm nảy sinh ra một kiểu đàn ông không biết làm việc nhà, không biết quan tâm yêu thương phụ nữ và không đặt nặng nhiệm vụ chăm sóc gia đình. Thậm chí, nhiều đàn ông Việt còn tự cho mình cái quyền được đặt mình ở chiếu trên, còn đàn bà ngồi chiếu dưới, như một lớp người thứ yếu.
Tuyết Hường, cô gái 25 tuổi ở Cần Thơ vừa lấy chồng Đài Loan tâm sự: “Nhà em không nghèo. Không phải em lấy chồng Đài Loan vì sợ nghèo. Mà em không biết lấy ai trong đám trai làng. Từ ông, tới bố, tới các chú các bác, tới đám thanh niên, tối ngày nhậu nhẹt, say xỉn. Rồi chửi bậy, đánh nhau, rồi mắng mỏ mẹ em khi bà vừa bước ngoài đồng về đã sấp ngửa lo nấu bữa chiều. Chị em đi lấy chồng, được vài bữa thì bị chồng đánh đập. Nhà em không dám can ngăn. Em sợ cái cảnh đó lắm”
Kim Hồng và ông xã người Hà Lan.. |
Những Nữ Oa đội đá vá trời
Các cô gái, nhất là những cô gái thông minh, hiểu biết, cứ nhìn chị, hay mẹ mình, những người phụ nữ đã có gia đình mà hoảng sợ.
Nhiều phụ nữ Việt Nam sau khi lấy chồng bỗng nhiên trở thành một quái vật ba đầu sáu tay, vừa làm việc đồng áng, công ty như một người đàn ông, lại vừa lo nội trợ bếp núc như môt người đàn bà, lo chăm sóc dạy dỗ con cái như một nhà sư phạm, lo đối nội, đối ngoại như một nhà ngoại giao. Sống và làm việc bằng hai, ba người cộng lại!
Tới các trường học, thấy đa số là các bà, các mẹ đi đón con. Ra các công viên, đi chơi cùng bầy trẻ con cũng lại là các mẹ. Họp phụ huynh, (phụ + huynh nhé) mà toàn là… mẫu và tẩu tẩu.
Ngô Mỹ Uyên và bạn trai người Ý trong tiệc sinh nhật Hồng Nhung. |
Vậy các bố đi đâu rồi?
Hãy ra các quán nhậu, các nhà hàng, và tử tế hơn chút ít là các công sở ban đêm, sẽ thấy… các bố đang ngồi đấy. Có thể là giải trí, có thể là đối tác, có thể là công việc. Những công việc mà, trong quỹ thời gian ít ỏi, các bà mẹ phải hoàn thành như một file nén.
Khối lượng công việc như một nhân viên nam, nhưng nhân viên nữ phải bớt xén chút ít thời gian để search ra vài cách chế biến món ăn, tìm hiểu đôi nét về vài loại thuốc con phải uống, đi muộn chục phút để ghé qua chợ, về sớm nửa tiếng để đón con tới giờ tan trường.
Buổi tối, sau khi nấu ăn cho cả nhà, sau khi dọn dẹp nhà cửa, người phụ nữ lại lo cho con học bài. Đêm, con giật mình khóc, mẹ là người lục đục thức giấc.
Mỹ từ “giỏi việc nước, đảm việc nhà” là gánh nặng nhẫn tâm đang đè lên vai họ!
Hồng Nhung và bạn trai người Mỹ . |
Vẫn quá nặng trọng nam, khinh nữ
Tình hình này chưa hẳn ngày một ngày hai sẽ chấm dứt. Bởi cho tới những ngày hôm nay, năm 2010, bạn cứ để ý cách nói chuyện với một bà bầu thì thấy nó vẫn còn đó. Sau câu hỏi bé trong bụng là trai hay gái, nếu trai sẽ được nói ngắn gọn: “10 điểm nhá, chúc mừng”. Nhưng nếu là gái sẽ được an ủi: “Con nào chả là con”, hay “Có con gái càng nhàn, sau này nó… phụ việc cho”.
Ơ hay, vậy có con trai không nhàn sao, không biết phụ việc sao? Con trai không “cũng là con” sao?
Phi Thanh Vân và ông xã người Pháp. |
Đàn ông Việt - viên kim cương chỉ được mài một mặt
Trong xã hội còn rơi rớt tư tưởng trọng nam khinh nữ, các bậc mày râu sung sướng đấy, nhưng cũng thiệt thòi - họ như viên kim cương chỉ được mài giũa có một mặt. Họ đâu có hoàn hảo, đa năng như đàn ông trong xã hội bình đẳng. Họ không thể lấp lánh!
Như bố tôi, cả đời chỉ làm có một nhiệm vụ là kiếm tiền, không cần phaỉ chăm sóc con, không chơi với con, không học bài cùng con. Những nhiệm vụ này, ông giao trọn gói cho mẹ tôi.
Và từ hồi 50 tuổi cho tới nay, suốt mấy chục năm, ông không nói chuyện được với đứa con nào. Có những kinh nghiệm quý giá, ông đã phải trả bằng mồ hôi và bằng máu trên thương trường, mà cũng không truyền lại được cho mấy đứa con. Khi ông lên phòng khách thì con cái giạt xuống bếp, khi ông xuống bếp thì đứa nào đứa nấy nháy nhau lỉnh ra vườn, khi ông ra vườn thì nó tản lên lầu. Sau bữa cơm, chỉ cần ông hắng giọng, “Ba muốn nói chuyện” là tất cả kiếm cớ bận rộn rồi chuồn hết.
Vì từ ngày sinh ra, chúng tôi chỉ thấy mẹ ở bên cạnh, người cho ăn, người tắm giặt chăm sóc, người chỉ bảo cho chúng tôi chỉ tòan là mẹ. Hình ảnh ông bố trong nhà quá mờ nhạt, thời gian ông vui ngòai đường và bên bạn bè quá nhiều, ông không hiểu tính nết đứa nào, không biết những buồn vui, hay bạn bè cuả con. Viên kim cương mà chỉ được mài có một mặt thì thậm chí còn kém long lanh hơn một hạt nhựa.
Đàn ông, đừng bắt tất cả phải giỏi kiếm tiền
Cũng là áp lực, khi người Việt đời chỉ nhìn đàn ông Việt ở “những việc lớn”. Tức là tiền kiếm được bao nhiêu? Tự nhiên mấy mươi triệu đàn ông bị xếp vào chung một rổ, một chuẩn mực đo đếm là khả năng kiếm tiền.
Trong mấy mươi triệu người đó, chỉ có một số ít là thực sự có năng khiếu trong việc kiếm tiền thôi, số còn lại, mặc kệ là có hàng triệu kiểu năng lực khác nhau, đều bị đổ đồng là hàng loại hai, loại ba.
Khi không có năng khiếu kiếm tiền, tự người đàn ông cảm thấy mình như mất hết, như vô tích sự. Từ đó, họ phải bạo lực để trấn áp vợ con, hay bồ bịch để chứng tỏ với thiên hạ. Còn nếu người vợ mà kiếm ra tiền nuôi cả nhà thì đó là điều trái khoáy, phải giấu nhẹm đi. Vợ về nhà phải giả ngu giả dốt, phải tận tụy phục vụ chồng nhiều hơn, may ra mới giữ được nhà yên ấm.
Ca sỹ Hồng Hạnh tâm sự về người đàn ông ngoại quốc làm chồng mình suốt 20 năm nay: “Ông xã tôi nấu ăn rất ngon. Khi tôi ốm đau hay gặp chuyện buồn phiền, anh an ủi và chăm sóc rất chu đáo. Sinh nhật nào của tôi anh ấy tặng hoa, với vẻ mặt đỏ gay, vụng về…”.
Từ những sự thật đó, thì những cô nàng xinh đẹp, thông minh và có nhiều cơ hội tiếp xúc, có nhiều cơ hội lựa chọn, sẽ không chọn lối đi lắm rủi ro, nhiều bất trắc này.
Sẽ còn nhiều nhan sắc tìm đường chạy trốn khỏi trai Việt, và nói một cách thuần sinh học, một lượng lớn gien tốt đã âm thầm xuất khẩu, nếu trai Việt không tự mình nâng cấp!
Lửa ấm